Vụ 78 tỷ đồng bồi thường "nhầm" đối tượng:

Bài 5: Cuộc sống khốn cùng của 37 hộ dân "chết mòn" vì công văn của TP Hà Nội

(Dân trí) - Sự việc 37 hộ dân bị chiếm đoạt trắng trợn hơn 78 tỷ đồng tiền đền bù đất bởi một công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội đã rõ như ban ngày. Thế nhưng sự im lặng đáng sợ của các cơ quan chức năng còn dồn người dân đến bờ tuyệt vọng.


Loạt bài điều tra báo Dân trí đăng tải về việc 78 tỷ đồng, số tiền đáng lẽ của 37 hộ dân bị thu hồi đất phục vụ một dự án của TP Hà Nội  được đem đền bù "nhầm" cho Công ty CP 118 ( nay là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam) do "chỉ đạo" bất thường của UBND TP Hà Nội khiến dư luận hết sức bức xúc. Sự việc rõ như ban ngày thế nhưng trong suốt nhiều năm "đội đơn" đi khiếu nại kêu oan, cả trăm con người chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ. Số phận của gần 40 hộ dân khốn khổ ấy bị  công lý "bỏ rơi" giờ đây đã đến bước khốn cùng, bên bờ vực tuyệt vọng.

37 hộ dân chết mòn vì một công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội.
37 hộ dân "chết mòn" vì một công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội.

Khu đất của 37 hộ dân trước kia giờ đã đươc giải tỏa phục vụ dự án của TP Hà Nội.
Khu đất của 37 hộ dân trước kia giờ đã đươc giải tỏa phục vụ dự án của TP Hà Nội.

Ông Vũ Duy Tậu (74 tuổi), nguyên Phó giám đốc kiêm trưởng ban xây dựng Công ty CP 118 cũng là một trong những nạn nhân của phi vụ "phù phép" số tiền 78 tỷ đền bù này. Ông Tậu cho biết ông đã vay mượn 90 triệu  đồng vào thời điểm năm 1994 - 1995 để mua 46m2 đất. Toàn bộ các giấy tờ nộp tiền, giao nhận đất...đều được ông giữ cẩn thận.

Sau khi mua đất, ông xây ngôi nhà cấp bốn ở cùng con trai. Khoảng năm 2010, thực hiện chủ trương xây dựng dự án của UBND TP Hà Nội, ông đồng thuận bàn giao nhà đất và được nhận bồi thường tài sản trên đất là hơn 21 triệu đồng cùng hứa hẹn sẽ nhận bồi thường về đất và chế độ tái định cư.

Thế nhưng, nhiều năm đã trôi qua, bố con ông Tậu mòn mỏi đợi số tiền mình đền bù đến khi tá hỏa phát hiện ra cả 78 tỷ đồng bồi thường cho 37 hộ dân bị thu hồi đất như ông đã rơi vào "túi" công ty CP 118 sau chuyển tên thành Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam từ bao giờ. Quá bức xúc, ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Tậu cùng các hộ dân khác ròng rã đi khiếu nại kêu oan nhiều năm trời nhưng dù nhiều cơ quan chức năng kết luận các hộ dân bị chiếm đoạt số tiền là đúng nhưng lại không cơ quan nào nhận giải quyết, khắc phục sai phạm.

Phiếu nộp tiền của các hộ dân để mua đất vẫn được giữ cẩn thận.
Phiếu nộp tiền của các hộ dân để mua đất vẫn được giữ cẩn thận.
Phiếu nộp tiền của các hộ dân để mua đất vẫn được giữ cẩn thận.

Cũng trong nhiều năm trời, bố con ông Tậu phải đi thuê một căn nhà cấp bốn lay lắt sống bằng đồng lương hưu ít ỏi trong khi bệnh tiểu đường hành hạ để chờ đợi công lý. "Nhiều lúc tôi tuyệt vọng bởi ở tuổi này rồi tôi chẳng biết sống chết ngày nào. Thế nhưng, nhiều đêm đang ngủ tôi bật dậy vì uất ức bởi cả đời tôi cùng con cháu sống và lao động luôn tin theo Đảng, theo pháp luật. Vì thế, tôi lại hy vọng bởi Nhà nước mình còn có pháp luật", ông Tậu chia sẻ.

Bi thảm hơn gia cảnh của ông Tậu, bà Phạm Thị Tin (59 tuổi), vợ ông Phạm Văn La, lái xe Công ty CP 118, trong cảnh mẹ góa con côi cùng 4 con dạt về thuê một căn nhà tồi tàn lay lắt sống để đi khiếu nại kêu oan. Hai vợ chồng bà đã bán hết nhà cửa vườn tược ở quê, vay mượn khắp nơi được 80 triệu đồng để mua 46m2 đất, dựng căn nhà cấp 4 sinh sống.

