Hà Nội:

Bài 19: Hệ thống sai phạm trong kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão

(Dân trí) - Sau loạt bài Báo Dân trí vạch trần những sai phạm của bản án số 206/2013/DSPT, đến nay vụ án này lại xuất hiện thêm tình tiết có dấu hiệu sai phạm của chi cục thi hành án huyện Thanh Trì (Hà Nội) khi cố ý ban hành quyết định THA trái pháp luật.




Từ sự “sáng tạo” của một bản án    
Hệ thống lại chuỗi thông tin mà báo Điện tử Dân trí đã vạch ra trong quá trình xác minh, điều tra theo đơn thư bạn đọc, có thể thấy trong quá trình xét xử, với bản án số 206/2013, vị thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã có những phán quyết có dấu hiệu sai phạm như sau:

Thứ nhất,  xác định sai quan hệ pháp luật của vụ án
Ngược lại thời gian, vào năm 2003, mẹ liêt sĩ Triệu Thị Mão là nguyên đơn trong vụ án Dân sự thụ lý số 53/DS có Đơn đề nghị TAND huyện Thanh Trì tuyên hủy 02 GCNQSDD cấp trái pháp luật cho anh Nguyễn Văn Tạo và anh Nguyễn Văn Chung. Thế nhưng đến ngày 26/8/2013, Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân với bản án số 206/2013 đã xác định lại quan hệ pháp luật của vụ án này, khi không hề đi sâu vào phân tích tính hợp pháp của 02 GCNQSDD nói trên, mà lại khẳng định di sản thừa kế đã được chia (dù không có bất cứ văn bản hay người làm chứng hợp pháp nào chứng minh điều này), từ đó tuyên công nhận 02 GCNQSDD cấp trái pháp luật (đã bị chính cơ quan ban hành ra thừa nhận là sai sót, không đúng với trình tự thủ tục theo quy định pháp luật).

Có thể thấy rõ từ khi khởi đầu vụ án cho đến nay, trải qua 13 năm rồi, phía nguyên đơn chưa bao giờ có yêu cầu chia tài sản thừa kế mà chỉ có yêu cầu tuyên hủy 02 “sổ đỏ” cấp trái pháp luật, thì trong quá trình xét xử, thẩm phán phải xem xét xem 02 “sổ đỏ” này được cấp đúng hay sai so với quy trình pháp luật đã quy định, chứ không thể tùy tiện thay đổi một quan hệ pháp luật đã được xác định theo yêu cầu của nguyên đơn tại Đơn khởi kiện năm 2003, từ yêu cầu tuyên hủy “sổ đỏ” cấp trái pháp luật thành quan hệ chia di sản thừa kế?

Phiên xét xử ngày 26/8/2013 tại Tòa án TP Hà Nội.
Phiên xét xử ngày 26/8/2013 tại Tòa án TP Hà Nội.

Thứ hai, khẳng định thửa đất đang tranh chấp là di sản thừa kế đã được chia, mặc dù trên thực tế không hề có căn cứ pháp lý nào chứng minh điều này.
Theo các căn cứ có trong hồ sơ vụ án thì có đủ căn cứ để khẳng định rằng thửa đất số142 tờ bản đồ số 3 được tách bất hợp pháp kể từ năm 1993, khi anh Nguyễn Văn Tạo tự ý kê khai làm GCNQSDĐ mang tên anh Nguyễn Văn Tạo và anh Nguyễn Văn Chung. Tuy nhiên, tại bản án số 206/2013 thì lại cho rằng phần diện tích đất tranh chấp đã được tách thửa từ năm 1987 thành hai thửa gồm thửa số 142 và thửa số 209. Nhận xét tùy tiện, vô căn cứ của Tòa án thể hiện sự cẩu thả trong quá trình xác minh thu thập chứng cứ của thẩm phán thụ lý hồ sơ vụ án này bởi năm 1987, diện tích đất nói trên hoàn toàn chưa được tách thửa mà vẫn là một thửa thống nhất rộng 1.020m2 do các căn cứ sau:

Theo các tài liệu xác minh có trong hồ sơ vụ án thì trước năm 1987 xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì không có bản đồ và các hồ sơ quản lí đất đai (sổ mục kê, sổ đăng ký quyền sử dụng đất hoặc sổ địa chính). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước tại chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980, đến năm 1987 xã Đông Mỹ huyện Thanh Trì Hà Nội bắt đầu tiến hành lập bản đồ 299 đối với toàn bộ diện tích  ruộng đất trên phạm vi toàn xã.

Do Đông Mỹ có 5 thôn với số lượng diện tích đất tương đối lớn nên xã đã chủ trương làm theo thứ tự từ thôn 1 trở đi theo từng năm để giải quyết dứt điểm vấn đề đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong từng thôn. Chính vì thế, mãi đến năm 1991 thì công tác này mới được triển khai tại thôn 5 là nơi có diện tích đất đang bị tranh chấp hiện nay, vì vậy hồ sơ thửa đất số 142 đã được lập vào năm 1991 với diện tích là 1.020m2.

Trong bộ hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ năm 1993, tại trích lục bản đồ còn lưu giữ ở xã thì xung quanh thửa số142 là các thửa liền kề mang số 140, 141, 143, 144, 145... Điều này có nghĩa là năm 1991 sau khi lập bản đồ 299 xong thì mới chỉ có thửa số 142, về sau đến năm 1993 anh Tạo tự ý kê khai 02 GCNQSDĐ mang tên anh Tạo và anh Chung, sau khi được cấp GCNQSDĐ thì Phòng Tài nguyên Môi Trường của huyện Thanh Trì mới điều chỉnh trên bản đồ là thửa số 142 và thửa số 209 - hai con số không hề đứng cạnh nhau trong bảng số thứ tự chứng tỏ thời gian lập thửa khác nhau hoàn toàn, và do thửa số 209 là thửa được tách từ thửa số 142 nên trong hồ sơ còn được chú thích là thửa thêm.

Năm 1987 bà Triệu Thị Mão đến ở nhà con gái trên Hòa Bình để chăm sóc các cháu, mãi đến năm 1994 mới trở về (việc này trong hồ sơ vụ án đã có đơn trình bày của bà Mão, có xác nhận của chính quyền địa phương) nên bà Mão hoàn toàn không biết đến việc năm 1993 anh Tạo tự ý kê khai xin cấp GCNQSDĐ.

Từ những căn cứ trên, hoàn toàn có thể thấy rõ là mãi về sau mới xuất hiện thửa số 209 (thửa thêm), xuất phát từ hành vi sai trái và nhận thức kém hiểu biết pháp luật của anh Tạo. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã không xem xét toàn bộ những chứng cứ pháp lí có trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến thực tế trong đời sống nhân dân tại xã Đông Mỹ thời kỳ 1987 - 1993 mà lại cho rằng năm 1987 đã xuất hiện thành 02 thửa số 142 và thửa số 209.

Thứ ba, công nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDD đã bị chính cơ quan ban hành ra nó cũng như nhiều bản án trước đây tuyên hủy do cấp trái pháp luật
Theo Luật đất đai năm 1987 thì việc thực hiện chia tách phải có đơn xin chia tách; biên bản chia tách có sự nhất trí và có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình, có xác nhận chữ ký của UBND xã, xác nhận không có tranh chấp thì biên bản mới đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, bộ hồ sơ xin chia tách và cấp GCNQSDĐ cho anh Chung và anh Tạo hoàn toàn không tuân thủ các quy định trên, cụ thể như sau:

Hồ sơ có 01 đơn chia tách đất đề ngày 20/6/1993 đứng tên anh Tạo nhưng phần chữ ký thì lại có cả chữ ký của anh Tạo và anh Chung là không hợp lệ, sau này xác minh cho thấy đây là người khác ký hộ chứ không phải là chữ ký của anh Chung.

Căn cứ được xác định trong Biên bản chia cắt đất đề ngày 20/4/1993 là “ghi theo đơn đề nghị của ông Kế”, tuy nhiên ông Kế đã mất từ năm 1988 và trong hồ sơ cũng không hề có Đơn đề nghị nào của ông Kế gửi kèm theo. Vậy thì hoàn toàn không có căn cứ để khẳng định việc chia tách này là thuận theo ý chí của ông Kế và ông Bốn; không nêu họ tên, chức danh, nhiệm vụ của các thành viên trong tổ ruộng đất, không có Giấy ủy nhiệm của Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận, không có chữ ký của các thành viên Tổ ruộng đất là những người trực tiếp tiến hành công việc nói trên, không có biên bản kèm theo thể hiện sự đồng ý của Hội đồng xét duyệt.

Ngoài ra, biên bản này không hề có văn bản thỏa thuận nào của gia đình anh Chung và anh Tạo, không có chữ ký của các thành viên trong gia đình bà Mão (là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan); không có chữ ký của người giám hộ cho anh Chung cũng như chữ ký của anh Chung, mà vẻn vẹn chỉ có chữ ký của một mình anh Tạo, mặc dù biên bản ghi rõ: “mọi người trong gia đình và đại diện tổ ruộng đất của xã được ủy nhiệm đều nhất trí ký tên”; cũng không có xác nhận của UBND xã thể hiện đất hiện nay không có tranh chấp

Trong Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất  ngày 20/2/1993 thì người đứng tên trong đơn là anh Chung.

Tuy nhiên anh Chung lại là người bị tâm thần từ bé nên giao dịch của anh Chung phải do người giám hộ đương nhiên tiến hành chứ bản thân anh Chung không được độc lập thực hiện. Điều này được quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2005: “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”. Trong đơn có ghi nhiều nội dung không đúng với sự thật, phần chữ ký thì bỏ trống, không hề có chữ ký của đứng tên người kê khai là anh Chung hay người giám hộ đương nhiên của anh Chung.

Vậy thì căn cứ vào đâu để cho rằng bộ hồ sơ xin kê khai cấp GCNQSDD nêu trên là do anh Chung tự làm và có tính hợp pháp? Lại càng không phải do người giám hộ của anh Chung làm bởi không hề có mục khai báo thêm về Người giám hộ. Vì thế, có thể khẳng định rõ 02 “sổ đỏ” trên đã được cấp trái pháp luật, do chính anh Tạo đứng ra kê khai vào năm 1994, anh Chung không hề biết đến sự việc này. Đây là một sai phạm nghiêm trọng đã được chính cơ quan có thẩm quyền cấp 02 GCNQSDD trái pháp luật nói trên hơn một lần thừa nhận, cụ thể:

-    Trong Kết luận tại công văn số 310/CV/UB: “Xác định việc kê khai thửa đất mang tên anh Nguyễn Văn Chung và anh Nguyễn Văn Chung đã được UBND huyện Thanh Trì cấp giấy chứng nhận ngày 15/9/1994 là không đúng với trình tự, quy định tại Thông tư hướng dẫn số 302/RĐ-ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục địa chính”.
-    Tại công văn số 2424/UBND-TNMT ngày 12/08/2013 của UBND huyện Thanh Trì: “Việc kê khai lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ đất của UBND xã Đông Mỹ cho ông Nguyễn Văn Chung còn có sai sót và không đúng với trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư hướng dẫn 302/RĐ-ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục địa chính.”

Thứ tư, tăng diện tích đất tranh chấp trong bản án lên so với diện tích thực tế khiến cho bản án số 206/2013 chỉ là... một bản án giấy.
Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu trữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2 , ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án trong 8 năm qua đều công nhận thửa đất 142 có diện tích 1.020m2. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản án 206 lại tuyên và có sơ đồ đính kèm thì thửa đất trên lại có tổng diện tích là 1.022,7m2, sai số lớn hơn so với số liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,7m2, điều này đã khiến cho đông đảo những người quan tâm đến vụ án đều bất ngờ trước sự chênh lệch số liệu trên.

Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão mang theo cả nỗi đau về bên kia thế giới
Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão mang theo cả nỗi đau về bên kia thế giới.

Bức xúc trước bản án tuyên hết sức tùy tiện, ngày 12/09/2013, chị Nguyễn Thị Nhung (con gái bà Triệu Thị Mão) đã mời Công ty TNHH một thành viên địa chính Hà Nội đo đạc lại toàn bộ diện tích thửa đất 142 thì kết quả vô cùng bất ngờ khi diện tích thực của thửa đất này lại là 983.7m2. Như vậy, diện tích thửa đất trong bản án là không đúng với diện tích thực tế, điều này khẳng định rằng vào năm 1994, khi làm GCN QSDĐ, cơ quan địa chính UBND xã Đông Mỹ và UBND huyện Thanh Trì đã không tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế mà chỉ xem xét qua loa và quyết định cấp 02 GCN QSDĐ cho anh Tạo và anh Chung trên lý thuyết, giấy tờ mà thôi.

Thứ năm, vẽ sơ đồ lối đi “trên không” cho các đương sự trong bản án
Tại bản án số 206/2013, thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên: “Anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão và chị Bình đại diện cho anh Chung tự mở lối đi trên phần đất của mình”. Một phán quyết với nội dung “tự mở lối đi”, khiến cho những người thừa kế của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão “toát mồ hôi” vì không hiểu mình sẽ phải mở lối đi như thế nào, nếu căn cứ vào thực tế diện tích đất đã được Tòa “chia”, bởi theo Sơ đồ phân chia nhà đất đang tranh chấp do thẩm phán Tân đã ký kèm theo bản án số 206/2013 thì những người thừa kế của bà Mão chỉ còn cách mở lối đi trên không mà thôi, khi mà ba bề bốn bên đều bị bịt kín bởi: kênh thoát nước, nhà hàng xóm và “phần đất” anh Nguyễn Văn Chung được Tòa “chia”.

Theo chị Nhung - người thừa kế của bà Mão thì: “Rõ ràng chúng tôi không thể nào mở lối đi qua nhà hàng xóm được vì nhà họ đã xây bịt kín rồi, chẳng nhẽ lại bảo họ phá một phần nhà ra để chúng tôi đi. Cũng không thể nào làm cầu đi qua kênh thoát nước được bởi việc làm cầu là của Nhà nước, chúng tôi đâu có phận sự. Còn việc thương lượng xin đi qua “đất nhà anh Chung” để ra ngoài đường, sau khi hai bên đã kiện tụng nhau đến hơn một thập kỷ, thì có phải là một phương án khả thi không?” Có phải chính vị thẩm phán này cũng thực sự không biết phải mở lối đi như thế nào với cái sơ đồ mình đã dựng lên, nên đã “đá bóng” cho các đương sự tự sức xoay sở?

Đến những sai lầm hết sức khó hiểu của một Quyết định Thi hành án

Thứ nhất, Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã không tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện hành vi thi hành án dù biết bản án không đủ điều kiện để thi hành trên thực tế.
Bản án số 26/2013 là một bản án trái pháp luật và không thể thi hành được trên thực tế, khi có sự chênh lệch rõ rệt giữa số liệu trên hồ sơ, số liệu thực tế với số liệu mà bản án số 206/2013 đưa ra, bởi theo quy định của pháp luật, đây không thuộc trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án. Chính vì vậy, cơ quan thi hành án sẽ phải tiến hành đo đạc để xác định lại diện tích thửa đất 142 thực tế là bao nhiêu m2. Trường hợp con số đo đạc lại không trùng với con số mà Tòa án đưa ra thì cơ quan thi hành án sẽ “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật” (Điểm d, khoản 1 Điều 23 Luật thi hành án dân sự năm 2008)

Thế nhưng, bỏ qua những dấu hiệu sai phạm nói trên, ngày 26/11/2013, Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì vẫn ban hành Quyết định THA để thi hành án một bản án có dấu hiệu sai phạm quá rõ ràng.

