Bao giờ nguyên Chi cục trưởng THA quận Hai Bà Trưng mới hầu tòa?

(Dân trí) - Báo CAND từng có nhiều bài viết về "kỳ án" 194 Phố Huế. Đây là vụ án khá hy hữu trong thi hành án dân sự bởi tính chất phức tạp, nghiêm trọng khi người đứng đầu cơ quan thi hành án đã có hành vi "ra quyết định trái pháp luật".

Cũng bởi việc làm sai trái này mà các thành viên trong đại gia đình trú tại 194 Phố Huế bị đẩy ra đường trong cuộc cưỡng chế THA vào ngày 7/7/2011.

Hơn 2 năm khởi tố điều tra, truy tố nhưng vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử, những con người bị "đuổi ra khỏi nhà" đang phải ngóng chờ trong thắc thỏm, lo âu...

194 Phố Huế là địa chỉ ngôi nhà được xếp vào loại đắc địa khi có mặt tiền trên 5m, diện tích trên 100m2, nằm ở con phố thương mại sầm uất bậc nhất Hà Nội. Đây là cửa hàng kinh doanh xe máy lớn được chủ nhân sử dụng trong nhiều năm liền. Sự kiện xảy ra ngày 7/7/2011, khi các cơ quan chức năng mà nòng cốt là Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Hai Bà Trưng tiến hành cưỡng chế THA đã gây sự chú ý đặc biệt của người dân.

Không chỉ hàng chục chiếc xe máy đang trưng bày trong cửa hàng bị niêm phong, kho hàng bị đóng cửa mà những người đang sinh sống tại đây cũng bị yêu cầu ra khỏi nhà. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chủ sở hữu của ngôi nhà này chống đối quyết định THA đúng luật của cơ quan chức năng. Đằng này, việc cưỡng chế THA hoàn toàn sai luật, bất chấp khiếu nại của những người có liên quan, sự vắng mặt của Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng. Việc cố tình cưỡng chế THA để giao ngôi nhà cho người trúng đấu giá (31,5 tỷ) của cơ quan THA mà đứng đầu là ông Trịnh Ngọc Chung, Chi cục trưởng THADS quận Hai Bà Trưng đầy dấu hiệu bất thường. Việc làm bất thường này sau đó đã được cơ quan điều tra, VKSND Tối cao làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố.

Khởi nguồn của vụ việc liên quan đến khoản nợ của Công ty TNHH Bắc Sơn có trụ sở tại 194 Phố Huế đối với Ngân hàng cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank). Đó là năm 2002, công ty này ký hợp đồng tín dụng vay của VietinBank 20 tỷ đồng và tài sản thế chấp là nhà và đất ở 194 Phố Huế. Do không trả lãi đúng hẹn nên VietinBank khởi kiện Công ty Bắc Sơn ra TANDTP Hà Nội để đòi nợ. Tại tòa, hai bên có Thỏa thuận số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007. Tiếp đến ngày 4/9/2009, Viện KSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận này của các đương sự. Ngày 21/12/2010, Tòa kinh tế TANDTC xét xử Giám đốc thẩm, quyết định hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên, giao cho TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Trong khi các bên đang chờ Tòa án xét xử lại thì Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng lại rất tích cực thi hành bản án đã bị hủy(?!). Đó là việc cơ quan này ra thông báo yêu cầu Công ty Bắc Sơn rời khỏi 194 Phố Huế. Ngày 28/6/2011 THADS quận Hai Bà Trưng lại ra quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế vào ngày 7/7/2011. Việc cơ quan này bất chấp lệnh hủy án của Tòa án, kháng nghị của VKSND Tối cao khiến dư luận ngỡ ngàng, còn các đương sự thì rơi vào cảnh bị đuổi ra đường.

Cơ quan điều tra của VKSND tối cao ngày 28/10/2011 ra quyết định khởi tố vụ án về tội "Ra quyết định trái pháp luật" xảy ra tại Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng. Ngày 26/10/2012, tròn một năm sau ngày ra quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có kết luận, trong đó nêu rõ bị can Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng THADS quận Hai Bà Trưng có hành vi "Ra quyết định trái pháp luật". 280 ngày sau, VKSND Tối cao truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung cũng về hành vi "Ra quyết định trái pháp luật" (ngày 8/7/2013). Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung không quá 45 ngày. Không hiểu tại sao, thời hạn truy tố bị can này lại bị "vượt" rào hơn 100 ngày?

Mặc dù việc truy tố nguyên Chi cục trưởng THADS quận Hai Bà Trưng vi phạm quy định tố tụng nhưng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này cũng thấy mừng. Đặc biệt là những người sống và trông chờ vào nguồn sống từ việc kinh doanh tại 194 Phố Huế. Họ tin tưởng, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử để đòi sự công bằng và lấy cơ sở để tiếp tục giải quyết khoản nợ với VietinBank. Thế nhưng, ngày 12/11/2013 hết thời hạn đưa ra xét xử nhưng vụ án vẫn "nằm im".

Việc chậm trễ này khiến dư luận thắc thỏm trước câu hỏi, không biết đến bao giờ, nguyên Chi cục trưởng THADS quận Hai Bà Trưng mới hầu tòa? Tại sao việc truy tố, xét xử bị can Trịnh Ngọc Chung lại "khó khăn" đến như vậy? Dư luận đang trông chờ phiên xét xử liên quan đến vụ "kỳ án" gây sự chú ý đặc biệt trong hơn 2 năm qua.
 

* Bị can Trịnh Ngọc Chung không bị tạm giam mà đang được áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

* Trịnh Ngọc Chung gây thiệt hại cho chủ nhà 194 Phố Huế 6,69 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, bị can Trịnh Ngọc Chung đã có các hành vi sai phạm như: Kê biên, đấu giá nhà 194 Phố Huế; chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái ý chí, nguyện vọng của người thi hành án... Hành vi của Trịnh Ngọc Chung gây thiệt hại cho người phải thi hành án 6,69 tỷ đồng.

* VKSND quận Hai Bà Trưng từng yêu cầu làm rõ một số nội dung và từ chối tham gia vụ cưỡng chế 194 Phố Huế.

Trong quá trình Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng thi hành án tại 194 Phố Huế, VKSND cùng cấp đã yêu cầu cơ quan này làm rõ một số nội dung trước khi cưỡng chế THA (Văn bản 270/KSTHA/CV ngày 23/8/2011). Thế nhưng, cơ quan này phớt lờ ý kiến của cơ quan kiểm sát.

Do Chi cục THA Hai Bà Trưng không làm theo yêu cầu, nên Viện KSND quận ra thông báo không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 Phố Huế và không đến địa điểm cưỡng chế thi hành án. Thế nhưng,  tại các biên bản: Biên bản phá khóa; biên bản cưỡng chế giao nhà; biên bản liệt kê tài sản do Chi cục THA Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện Viện KSND quận Hai Bà Trưng.

PV

 
Theo Cao Hồng
Báo Công an nhân dân