Vụ thi hành án gây bức xúc dư luận ở Hà Nội

Sau hơn 10 bài báo “phanh phui” hàng loạt các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong vụ án 194 phố Huế mà Dân trí đưa tin, đã có rất nhiều cơ quan báo chí khác tiếp tục "lật tẩy" góc khuất vụ việc này. Dưới đây là bài viết vừa đăng trên Báo Nhân dân.

Mấy tháng gần đây, dư luận ở Hà Nội đang xôn xao về một vụ thi hành án dân sự ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội bởi sự ngang nhiên coi thường pháp luật của Chi cục Thi hành án dân sự quận này. Ðó là vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Công thương Việt Nam (nay là Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank) và bị đơn là Công ty TNHH Bắc Sơn có trụ sở tại 194 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khởi nguồn của việc tranh chấp là do trong năm 2002, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy cho Công ty TNHH Bắc Sơn vay tiền theo ba hợp đồng tín dụng để Công ty TNHH Bắc Sơn xây dựng nhà máy sản xuất xe gắn máy hai bánh của Trung Quốc, tổng cộng số tiền là 20 tỷ đồng.
Vụ thi hành án gây bức xúc dư luận ở Hà Nội  - 1
Bài trên Báo Nhân dân, số 20429, ngày 12/8/2011 (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Ðể bảo đảm cho các khoản vay nêu trên, Công ty TNHH Bắc Sơn đã đưa tài sản thế chấp gồm: thế chấp cho khoản vay của hợp đồng số 01/NHCG - Công ty TNHH Bắc Sơn ngày 8-8-2002 là toàn bộ ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại 194 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được ông Hoàng Ðình Mậu và bà Nguyễn Thị Thu Hồng ký bảo lãnh ngày 5-8-2002 tại Phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội; thế chấp cho khoản vay của hợp đồng số 02/NHCG - Công  ty  TNHH  Bắc  Sơn  ngày  10-10-2002 là toàn bộ quyền sở hữu nhà xưởng, máy móc thiết bị và 7.774 m2 đất tại xã Nam Hồng, huyện Ðông Anh, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Bắc Sơn; thế chấp cho khoản vay của hợp đồng số 01/HÐTD ngày 18-12-2002 là xưởng sản xuất xe gắn máy số 2 Cầu Tiên, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngày 30-12-2005, Công ty TNHH Bắc Sơn trả cho Ngân hàng năm tỷ đồng thu được từ việc bán đấu giá tài sản thế chấp tại số 2 Cầu Tiên, Thanh Trì, Hà Nội. Số tiền này được trừ vào nợ gốc của hợp đồng tín dụng số 01/HÐTD ngày 18-12-2002. Còn số tiền nợ gốc của hai hợp đồng số 01/NHCG - Công ty TNHH Bắc Sơn ngày 8-8-2002 và hợp đồng số 02/NHCG - Công ty TNHH Bắc Sơn ngày 10-10-2002 là 15 tỷ đồng, cũng như khoản tiền lãi phát sinh của cả ba hợp đồng, Công ty TNHH Bắc Sơn vẫn chưa thanh toán trả Ngân hàng.

Ngày 22-8-2007, Ngân hàng Công thương Việt Nam có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty TNHH Bắc Sơn phải trả cho Ngân hàng các khoản: Nợ gốc của hai hợp đồng số 01/NHCG - Công ty TNHH Bắc Sơn ngày 8-8-2002 và hợp đồng số 02/NHCG - Công ty TNHH Bắc Sơn ngày 10-10-2002 là 15 tỷ đồng; nợ lãi của ba hợp đồng nêu trên tính đến ngày 30-11-2007 là 10.547.337.500 đồng.

Ngày 11-12-2007, các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án kinh doanh thương mại nói trên và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, ngày 20-12-2007 đã quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: Công ty TNHH Bắc Sơn xác nhận còn nợ Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy số tiền đã vay theo ba hợp đồng tín dụng: tổng cộng cả gốc và lãi là 25.547.337.500 đồng (hai mươi lăm tỷ, năm trăm bốn bảy triệu, ba trăm ba bảy nghìn, năm trăm đồng). Công ty TNHH Bắc Sơn cam kết trả Ngân hàng Công thương Việt Nam số tiền nợ gốc 15 tỷ đồng nêu trên trong vòng ba tháng kể từ ngày 19-12-2007. Nếu Công ty TNHH Bắc Sơn thực hiện đúng lịch trình trả nợ gốc như cam kết thì Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy sẽ làm thủ tục, hồ sơ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty TNHH Bắc Sơn.

Trong trường hợp Công ty TNHH Bắc Sơn không trả được khoản nợ gốc và khoản nợ lãi (sau khi đã được Ngân hàng Công thương Việt Nam xem xét miễn giảm lãi) như đã cam kết ở trên thì Ngân hàng Công thương Việt Nam có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Công thương Việt Nam được tiếp tục giữ và quản lý hồ sơ thế chấp của các tài sản thế chấp đã nêu ở trên, nhưng phải tạo điều kiện để Công ty TNHH Bắc Sơn thực hiện việc bán các tài sản thế chấp trả nợ cho Ngân hàng. Nếu Công ty TNHH Bắc Sơn có yêu cầu photo các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ thế chấp thì Ngân hàng sẽ có trách nhiệm đáp ứng.

Tuy nhiên, thỏa thuận nói trên đã không được tôn trọng. Theo đơn tố giác tội phạm đề ngày 10-7-2011 của ông Hoàng Ngọc Minh, đại diện Công ty TNHH Bắc Sơn, thì sau khi thỏa thuận có hiệu lực pháp luật, phía Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy không thực hiện như cam kết là tạo điều kiện để Công ty TNHH Bắc Sơn bán tài sản là Nhà máy lắp ráp xe máy tại Nam Hồng, Ðông Anh, Hà Nội. Nhiều lần khách hàng đến mua, nhưng Ngân hàng đều làm khó và đặc biệt là không cho khách hàng xem giấy tờ đang cầm cố, thậm chí còn có công văn đề nghị Công ty Cổ phần Bán đấu giá Hà Nội không bán tài sản thế chấp do Ngân hàng đang quản lý. Do vậy, Công ty TNHH Bắc Sơn đã làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét lại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 20-12-2007.

Theo đó, ngày 4-9-2009, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 29/QÐ-KNGÐT-V12 kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QÐST-KDTM ngày 20-12-2007 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và đề nghị Hội đồng xét xử Tòa kinh tế Tòa án Nhân dân tối cao xét xử theo hướng hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận nói trên; giao hồ sơ cho Tòa án Nhân dân TP Hà Nội giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành quyết định sự thỏa thuận của các đương sự, để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm.

Ngày 21-12-2010, Tòa kinh tế Tòa án Nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (nay là chi nhánh Nam Thăng Long) và bị đơn là Công ty TNHH Bắc Sơn do ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Công ty làm đại diện. Kết quả, Hội đồng Giám đốc thẩm đã quyết định: Hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QÐST-KDTM ngày 20-12-2007 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân TP Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tiến trình giải quyết vụ việc đến đây đã và đang theo đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng, ngay sau đó sự bất thường đã xảy ra. Cụ thể là, ngày 9-5-2011, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã ra Thông báo số 04/TB-THA, về việc Chuyển dọn tài sản để trả nhà đất cho người mua được Tài sản bán đấu giá, trong đó nêu rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 10-5-2011 đến hết ngày 24-5-2011, Công ty TNHH Bắc Sơn do ông Hoàng Ngọc Minh làm đại diện phải chuyển toàn bộ tài sản của công ty, của cá nhân và của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang để tại 194 phố Huế để trả lại nhà đất cho người mua được tài sản đấu giá. Như vậy, trước đó, ngày 24-8-2009, Công ty Cổ phần Bán đấu giá Hà Nội đã tiến hành bán đấu giá căn nhà 194 phố Huế với giá hơn 31,5 tỷ đồng, trong khi giá thị trường tại thời điểm bán đấu giá như ông Hoàng Ngọc Minh cho biết là 70 tỷ đồng.

Ðáng nói hơn là ngày 23-6-2011, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã ra thông báo về việc thụ lý vụ án để giải quyết lại vụ án theo Thủ tục sơ thẩm theo quyết định Giám đốc thẩm ngày 21-12-2010 của Tòa án Nhân dân tối cao, nhưng chỉ năm ngày sau (ngày 28-6-2011), Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lại ra quyết định cưỡng chế giao nhà, buộc ông Hoàng Ngọc Minh và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải giao một phần nhà cho ông Ðặng Văn Thoán là người được thi hành án. Quyết định do Chấp hành viên Trịnh Ngọc Chung ký, có hiệu lực kể từ ngày ký. Ngày hôm sau, chấp hành viên này lại ký ban hành thông báo Cưỡng chế Thi hành án. Và ngày 7-7-2011, Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà 194 phố Huế và giao cho người mua.

Ngày 11-7-2011, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã có Công văn gửi ông Hoàng Ngọc Minh đề nghị ông làm đơn đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cho phép được chuyển dịch ngôi nhà 194 phố Huế (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho...) để chờ Tòa án Nhân dân TP Hà Nội giải quyết.

Việc  thi hành bản án không có hiệu lực pháp luật và bán đấu giá nhà 194 phố Huế là tài sản đang bị kê biên của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng và Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội là một việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Mặt khác, cần làm rõ việc định giá và bán đấu giá nhà 194 phố Huế. Bởi dư luận đang cho rằng, việc bán với giá thấp  so với thực tế vừa gây thiệt hại cho Công ty TNHH Bắc Sơn, vừa có biểu hiện vụ lợi của một số người quyết tâm thi hành vụ việc này.

Theo Vũ Nam Hải
(Báo Nhân dân)