Bài 7: Đề nghị truy tố bà chủ xăm “quái vật” lên mặt và ngực thiếu nữ

(Dân trí)- Liên quan đến vụ cô gái bị xăm “quái vật” lên mặt và ngực, cơ quan Công an TP Vũng Tàu vừa kết thúc điều tra và chuyển sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố các đối tượng liên quan đến vụ án trên.

Đề nghị truy tố bà chủ xăm “quái vật” lên mặt và ngực thiếu nữ
Nguyễn Thị Anh bị bắt đưa về trụ sở Công an
 
Theo đó, Nguyễn Thị Anh (còn có tên là Trâm Anh, trú tại đường Lê Quang Định, TP Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Hương (quê Nghi Lộc - Nghệ An) cùng bị đề nghị truy tố về tội danh “Làm nhục người khác”.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, năm 2008, Nguyễn Thị G (SN 1991, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An), vào làm thuê tại quán cà phê cho bà Nguyễn Thị Anh, một người đồng hương, với mức lương 2 triệu đồng/tháng, bao ăn.
 
Được một thời gian, đến giữa năm 2011, do nghi ngờ G. có quan hệ với chồng mình nên bà Nguyễn Thị  Anh tìm cách để trả thù.

Ngày 26/11/2011, bà chủ quán cà phê cho người chở G. đến một căn nhà bỏ hoang đánh đập, tra khảo, dọa tạt a xít, cho xã hội đen “cắt tai”… rồi buộc cô phải thừa nhận có quan hệ tình dục với chồng mình.

Chưa hết, bà Anh tiếp tục đưa G. về nhà mẹ ruột tra khảo, lấy kéo và tông đơ cạo trọc hết đầu cô.

Ngày 29/11/2011, bà Nguyễn Thị Anh tiếp tục sai Nguyễn Thị Hương chở G. đến một tiệm xăm, thuê người khắc 3 con rết to lên mặt và ngực cô, mỗi con giá 400.000 đồng.
Đề nghị truy tố bà chủ xăm “quái vật” lên mặt và ngực thiếu nữ
Nhiều người không khỏi kinh hãi khi thấy những vết xăm hình con rết trên khuôn mặt trắng trẻo và ngực của Nguyễn Thị G.
 
Kết quả giám định tỷ  lệ thương tật do vết xăm để lại trên người Nguyễn Thị G là 30%.
 
Theo bà Trần Thị Hoa, mẹ của G, gia đình hiện đang rất mong pháp luật sớm đưa các đối tượng trên ra xét xử để lấy lại công bằng cho G, phần nào an ủi những mất mất vô cùng lớn cả về tinh thần và thể xác mà G và gia đình đã trải qua.
 
Điều 121 Bộ luật Hình sự: Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
Phạm tội nhiều lần;
Đối với nhiều người;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Đối với người thi hành công vụ;
Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
 
Vũ Văn Tiến