Từ sai phạm này đã dẫn đến việc Quyết định THA số 247/QĐ-CCTHA nói trên cũng như Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án số 01/QĐ-CCTHA ngày 06/01/2014 đã “buộc anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão trả anh Chung do chị Bình là người thừa kế của anh Chung sẽ nhận 310m2 đất và toàn bộ cây cối, công trình gắn liền với đất...” Như vậy, với các Quyết định THA này thì việc số liệu thực tế bị thiếu hụt so với số liệu của bản án gần 40m2 đất đương nhiên anh Tạo, chị Nhung sẽ phải là người gánh chịu, còn anh Chung vẫn được Tòa án và cơ quan Thi hành án “đảm bảo” cho nhận đủ 310m2 như đã tuyên.

Thứ hai, Quyết định THA số 247/QĐ-CCTHA hoàn toàn dựa trên một căn cứ... không có căn cứ pháp lý.
Điều đáng ngạc nhiên nhất ở đây chính là Quyết định số 247/QĐ-CCTHA là một văn bản khá kỳ lạ, khi đã căn cứ vào một bản án đã bị hủy - Bản án số 22/2006/DSST ngày 20/9/2006 của TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, không có hiệu lực pháp luật và đã được thay thế bởi rất nhiều bản án khác, để ban hành Quyết định THA cho bản án được tuyên vào năm 2013, bởi theo Điều 2 - Luật THA dân sự năm 2008 thì những bản án được thi hành theo Luật này phải là những bản án có hiệu lực pháp luật.

Lật lại hồ sơ vụ án, chúng ta thấy bản án số 22/2006 đã bị kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án và ngày 23,24/01/2007, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này, tuyên “hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 22/2006/DSST ngày 20/9/2006 của TAND huyện Thanh Trì, HN. Giao hồ sơ vụ án về TAND huyện Thanh Trì giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật” Như vậy, bản án số 22/2006 hoàn toàn không có hiệu lực pháp luật.

Liên quan đến vụ việc kéo dài có nhiều điểm bất thường này, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Phó trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa quan điểm: Không hiểu Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã áp dụng theo quy định pháp luật nào mà lại đưa ra một “căn cứ” trái quy định pháp luật để ban hành Quyết định thi hành án số 247/QĐ-CCTHA?

Với việc tùy tiện thay đổi quan hệ pháp luật trong vụ án, đến việc thừa nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDD cấp trái pháp luật đã bị nhiều cấp xét xử tuyên hủy, bị chính cơ quan ban hành thừa nhận là sai phạm, đến việc đưa ra một số liệu hoàn toàn mới so với thực tế lẫn hồ sơ vụ án, có thể thấy rõ sự tùy tiện trong công tác xét xử. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền - lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

Bên cạnh đó, việc thi hành án một cách đáng nghi ngờ của chấp hành viên trực tiếp thụ lý vụ THA này trong việc ban hành một quyết định Thi hành án trái pháp luật, càng khiến cho dư luận khó hiểu. Chưa nói về những sai phạm nghiêm trọng trong nội dung bản án số 206/2013, chỉ nói riêng về vấn đề cố tình “ép” những người thừa kế hợp pháp của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão phải gánh chịu tất cả những sai phạm do bản án này gây ra, cũng đủ thấy rằng Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đang cố tình tiến hành THA bằng được một bản án sai về cả nội dung lẫn hình thức.

Giả sử cơ quan THA cố tình cưỡng chế THA, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm nêu trên và đối với những thiệt hại nghiêm trọng về cả vật chất lẫn tinh thần mà những người thừa kế của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão phải gánh chịu?’’

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Nhóm PVĐT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm