Kỳ án oan khuất tại Thanh Trì (Hà Nội):

Bài 18: Bất thường một quyết định thi hành án căn cứ trên bản án trái luật

(Dân trí) - Sau gần 13 năm theo kiện, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại với mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão, dù hiện nay cụ đã trở thành người thiên cổ, khi bỗng nhiên ngày 26/11/2013, Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã ban hành một Quyết định Thi hành án vô cùng kỳ lạ.

Như Dân trí đã đưa tin, thửa đất rộng 1.020m2 hiện đang tranh chấp tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì - Hà Nội trước đây là của cụ Nguyễn Văn Sụn và cụ Nguyễn Thị Nghĩa để lại. Hai cụ sinh được ba người con là các ông: Nguyễn Văn Kế, Nguyễn Văn Bốn và Nguyễn Văn Sáu thì chỉ có mình ông Kế ở lại quê hương quản lý, sử dụng tài sản của bố mẹ và thờ phụng tổ tiên, còn ông Bốn và ông Sáu đều thoát ly. Sau này ông Sáu có đưa gia đình về quê hương và được ông Kế bà Mão tình nguyện cắt 1/2 diện tích đất để sinh sống.

Sự việc tranh chấp bắt đầu kể từ năm 1994 khi anh Nguyễn Văn Tạo - con trai ông Kế bà Mão tự ý đi kê khai tách thửa và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Nguyễn Văn Tạo và anh Nguyễn Văn Chung - con trai ông Bốn (bị tâm thần từ bé) mà không có ý kiến cũng như không được sự đồng ý của ông Kế và bà Mão - những người thừa kế hợp pháp di sản của tổ tiên để lại. Sự vi phạm nghiêm trọng này là nguyên nhân chính đã dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài trong suốt gần 13 năm qua, gây tốn kém thời gian, công sức của biết bao người, và đau xót hơn là sau gần 13 năm đi tìm công lý, dù hiện nay đã là người thiên cổ, với bản án số 206/2013/DSPT ngày 26/8/2013 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão bỗng nhiên trở thành người tay trắng khi Bản án tuyên toàn bộ diện tích đất 1.020m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của anh Nguyễn Văn Tạo và anh Nguyễn Văn Chung.

Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão mang theo cả nỗi đau về bên kia thế giới.
Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão mang theo cả nỗi đau về bên kia thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là qua nhiều cấp xét xử thì 8 bản án trước đều đã tuyên không thừa nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ trái pháp luật nói trên, thế nhưng đi ngược lại với kết quả nghiên cứu, lao động trong suốt hơn chục năm trời của nhiều vị thẩm phán, bản án số 206/2013/DSPT do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân làm chủ tọa lại hết sức “sáng tạo” khi ngang nghiên thừa nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ này.

Bản án số 206/2013 có rất nhiều điểm đặc biệt khi không chỉ vi phạm cả về nội dung, thủ tục tố tụng mà còn có cả những sai số về diện tích thửa đất 142 so với số liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như số liệu thực, khiến bản án này không thể thi hành trên thực tế.

Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu trữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2 , ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án trong 8 năm qua đều công nhận thửa đất 142 có diện tích 1.020m2. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản án 206 lại tuyên và có sơ đồ đính kèm thì thửa đất trên lại có tổng diện tích là 1.022,7m2, sai số lớn hơn so với số liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,7m2, điều này đã khiến cho đông đảo những người quan tâm đến vụ án đều hết sức kinh ngạc trước sự chênh lệch số liệu trên.

Bức xúc trước bản án tuyên trái pháp luật, ngày 12/09/2013, chị Nguyễn Thị Nhung (con gái bà Triệu Thị Mão) đã mời Công ty TNHH một thành viên địa chính Hà Nội đo đạc lại toàn bộ diện tích thửa đất 142 thì kết quả vô cùng bất ngờ khi diện tích thực của thửa đất này lại là 983.7m2.

Như vậy, diện tích thửa đất trong bản án là không đúng với diện tích thực tế, điều này khẳng định rằng vào năm 1994, khi làm GCNQSDĐ, cơ quan địa chính UBND xã Đông Mỹ và UBND huyện Thanh Trì đã không tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế mà chỉ xem xét qua loa và quyết định cấp 02 GCNQSDĐ cho anh Tạo và anh Chung trên lý thuyết, giấy tờ mà thôi.

