Những bất cập trong giao rừng tại Hà Tĩnh:

Bài 3: Đổ máu, tù tội vì đất rừng

(Dân trí) - 6 người đã vướng vào vòng lao lý, nhiều gia đình tan nát vì tranh chấp đất rừng. Để xảy ra những hậu quả nặng nề, đau thương này trách nhiệm một phần lớn thuộc về các ngành chức năng Hà Tĩnh vì đã tắc trách, thiếu trách nhiệm, chậm trễ…

Hẳn người dân Hà Tĩnh vẫn còn chưa hết bàng hoàng, đau xót khi nhắc lại cuộc hỗn chiến giữa 2 gia đình ở xóm 4, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê.

Đó là giữa hộ ông Phan Văn Hiến và hộ ông Đặng Văn Thìn. Họ vốn là những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau. Nhưng rồi một ngày hai gia đình vì mảnh đất rừng đã phải nói chuyện với nhau bằng giáo mác. Hậu quả là có đến 6 người của 2 gia đình vướng phải vòng lao lý, cuộc sống của 2 gia đình tan nát, xào trộn hoàn toàn.

15 năm không giải quyết được một vụ việc

Thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, năm 1998, UBND huyện Hương Khê ban hành Quyết định số 91/QĐ/1998 giao 19ha đất rừng tại xã Hòa Hải cho ông Phan Văn Hiến.

Khu vực đất rừng xảy ra tranh chấp giữa hộ ông Hiến và hộ ông Thìn
Khu vực đất rừng xảy ra tranh chấp giữa hộ ông Hiến và hộ ông Thìn

Nhưng đến năm 2000, một số hộ dân sống cùng thôn, có đất liền kề với đất được giao của gia đình ông Hiến đã mở rộng trồng cây, làm đường chiếm giữ gần 7ha đất mà ông Hiến cho rằng đó là đất đã được cấp sổ đỏ. UBND xã Hòa Hải tổ chức hòa giải không thành nên ông Hiến phải viết đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND huyện.

Đến ngày 13/11/2006, UBND huyện Hương Khê đã ra quyết định số 1776/QD – UBND với nội dung thu hồi và bãi bỏ quyết định số 91 đã ban hành trước đó vì lý do gia đình ông Hiến không trồng rừng đúng như quy định, đồng nghĩa với việc để các hộ dân tự “phân định: tài sản của mình.

Không đồng tình với Quyết định 1776, ông Hiến tiếp tục làm đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 19/11/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh kí Quyết định số 3012 thu hồi, hủy bỏ Quyết định 1776 của UBND huyện Hương Khê, yêu cầu “Xử lí nghiêm các hộ lấn chiếm đất rừng và phá rừng”, thế nhưng các cấp chính quyền từ xã tới huyện không xử lí dứt điểm.

Đến tháng 7/2013, có 7 hộ liền kề lấn chiếm đất được giao của gia đình ông Hiến trong đó hộ ông Đặng Hữu Thìn và ông Đặng Xuân được cấp 0,2ha tại thửa 371, nhưng ông Thìn đã trồng rộng ra thêm 2,8ha nằm trong phạm vi ranh giới đất lâm nghiệp đã được giao cho gia đình ông Hiến.

Ông Thìn thì cho rằng, mảnh đất ông được cấp năm 1980, từ đó đến nay gia đình ông tiến hành cải tạo đất mà không xảy ra tranh chấp gì. Thế nhưng, tháng 6/2006 gia đình ông nhận được quyết định phải giao toàn bộ đất vườn nhà mình cho ông Phan Văn Hiến. Thấy không hợp lý nên gia đình ông Thìn quyết không chấp nhận và mâu thuẫn, tranh chấp cứ ngày càng phức tạp lên.

Và đến nay, đã 15 năm trôi qua nhưng vụ việc tranh chấp đất trên vẫn chưa được giải quyết và hầu như chính quyền từ xã cho đến huyện Hương Khê đã bất lực.

Đổ máu, tù tội

Ngày 7/2/2010, bà Đặng Thị Hoài (vợ ông Hiến) và anh Phan Văn Lĩnh (con trai ông Hiến) đi làm rừng gặp Thái Văn Sỹ và Thái Văn Loan là người cùng xã đang chặt keo, chiếm rừng thuộc khu vực đất được giao theo Quyết định số 91. Bà Hoài, anh Lĩnh ra can ngăn thì bị Sỹ dùng dao chém gây thương tích cho bà 30,37%, anh Lĩnh bị Loan chém vào tay gây thương tích 17,2%. Công an huyện Hương Khê ra quyết định khởi tố và TAND huyện Hương Khê xử phạt Sỹ 24 tháng tù giam .

Bà Hoài (ngoài cùng bên phải) rầu rỉ kể lại bi kịch của gia đình sau những trận hỗn chiến vì đất rừng
Bà Hoài (ngoài cùng bên phải) rầu rỉ kể lại bi kịch của gia đình sau những trận hỗn chiến vì đất rừng

Sau sự việc này, tưởng chừng chính quyền các cấp sẽ giải quyết dứt điểm, thế nhưng họ bị bỏ mặc để các bên “tự xử” với nhau.

Và đỉnh điểm là cuộc hỗn chiến đẫm máu xảy ra vào tháng 7/2013 giữa hai gia đình ông Hiến và ông Thìn khiến 7 người bị thương.

Công an huyện Hương Khê đã khởi tố vụ việc và TAND huyện Hương Khê đã mở phiên tòa xét xử tuyên phạt: Đặng Hữu Tâm 6 năm tù giam, Đặng Hữu Quyết 5 năm tù giam, Đặng Hữu Thìn 4 năm tù giam (đều là thành viên của gia đình ông Thìn), Phan Văn Lĩnh 5 năm 6 tháng tù giam, Phan Văn Cát 12 tháng tù giam và Đặng Văn Nam 9 tháng tù giam (người của gia đình ông Hiến). Sau khi kháng cáo, ông Đặng Hữu Thìn được hưởng án treo.

Giao đất, giao rừng là một chính sách đúng đắn của Nhà nước một phần nhằm nâng cao đời sống của nhân dân thế nhưng sự tắc trách, chậm trễ của chính quyền đã khiến chủ trương này ở xã Hòa Hải trở thành một bi kịch.

Từ ngày xảy ra sự việc, cuộc sống gia đình ông Thìn vốn khó khăn nay càng thêm bi kịch. Vợ ông Thìn bị bệnh tâm thần, vợ anh Tâm (con trai thứ hai của ông Thìn) thì vừa mới sinh. Sau khi thi hành án vợ anh Quyết (con trai đầu của ông Thìn) cũng bỏ nhà đi để lại 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Nỗi bàng hoàng, ám ảnh vẫn hiện rõ trên gương mặt của ông Thìn
Nỗi bàng hoàng, ám ảnh vẫn hiện rõ trên gương mặt của ông Thìn

“Tôi thật sự sợ. Chỉ vì một mảnh đất rừng mà tình làng nghĩa xóm đã không còn. Đáng lẽ bây giờ được hưởng tuổi già chúng tôi lại phải còng lưng làm việc nuôi con nuôi cháu, con cái vào tù, cháu chắt thơ dại, thật không có nỗi khổ nào hơn” với ông Đặng Hữu Thìn thì những cảnh tượng đẫm máu đó sẽ ám ảnh ông đến suốt cuộc đời.

Còn gia đình bà Đặng Thị Hoài (vợ ông Hiến) cũng rơi vào cảnh phân tán, ly tan. "Mười mấy năm rồi mà vẫn chưa thể giải quyết. Giờ gần như mấy hết, con cái chịu cảnh tù đầy.Cuộc sống gia đình tôi cũng bị đảo lộn hoàn toàn" bà Hoài rầu rỉ.

Ở đây, chúng tôi chưa bàn đến chuyện đúng sai của người dân. Để xảy ra những hậu quả nặng nề, đau thương này trách nhiệm một phần lớn thuộc về các ngành chức năng Hà Tĩnh. Đó là một bài học, một cái giá quá đắt cho cả chính quyền và người dân.

Xuân Sinh - Dương Oanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm