Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Bài 28: Một “mũi tên” đâm thẳng vào niềm tin công lý kỳ án 194 phố Huế

(Dân trí) - Chưa bàn đến việc phân chia di sản thừa kế của ông Hoàng Đình Mậu là đúng hay sai, nhưng việc Cục Thi hành án TP. Hà Nội tự ý giải quyết di sản thừa kế của ông Mậu là trái pháp luật, cần phải được Cơ quan Điều tra vào cuộc làm rõ.

Một “mũi tên” đâm thẳng vào niềm tin công lý vụ án 194 phố Huế
Vụ án 194 phố Huế nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc và các cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội
 
“Cánh tay” kéo dài của việc thi hành bản án cũ đã bị hủy
Ngày 05/02/2013, Cục THADS TP.Hà Nội có Thông báo thi hành án dân sự số 424/TB-CTHA với nội dung: thông báo và đề nghị gia đình 194 liên hệ với Cục THADS TP. Hà Nội để giải quyếtkhoản tiền bán nhà 194 Phố Huế còn lại sau khi đối trừ các khoản tiền bảo đảm của Công ty TNHH Bắc Sơn và ông Hoàng Đình Mậu phải thi hành án” là 23.857.968.126 đồng (Hai ba tỷ tám trăm năm bảy triệu chín trăm sáu tám nghìn một trăm hai sáu đồng).
 

Như Dân trí đã đưa tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vẫn đang tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật do hành vi của ông Trịnh Ngọc Chung gây ra trong vụ án, kể cả việc vi phạm thủ tục bán đấu giá. Như vậy, mặc dù ngôi nhà 194 phố Huế đã được bán đấu giá nhưng phải chờ kết quả điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC mới đủ căn cứ khẳng định quyền sở hữu nhà đất này, và có căn cứ xử lý tài sản bán đấu giá.

Ngày 16/5/2012, Toà Phúc thẩm – Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa Ngân hàng Công thương và Công ty TNHH Bắc Sơn và ban hành Bản án số 82/2012/KDMT-PT, trong đó xác định rõ ngôi nhà 194 phố Huế chỉ bị xử lý để bảo đảm thu hồi số tiền 5.000.000.000 đồng và lãi suất nếu người được bảo lãnh – Công ty TNHH Bắc Sơn không có khả năng thanh toán.

Bản án số 82/2012/KDMT-PT của TANDTC là bản án hoàn toàn mới, được xét xử và có hiệu lực pháp luật sau gần 03 năm kể từ thời điểm ngôi nhà 194 phố Huế bị bán đấu giá (24/8/2009) để thi hành án trái pháp luật. Và hiện nay, Cơ quan Điều tra đã khẳng định việc thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế của bị can Trịnh Ngọc Chung là hoàn toàn sai trái. Vậy không có lý do gì để Cục thi hành án dân sự Hà Nội tiếp tục tiến hành các trình tự tiếp theo của hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung?

Nếu Công ty Bắc Sơn và gia đình 194 phố Huế không đủ khả năng thi hành án đối với khoản 5 tỷ đồng mà ngôi nhà 194 phố Huế là tài sản bảo lãnh, thì Cơ quan Thi hành án phải thực hiện một trình tự thi hành án khác, hoàn toàn độc lập và không liên quan với quy trình Thi hành án trước đây mà Trịnh Ngọc Chung đã tiến hành.

Chưa kể đến, để thi hành bản án số 82/2012/KDMT-PT, Công ty Bắc Sơn và gia đình 194 phố Huế vẫn còn tài sản khác đủ để trả nợ cho Ngân hàng công thương số tiền mà ngôi nhà 194 phố Huế đã bảo lãnh.

Thế nhưng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã ngang nhiên khẳng định số tiền 23.857.968.126đ khoản tiền bán nhà 194 phố Huế còn lại sau khi đối trừ các khoản tiền bảo đảm của Công ty TNHH Bắc Sơn và ông Hoàng Đình Mậu phải thi hành án. Phải chăng đó là sự thừa nhận việc thi hành án của ông Trịnh Ngọc Chung đối với ngôi nhà 194 phố Huế là hoàn toàn đúng đắn? Phải chăng đó là câu trả lời hoàn chỉnh và hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền để khép lại vụ án “Ra quyết định trái pháp luật”? Phải chăng đó chính là sự nghiêm minh của pháp luật mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan đến vụ án này đã thực sự “bó tay”?