Cuộc sống dù vất vả nhưng ông bà những tưởng sẽ yên ổn làm lụng nuôi 4 con ăn học. Thế nhưng, bi kịch đổ ập xuống gia đình khi ông La qua đời vì bạo bệnh. Một mình bà Tin chèo chống nuôi con. Năm 2010, cùng với 36 hộ gia đình, bà Tin đã buộc phải đồng thuận giao nhà đất cho UBND TP Hà Nội làm dự án. Khi đó, các hộ dân yên tâm vì chủ trương của TP Hà Nội là rất rõ ràng, sẽ bồi thường cho các hộ dân và bố trí tái định cư.

Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, nhắc đến muôn vàn khổ cực mà bà phải gánh chịu do những "khuất tất" từ các văn bản kỳ lạ cướp trắng số tiền đền bù của mình, bà Tin lại bật khóc: "Mất nhà bị cướp luôn tiền bồi thường, tôi và 4 đứa con như bị đuổi ra bơ vơ giữa đường. Để nuôi con qua ngày, tôi đi làm ôsin khắp mọi nơi từ móc cống, rửa bát thuê, không từ việc gì cả. Là người dân, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào chính quyền các cấp soi xét thế nhưng nhiều năm rồi không ai đoái hoài đến nỗi oan khuất của chúng tôi. Đau đơn nhất là bát nhang của chồng tôi, một năm chuyển nhà trọ mấy lần, tôi phải ôm theo mà không cầm được nước mắt".

Phiếu nộp tiền của các hộ dân để mua đất vẫn được giữ cẩn thận.
Phiếu nộp tiền của các hộ dân để mua đất vẫn được giữ cẩn thận.
 Văn bản bất thường của Sở TN&MT TP Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký đề xuất: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118".

Thế nhưng dù sao, những người như ông Tậu, bà Tin vẫn còn có cơ hội để được thấy công lý được thực thi. Nhiều người trong số 37 hộ dân khốn khổ ấy như ông Trần Mai Lễ, ông Nguyễn Kim Lộc...đã không bao giờ còn cơ hội đó bởi họ đã qua đời trong khoảng thời gian mòn mỏi chờ đợi các cơ quan chức năng TP Hà Nội xem xét sự việc.

Trong bức "tâm thư" gửi Bí thư Thành ủy; Chủ tịch UBND TP Hà Nội, 37 hộ dân  viết: "Chúng tôi, 37 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên Công ty Công trình giao thông 118 xin gửi lời kêu cứu khẩn thiết tới ông Bí thư; ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Thưa ông, công văn kỳ lạ của UBND TP Hà Nội đã lấy trắng tài sản của chúng tôi để bây giờ 37 hộ gia đình chúng tôi phải rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn, khốn khổ đến tận cùng ngay giữa thủ đô. Cũng thưa thêm với ông về việc chúng tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo Công ty cổ phần 118 nay đã được chuyển về tên thành Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam thì được lãnh đạo công ty này thản nhiên cho biết tiền tự nhiên vào túi họ thì họ tiêu thoải mái và thách đố chúng tôi đi kiện.

Thật đau đớn cho chúng tôi nhưng chúng tôi luôn có một niềm tin chắc chắn rằng Nhà nước ta còn có luật pháp và luật pháp sẽ công minh đòi lại sự công bằng cho chúng tôi".

Và bất cứ ai có lương tri cũng hy vọng rằng sự khẩn cứu, niềm tin của những người dân lương thiện ấy sẽ đến ngày được soi xét.

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có công văn số 169/VPBCĐ-VIV ngày 22/4/2011 gửi trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội về Phòng chống tham nhũng nêu rõ:

"Việc chỉ đạo giải quyết theo đề xuất của Sở TN&MT không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 là không phù hợp vì nguồn gốc số tiền bồi thường hỗ trợ tiền sử dụng đất là tiền của các hộ gia đình đóng. Công ty CP 118 là một pháp nhân mới, hoàn toàn không phải là đối tượng thụ hưởng, không có trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình.

Thêm nữa, sau khi chuyển số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vào tài khoản, Công ty CP 118 có văn bản số 352/VP xác định rõ: Số tiềnbồi thường, hỗ trợ trên có nguồn gốc từ tiền nộp thuế sử dụng đất của cán bộ, công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp, khi cổ phần hóa không đưa giá trị lô đất vào doanh nghiệp".


Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc.

Anh Thế