Phiên xét xử ngày 26/8/2013 tại Tòa án TP Hà Nội.
Phiên xét xử ngày 26/8/2013 tại Tòa án TP Hà Nội.

Gần 20 năm sau bà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân lại sáng tạo hơn khi đưa ra một số liệu hoàn toàn mới là 1022,7 m2 khiến cho kết quả làm việc gần 13 tháng trời của các cán bộ Tòa án nhân dân TP.Hà Nội trong phiên tòa này có một kết cục vô nghĩa, bởi sự ra đời của một bản án trái pháp luật và không thể thi hành được trên thực tế, khi mà sự chênh lệch giữa số liệu thực tế với số liệu mà bản án 206 đưa ra, bởi theo quy định của pháp luật, đây không thuộc trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án.

Chính vì vậy, cơ quan thi hành án sẽ phải tiến hành đo đạc để xác định lại diện tích thửa đất 142 thực tế là bao nhiêu m2. Trường hợp con số đo đạc lại không trùng với con số mà Tòa án đưa ra thì cơ quan thi hành án (Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự) sẽ “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật” (theo điểm d, khoản 1 Điều 23 Luật thi hành án dân sự năm 2008)

Thế nhưng, bỏ qua những dấu hiệu sai phạm nói trên, ngày 26/11/2013, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Trì vẫn cố tình ban hành Quyết định THA số 247/QĐ-CCTHA. Điều đáng ngạc nhiên hơn khi đây chính là một văn bản khá kỳ lạ, khi đã căn cứ vào một bản án đã bị hủy - Bản án số 22/2006/DSST ngày 20/9/2006 của TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội (xin gọi tắt là bản án số 22/2006) để ban hành Quyết định THA.

Lật lại hồ sơ vụ án, chúng ta thấy bản án số 22/2006 đã bị kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án và ngày 23- 24/01/2007, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này, tuyên “hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 22/2006/DSST ngày 20/9/2006 của TAND huyện Thanh Trì, HN. Giao hồ sơ vụ án về TAND huyện Thanh Trì giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật” Như vậy, bản án số 22/2006 hoàn toàn không có hiệu lực pháp luật.

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: 
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã căn cứ vào một bản án không có hiệu lực pháp luật và đã bị xử hủy, để ban hành một Quyết định THA là một việc làm “xưa nay hiếm”.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì việc Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã căn cứ vào một bản án không có hiệu lực pháp luật và đã bị xử hủy, để ban hành một Quyết định THA là một việc làm “xưa nay hiếm”, bởi theo Điều 2 - Luật THA dân sự năm 2008 thì những bản án được thi hành theo Luật này là những bản án có hiệu lực pháp luật. Vậy không hiểu Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đã áp dụng theo quy định pháp luật nào mà lại đưa ra một “căn cứ” trái quy định pháp luật để ban hành Quyết định thi hành án số 247/QĐ-CCTHA?

Một điều đáng nói nữa là Quyết định THA nói trên cũng như Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án số 01/QĐ-CCTHA ngày 06/01/2014 đã “buộc anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão trả anh Chung do chị Bình là người thừa kế của anh Chung sẽ nhận 310m2 đất và toàn bộ cây cối, công trình gắn liền với đất...” Như vậy, với quyết định THA này thì việc số liệu thực tế bị thiếu hụt so với số liệu của bản án gần 40m2 đất đương nhiên anh Tạo, chị Nhung sẽ phải là người gánh chịu, còn anh Chung vẫn được Tòa án và cơ quan Thi hành án “đảm bảo” cho nhận đủ 310m2 như đã tuyên.

“Chưa nói về những sai phạm nghiêm trọng trong nội dung bản án số 206/2013, chỉ nói riêng về vấn đề cố tình “ép” những người thừa kế hợp pháp của mẹ lệt sĩ Triệu Thị Mão phải gánh chịu tất cả những sai phạm do bản án này gây ra, cũng đủ thấy rằng Chi cục THA dân sự huyện Thanh Trì đang cố tình tiến hành THA bằng được một bản án sai về cả nội dung lẫn hình thức. Giả sử cơ quan THA cố tình cưỡng chế THA, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm nêu trên?”, luật sư Hòe phân tích.

Dân Trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Ban Bạn đọc