Nếu như vụ án chưa được khép lại, nếu như hành vi bán đấu giá trái phép ngôi nhà 194 phố Huế còn đang được điều tra thì căn cứ vào đâu Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội lại tự ý “xử lý” số tiền do bán đấu giá trái phép ngôi nhà 194 phố Huế mà có? Đây có phải là sự tiếp tay của cơ quan thi hành án để tiếp tục hoàn thiện việc thi hành án vốn là trái pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung trước đây?

Dư luận có quyền hồ nghi: liệu có phải cơ quan  nhà nước có thẩm quyền đang bị thao túng để tiếp tay giải quyết “kết quả” của của một vụ thi hành án trái pháp luật?

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội tự bổ sung thẩm quyền

Chưa hết bàng hoàng khi nhận được thông báo số 424, gia đình 194 phố Huế lại vô cùng bức xúc và đau đớn khi nhận được Thông báo thi hành án dân sự số 433/TB-CTHA với nội dung: Số tiền bán đấu giá nhà 194 phố Huế còn lại là 23.857.968.126 đồng, “Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã giải quyết số tiền 11.928.984.063 đồng theo quy định pháp luật”, và đề nghị gia đình 194 phố Huế liên hệ để nhận số tiền 11.928.984.063 đồng còn lại.

Anh Hoàng Ngọc Minh, đại diện gia đình 194 phố Huế cho biết: “Ngay sau khi nhận được Thông báo này tôi đã vội vã liên hệ với Cục Thia hành án Hà Nội thì được cán bộ phụ trách giải thích: Việc chia nửa số tiền 23.857.968.126 đồng được dựa vào vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo đó số tiền 11.928.984.063 đồng sẽ được chia cho bà Nguyễn Thị Thu Hồng (vợ ông Mậu), phần còn lại là của chúng tôi”.
 
Dư luận hoài nghi về động cơ của Thông báo số 433 mà Cục Thi hành án Hà Nội ban hành
Dư luận hoài nghi về "động cơ" của Thông báo số 433 mà Cục Thi hành án Hà Nội ban hành (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Chưa bàn đến việc phân chia di sản thừa kế của ông Hoàng Đình Mậu là đúng hay sai, tài sản của ông Mậu phải chia thành một hay nhiều kỷ phần theo quy định của pháp luật, nhưng việc Cục Thi hành án Hà Nội tự ý giải quyết di sản thừa kế của ông Hoàng Đình Mậu là trái pháp luật.

Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào xác định cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết, phân chia di sản thừa kế cho đương sự. Đồng thời, tại phần thứ tư - Thừa kế của Bộ luật dân sự chỉ ghi nhận: Đương sự có thể khởi kiện tại Toà án để phân chia di sản thừa kế trong trường hợp có tranh chấp; hoặc đương sự có thể tự thoả thuận và cử người phân chia di sản. Điều 49 Luật công chứng còn quy định những người thừa kế có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận để phân chia di sản thừa kế…

Vậy, từ bao giờ Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội được pháp luật cho phép phân chia di sản thừa kế (việc dân sự, không phải thi hành án) thay cho Tòa án nhân dân, thay cho ý chí tự nguyện của các đương sự? Phải chăng Cục Thi hành án Hà Nội đã “nhắm mắt làm liều” vì dân, vì nước???
 
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung
của Cơ quan Điều tra VKSNDTC (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Quyết tâm “thôn tính” nhà 194 phố Huế?

Trong khi vụ án 194 phố Huế vẫn đang là một “điểm nóng”, dư luận Thủ đô và cả nước vẫn đang ngày đêm mong chờ kết luận cuối cùng của VKSND Tối cao để đưa vụ án ra xét xử công khai, minh bạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân lương thiện; thì những động thái của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội thực sự như một mũi tên đâm thẳng vào niềm tin công lý của gia đình 194 phố Huế.

Điều này làm dư luận càng thêm hồ nghi về việc có một “thế lực chống lưng” liên quan đến vụ án này đang cấu kết để quyết liệt thi hành án nhà 194 phố Huế đến cùng bất chấp các quy định của pháp luật, và đang cố gắng tiếp tay giải quyết hậu quả do ông Trịnh Ngọc Chung gây ra trước đây.

Có hay không việc bắt tay làm trái của các cơ quan công quyền? Có hay không “thế lực chống lưng” đằng sau bị can Trịnh Ngọc Chung? Kính đề nghị các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xem xét và giải quyết những hành vi khuất tất đang tiếp tục xảy ra trong việc thi hành án nhà 194 phố Huế.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các tin tức mới nhất của vụ án này.

Vũ Văn Tiến

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm