Bài 41: Cần sớm đưa bị cáo Trịnh Ngọc Chung ra xét xử nghiêm minh

(Dân trí) - Vụ án 194 phố Huế đang được dư luận cả nước và giới luật sư đặc biệt quan tâm. Tiếp theo ý kiến của các luật sư, báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ luật, nhà báo, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao - TS. Dương Thanh Biểu.

PV: Thưa Tiến sỹ, VKSNDTC đã đưa ra kết luận rõ ràng về hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung tại bản cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A, ngày 08/7/2013, ông có nhận xét gì về sự chậm trễ của TAND TP Hà Nội trong việc đưa vụ án này ra xét xử theo quy định của pháp luật?
 
Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao
Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao

TS Dương Thanh Biểu: Thông qua các thông tin đại chúng cho thấy, bản cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A, ngày 08/7/2013 của Viện KSND tối cao quyết định truy tố Trịnh Ngọc Chung đã nêu được các hành vi phạm tội hết sức rõ ràng, cụ thể của bị can. Quyết định này cũng có tác dụng xoa dịu dư luận, khiến cho lòng dân thêm tin tưởng vào tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Hành vi phạm tội trên đây của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào Khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm…”, tức là thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Như Dân trí đã phân tích tại một số bài báo, thời hạn đưa vụ án ra xét xử được quy định tại Điều 176 BLTTHS. Dẫn chiếu theo quy định trên đây thì thời hạn đưa vụ án này ra xét xử tối đa không quá 02 tháng. Tuy nhiên, nếu vụ án phức tạp phức tạp thì Tòa án có quyền gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không vượt quá 30 ngày (khoản 2 Điều 176 Bộ luật TTHS). Như vậy, đối với vụ án thuộc loại rất nghiêm trọng thì thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án có tối đa là 3 tháng, kể từ ngày nhận hồ sơ (bao gồm cả thời gian gia hạn).

Theo quy định tại khoản 3 Điều 166 BLTTHS:"trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án” thì tính từ ngày Viện KSND tối cao ra bản cáo trạng truy tố Trịnh Ngọc Chung là vào Thứ 2, ngày 08/7/2013, vậy chậm nhất đến ngày 12/7/2013 hồ sơ vụ án và bản cáo trạng sẽ được chuyển đến Tòa nhân dân thành phố Hà Nội. Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử phải tính từ ngày 12/7/2013, là ngày Tòa án nhận hồ sơ. Nếu tính cả thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử trong vụ án này cũng không quá 3 tháng, tính từ ngày Tòa án nhận hồ sơ. Như vậy, đến ngày 12/10/2013 là ngày hết thời hạn chuẩn xét xử theo luật định.

Tuy nhiên, phân tích trên đây là theo nguyên tắc luật định. Còn trong thực tiễn của trường hợp này chưa có thông tin cụ thể ngày Tòa án nhận hồ sơ và Tòa án có gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử hay không nên chưa có thể bình luận gì hơn.

Cá nhân tôi cho rằng, đây là một vụ án rất “nhạy cảm”, theo cách nói nôm na là vụ án “xử quan”, vì người phạm tội là một lãnh đạo có chức vụ trong Cơ quan THA, tài sản bị xâm phạm lại quá lớn…nên nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Hơn nữa, hành vi phạm tội của bị cáo cũng đã được Viện KSND tối cao kết luận rõ ràng thì cần thiết phải sớm được đưa ra xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, tránh những dư luận không tốt về các Cơ quan tiến hành tố tụng ở Thủ đô cũng như cho nền tư pháp nước nhà.

PV: Trong trường hợp TAND TP Hà Nội vi phạm thời hạn đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại điều 176 BLTTHS, Cơ quan Viện KSND có trách nhiệm như thế nào thưa Ông?

TS. Dương Thanh Biểu: Theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, tại phần 2.1 về hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm có quy định:

“Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử của Toà án

Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án về thẩm quyền xét xử; về việc chuyển vụ án; về thời hạn chuẩn bị xét xử; về việc ra các quyết định: Quyết định áp dụng thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và việc giao các quyết định này theo Điều 182 BLTTHS.

Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì báo cáo lãnh đạo Viện kiến nghị, yêu cầu Toà án khắc phục hoặc kháng nghị theo các quy định của BLTTHS.”

Như vậy, trong trường hợp này, nếu xác định được việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không chấp hành đúng thời hạn chuẩn bị xét xử thì Kiểm sát viên cần báo cáo lãnh đạo Viện để yêu cầu Tòa án khắc phục hoặc ra văn bản kiến nghị với Tòa án thành phố Hà Nội để khắc phục.
 
