Chuyên đề “Thu giữ tài sản của người dân, đúng và sai luật”:

Bài 4: Thu giữ tài sản của dân để hư hỏng, thất thoát phải bồi thường như thế nào?

(Dân trí) - Việc bán hàng hóa trên vỉa hè là vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc lực lượng trật tự phường thu giữ hàng hoá ở vỉa hè mà không lập biên bản thu giữ là cũng trái với các quy định của pháp luật. Vậy trách nhiệm của lực lượng cán bộ đã thu giữ tài sản trong trường hợp này được xác định ra sao? Nếu như thu giữ mà không trả lại hoặc trả lại mà tài sản bị hư hại thì giải quyết như thế nào?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định:

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:

“4. …Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều này để xem xét ra quyết định tạm giữ; đối với trường hợp tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì người tạm giữ phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ.

5. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.”


Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Thư giữ tài sản của dân bắt buộc phải lập biên bản.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Thư giữ tài sản của dân bắt buộc phải lập biên bản.

Như vậy, theo quy định này thì kể từ thời điểm lập biên bản, bên có thẩm quyền tạm giữ tài sản đã phải có những biện pháp để ngăn ngừa việc hư hỏng, thất thoát tài sản. Do đó, nếu để thất thoát, hư hỏng tài sản của người bị thu giữ tài sản trước khi tiến hành xử lý tài sản đó (trả lại tài sản hoặc sung vào ngân sách nhà nước) thì sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết các trường hợp thu giữ tài sản của lực lượng công an xã, phường đều chưa chú trọng đến việc lập biên bản, dù theo Điều 11 Pháp lệnh công an xã năm 2008 thì Trưởng Công an xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND cùng cấp và Công an cấp trên về hoạt động của Công an xã, phường.

Việc lực lượng công an xã, phường thu giữ tài sản mà không có biên bản trước hết thuộc trách nhiệm của Trưởng công an xã, phường. Do đó, thiệt hại do mất mát, hư hỏng tài sản được xác định là thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ.

Tại Điều 619 BLDS 2005 quy định về việc bồi thường do cán bộ, công chức gây ra như sau:

“Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.”


Tài sản của nhân dân phải được tôn trọng bảo vệ.

Tài sản của nhân dân phải được tôn trọng bảo vệ.

Cơ quan quản lý cán bộ, công chức trong trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện của lực lượng công an phường là UBND phường. Do đó, UBND phường sẽ có trách nhiệm phải bồi thường cho chủ sở hữu nếu để mất mất, hư hỏng tài sản tạm giữ. Căn cứ để bồi thường thiệt hại sẽ được xác định dựa trên quy định tại Điều 604, Điều 608 BLDS và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Sau khi UBND phường đã bồi thường cho chủ sở hữu thì nếu có lỗi của người gây thiệt hại, UBND phường có thể yêu cầu người đó phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Thông thường, trong mỗi lần tiến hành kiểm tra việc kinh doanh trên vỉa hè, lực lượng công an phường thu giữ một lượng lớn bàn, ghế và các vật dụng khác. Tuy nhiên, do không có biên bản thu giữ nên rất khó để xác định từng đồ vật đã bị thu giữ là của chủ sở hữu nào để làm căn cứ trả lại. Đây cũng là lý do mà rất ít người bị tạm giữ tài sản đến cơ quan chức năng để nhận xử phạt hành chính và lấy những đồ của mình đã bị thu về. Trong trường hợp nếu chủ sở hữu phát hiện đồ đạc của mình bị hư hỏng, thất thoát thì việc thu giữ mà không có biên bản cũng gây khó khăn cho chủ sở hữu khi muốn chứng minh thiệt hại để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải bồi thường. Vì vậy, lực lượng công an phường cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thu giữ tài sản để những người “mưu sinh” trên vỉa hè vẫn có cơ hội được đảm bảo quyền lợi đó là nộp phạt và nhận lại nguyên vẹn tài sản của mình.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm