Bài 23: Dấy lên dư luận hồ nghi về “thế lực chống lưng” vụ án 194 phố Huế

(Dân trí) - Sau gần 30 bài báo trên Dân trí, hàng loạt các dấu hiệu sai phạm của nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS Quận Hai Bà Trưng - Trịnh Ngọc Chung trong việc quyết liệt thực hiện thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đã được “đưa ra ánh sáng” .

Sự việc trên cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông uy tín trên cả nước và được sự quan tâm, cổ vũ nhiệt tình của dư luận thủ đô trong một thời gian dài.

Qua phản ánh trên các phương tiện truyền thông và Báo Dân trí, ngày 28/10/2011 Cục Điều tra (Cục 6) - VKSNDTC ra quyết định khởi tố vụ án số 27/VKSTC - C6 (P3), và ngày 10/04/2012 ra quyết định khởi tố bị can số 04/VKSTC-C6 (P3) đối với Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái Pháp luật” đối với quyết định cưỡng chế trái pháp luật số 07/QĐ-THA ngày 28/06/2011. Quyết định khởi tố bị can đã có tác dụng xoa dịu dư luận, khiến cho lòng dân thêm tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, vào sự nghiêm minh của pháp luật.  
Kỳ án 194 phố Huế nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc
Kỳ án 194 phố Huế nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc
và các cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội

Dân trí xin tóm tắt lại nội dung sự việc đến bạn đọc

Ngôi nhà 194 phố Huế là một trong những tài sản bảo lãnh thế chấp cho hợp đồng tín dụng năm 2002 giữa Công ty Bắc Sơn (do ông Hoàng Đình Mậu làm giám đốc) và Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cầu giấy. Khi ông Mậu qua đời, con trai ông là Hoàng Ngọc Minh, vốn là thành viên của Công ty TNHH Bắc Sơn thay bố làm giám đốc điều hành công ty.

Năm 2007, Ngân hàng Công thương khởi kiện Bắc Sơn về các hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa hai bên. Ngày 20/12/2007, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự  số 143/2007/QĐST- KDTM.

Ngày 25/12/2008, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội ban hành quyết định thi hành án số 366 /QĐTHA-KT về việc thi hành án: Công ty TNHH Bắc Sơn phải thi hành tổng cộng cả gốc và lãi là 25.547.337500đ sau đó ủy thác cho CCTHADS quận HBT tiếp tục thi hành án.

Ngày 24/8/2009, Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá tài sản là ngôi nhà 194 Phố Huế với giá 31.528.000.000 đồng. Người trúng đấu giá là ông Đặng Văn Thoán.

Ngày 04/9/2009 Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra Quyết định số 29/QĐ-KNGĐT- V12 kháng nghị Quyết định số 143/QĐST-KDTM, tạm đình chỉ thi hành quyết định công nhận sự thoả thuận chờ kết quả xét xử Giám đốc thẩm.

Ngày 21/12/2010, Toà kinh tế TAND tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM- GĐT huỷ quyết định 143/2007/QĐST- KDTM ngày 20/12/2007 của TAND thành phố Hà Nội, giao hồ sơ cho TANDTP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/6/2011, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thông báo thụ lý vụ án số 517/TB- TLVA. Tuy nhiên, ngày 29/6/2011 Chi cục trưởng Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng ra quyết định cưỡng chế số 07/QĐTHA quyết tâm thực hiện đến cùng việc thi hành án đối với ngôi nhà 194 phố Huế.
 
Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế
Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế
có nhiều uẩn khúc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Những sai phạm nghiêm trọng

Như Dân trí đã phân tích ở nhiều bài viết, quá trình kê biên, bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng, điển hình là:

Vi phạm về thủ tục kê biên

Ngày 24/4/2009, do Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lập Biên bản kê biên ngôi nhà 194 phố Huế mặc dù thiếu các thành phần tham dự theo như hướng dẫn Điều 10 và Điều 16 Nghị định 164 ngày 14/9/2004 của Chính Phủ, như: Đại diện cơ quan quản lý đất đai, đại diện cơ quan quản lý tài chính cùng cấp và đại diện văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

Điều thú vị là, cùng một nội dung sự việc, cùng một biên bản kê biên được lưu tại hai cơ quan khác nhau, lại có thành phần tham dự… không giống nhau. Theo Biên bản do THADS cung cấp có đầy đủ 12 chữ ký của các cán bộ tham gia kê biên. Tuy nhiên, Biên bản kê biên được VKSND Hai Bà Trưng cung cấp thì chỉ có tên 11 cán bộ tham gia, trong đó chỉ có 7 người trùng tên với biên bản kê biên tài sản mà THADS quận Hai Bà Trưng cung cấp, còn lại 4 cán bộ lại… khác tên.

“Biến hóa” biên bản giải quyết thi hành án

Không chỉ có Biên bản kê biên được phù phép để thực hiện mưu đồ cá nhân, tại Biên bản giải quyết Thi hành án (THA) do Cơ quan THA cung cấp so với Biên bản lưu tại VKSND cùng cấp, cũng đã được “viết thêm” câu chữ nhằm làm sai lệch nguyện vọng, ý chí của đương sự.

Cụ thể, sau đoạn “Nếu hết thời hạn trên, anh Minh không bán được nhà xưởng và nhà 194 phố Huế thì cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng sẽ xử lý theo quy định pháp luật” thì bỗng nhiên xuất hiện dòng chữ “…là tiến hành kê biên bán đấu giá nhà 194 phố Huế- phường Ngô Thì Nhậm- Hai Bà Trưng- Hà Nội”.

Vì sao có sự gian dối này? Vì sao, cùng một nội dung lại có các biên bản ghi nhận sự việc hoàn toàn khác nhau? Điều này, ông Trịnh Ngọc Chung là người hiểu rõ nhất!

Bán đấu giá vượt quá diện tích được phép

Ngày 21/4/2009, Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã ra thông báo về việc kê biên tài sản số 22/TB- THA kê biên một phần diện tích nhà 194 phố Huế từ tầng 1 lên tầng 3. Ngày 24/4/2009, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng ra quyết định kê biên tài sản số 22/QĐ - THA với nội dung: Kê biên diện tích nhà đất 194 Phố Huế để đảm bảo thi hành án. Cụ thể: Chiều rộng mặt tiền là 6,58m từ ngoài đường nhìn vào phía tay phải cạnh số nhà 192, chiều dài là 20,62m. Nhà vệ sinh một chiều 2,2m, một chiều 1,82m. Toàn bộ diện tích từ tầng 1 đến tầng 3. Tổng diện tích đất là 139,68m2.

Theo biên bản ngày 21/3/2009 của ông Chung làm việc với UBND Phường Ngô Thì Nhậm, thì nhà 194 Phố Huế có diện tích 120,31m2, có thêm một phần diện tích của nhà 196 Phố Huế là 12,51m2 thuộc Nhà nước quản lý. Tổng diện tích kê khai là 132,81m2

Ông Chung chỉ cho kê biên “một phần” diện tích nhà đất 194 phố Huế, nhưng lại với diện tích vượt trội 139,68m2 nhằm “chiếm đoạt” toàn bộ diện tích ngôi nhà.

“Cưỡng bức” sự tham gia THA của VKSND Hai Bà Trưng

Việc cưỡng chế nhà 194 phố Huế do Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng (HBT) còn có dấu hiệu giả mạo hồ sơ. Trong khi cơ quan thi hành án khẳng định việc thực hiện các trình tự thi hành án khi cưỡng chế đều có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp, thì VKSND quận HBT lại khẳng định tại Công văn số 270/KSTHA/CV : “Tại các biên bản: Biên bản phá khóa; Biên bản cưỡng chế giao nhà; Biên bản liệt kê tài sản do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, đồng thời ghi vào cuối biên bản nội dung: “Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã vắng mặt lúc thông  qua biên bản” là không đúng với thực tế

Sai phạm của ông Chung đã quá rõ ràng, cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý kịp thời đúng pháp luật. Quyết định cưỡng chế trái pháp luật số 07/QĐ – THA và kết quả bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế vẫn chưa bị hủy để bảo đảm sự đúng đắn và nghiêm minh của pháp luật.

Theo K1 Điều 119 Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2008, thời hạn điều tra được quy định: “Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra

Tuy nhiên, đã hơn 06 tháng trôi qua, Cục Điều tra VKSND Tối cao vẫn chưa có kết luận kết thúc điều tra đối với hành vi phạm tội “rõ như ban ngày” của bị can Trịnh Ngọc Chung. Ngôi nhà 194 phố Huế vì thế cũng chưa được khôi phục nguyên trạng. Điều này, một lần nữa lại dấy lên dư luận hồ nghi về “thế lực chống lưng” phía sau vụ án.

Vậy có hay không thế lực ngầm bao che cho hành vi phạm tôi của ông Chung? Cản trở quá trình điều tra và ngang nhiên thách thức công luận? Dư luận đang mong chờ Kết luận Điều tra cuối cùng của Cơ quan VKSNDTC để vụ án 194 phố Huế được kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, trừng trị thích đáng những kẻ lợi dụng quyền lực công để mưu cầu lợi ích riêng, thanh lọc cán bộ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
 
Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã biết đến "kỳ án" trên chưa? Ông đã dành thời gian, sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp với VKSNDTC, TANDTC để giải quyết dứt điểm một vụ án đã gây bức xúc cho dư luận xã hội trên?
 
Chúng tôi hi vọng Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, VKSNDTC, TANDTC khẩn trương vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc để giữ gìn kỷ cương phép nước.
 
“Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến mới nhất của vụ án!

Vũ Văn Tiến