Cáo trạng của Viện KSND tối cao đã chỉ rõ hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung
Cáo trạng của Viện KSND tối cao đã chỉ rõ hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung
Cáo trạng của Viện KSND tối cao đã chỉ rõ hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung

PV: Thưa Tiến sỹ, có ý kiến cho rằng, bản cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A, ngày 08/7/2013 của Viện KSND tối cao truy tố Trịnh Ngọc Chung không đề cập đến việc hủy quyết định bán đấu giá tài sản nên rất khó để khôi phục quyền sở hữu cho gia đình 194 phố Huế đối với ngôi nhà, xin TS. cho biết ý kiến về vấn đề này?

TS. Dương Thanh Biểu: Căn cứ Điều 167 BLTTHS thì bản cáo trạng 18/VKSNDTC-V1A trên đây truy tố Trịnh Ngọc Chung đã hội đủ được các yêu cầu theo quy định của pháp luật cụ thể là nêu rất rõ các hành vi, thủ đoạn, động cơ phạm tội của Trịnh Ngọc Chung đã rất đến hậu quả chuyển dịch trái phép tài sản của công dân (ngôi nhà 194 phố Huế chính là đối tượng bị cưỡng chế).

Tòa án sẽ căn cứ vào những hành vi phạm tội của bị can do VKS truy tố để xét xử bị cáo trước pháp luật theo “tội danh mà Viện kiểm sát truy tố” (Điều 196 BLTTHS). Và đương nhiên, để xét xử công bằng, khách quan và triệt để thì mọi hành vi phạm tội của bị cáo sẽ được xem xét tới một cách toàn diện, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Nếu có căn cứ để khẳng định hành vi của bị cáo là phạm tội thì bị cáo sẽ buộc phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng đối với hành vi đó và khôi phục nguyên trạng các đối tượng do hành vi đó xâm phạm.

Trong vụ án này, nếu Tòa án kết luận hành vi của Trịnh Ngọc Chung là phạm tội trong quá trình kê biên, bán đấu giá và cưỡng chế giao ngôi nhà 194 phố Huế thì bị cáo sẽ phải chịu phán quyết của Hội đồng xét xử theo quy định tại Điều 296 BLHS. Đối với các văn bản, quyết định mà Trịnh Ngọc Chung ban hành trong quá trình phạm tội sẽ do Hội đồng xét xử xem xét quyết định nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp của đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

PV. Vừa qua, nhiều tờ báo đưa tin về vụ án này (Báo Nhân dân, VTV, Công an Nhân dân, Pháp luật Việt Nam...) nhưng đến nay chưa thấy ý kiến phản hồi của các cơ quan có trách nhiệm. Tiến sỹ có bình luận gì không?

TS. Dương Thanh Biểu: Để triển khai thực hiện Luật Báo chí, ngày 26/4/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định Nghị định số 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành, trong đó đề cập rất cụ thể về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với các thông tin trên các báo. Tại Điều 3 Nghị định trên đây có quy định:
 
TAND TP Hà Nội đang áp dụng những ngoại lệ cho siêu bị cáo Trịnh Ngọc Chung
TAND TP Hà Nội đang áp dụng những "ngoại lệ" cho "siêu bị cáo" Trịnh Ngọc Chung

“Khi cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết.

Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.”

Quy định như vậy là rất rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước và cơ quan báo chí. Trong vụ án 194 Phố Huế này, dư luận rất hoan nghênh báo Dân trí và một số tờ báo khác đã có hàng chục bài viết có chất lượng, thể hiện quyết tâm “đeo bám” đến cùng để góp phần tích cực cùng các cơ quan có trách nhiệm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và công khai cho dư luận biết. Bên cạnh đó, dư luận cũng không đồng tình về sự “im lặng” của các cơ quan nhà nước trước đòi trả lời của báo chí. Trong trường hợp này, nếu các cơ quan pháp luật thuộc thành phố Hà Nội chưa trả lời thì các cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị của mình lên cơ quan pháp luật cấp Trung ương để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, xây dựng một xã hội công khai, minh bạch, nói thì dễ nhưng thực tiễn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những gì đã được pháp luật quy định thì chúng ta nên chấp hành nghiêm chỉnh. Đó là lương tâm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và công dân, sống trong một nhà nước pháp quyền XHCN, mà tất thảy mỗi chúng ta đang phấn đấu thực hiện.

PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ về cuộc trò chuyện này!

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương (thực hiện)