Bài 15: Biết sai và nhận sai, nhưng Tòa án không cho... sửa sai

(Dân trí) - “Núi” tài liệu trong hồ sơ vụ án đều cho thấy rõ việc cấp sổ đỏ cho ông Chung, ông Tạo trên phần đất của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão là vi phạm pháp luật, nhưng Tòa án TP Hà Nội vẫn bác đơn khởi kiện của gia đình cụ Mão.

 
Trong suốt hơn một thập kỷ phải ra Tòa với tư cách là bị đơn, anh Nguyễn Văn Tạo đã nhận thức được hành vi sai trái của mình trong việc tự ý kê khai xin cấp 2 Giấy chứng nhận QSDĐ trái pháp luật đối với mảnh đất rộng 1.020m2 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nên rất nhiều lần anh Tạo tự nguyện đề nghị được trả lại cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão phần diện tích đất đã được UBND huyện Thanh Trì cấp trái pháp luật, cũng như nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ trái pháp luật.

Những tưởng biết sai, nhận sai thì sẽ được sửa sai, nhưng cuối cùng anh Tạo lại không có cơ hội thực hiện điều này khi bản án số 206 nhất quyết công nhận anh và anh Chung được quyền sở hữu 2 Giấy chứng nhận QSDĐ cấp trái pháp luật năm 1994.

Trở lại thời điểm năm 1993, khi có chủ trương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nhân lúc bà Mão vắng nhà (bà Mão lên Hòa Bình ở để trông cháu ngoại từ năm 1987), anh Tạo đã tự ý đến UBND xã Đông Mỹ nộp đơn xin chia tách đất ở để kê khai làm Giấy chứng nhận QSDĐ. Cán bộ địa chính xã đã căn cứ vào đơn chia tách này để lập Biên bản chia cắt đất ghi “Theo đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Kế”.

Tuy nhiên, ông Kế đã mất từ năm 1988 mà đơn viết năm 1993 lại đứng tên ông Kế vẫn được cán bộ địa chính xã chấp nhận và lấy đó làm căn cứ để tách thửa và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Việc ghi tên cả người đã mất vào Đơn chia tách đất không chỉ không phù hợp với quy định của pháp luật, mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Mão - người sở hữu hợp pháp 1/2 quyền sử dụng diện tích đất 1.020m2 cũng như các đồng thừa kế khác của ông Kế là bà Mão, chị Nhung đối với phần di sản của ông Kế để lại.

Như chúng tôi đã phân tích ở những bài báo trước, phần diện tích 1.020m2 đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông Kế, bà Mão. Từ năm 1988 trở đi (thời điểm ông Kế mất) thì 1/2 quyền sử dụng diện tích đất nói trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bả Mão và 1/2 diện tích đất còn lại là tài sản chung của các đồng thừa kế là bà Mão, anh Tạo và chị Nhung.
 

Giả thiết rằng anh Tạo muốn tặng cho anh Chung một phần diện tích đất mà mình được thừa kế, thì sau khi làm thủ tục kê khai thừa kế theo quy định của pháp luật và đã phân chia di sản thừa kế xong thì mới được thực hiện việc tặng cho đó, chứ anh Tạo hoàn toàn không có quyền định đoạt phần diện tích đất nói trên bởi đây không phải là tài sản riêng của anh Tạo. Do vậy việc tự ý kê khai tách thửa và xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của anh Tạo hoàn toàn sai phạm và Giấy chứng nhận QSDĐ đó cần phải bị hủy.

Vấn đề gây bức xúc trong dư luận trong suốt hơn một thập kỷ qua là hành vi trái pháp luật của UBND xã Đông Mỹ trong việc cấp 2 Giấy chứng nhận QSDĐ cho anh Chung và anh Tạo.

Hồ sơ thiếu những tài liệu quan trọng như biên bản chia tách đất…, sai về cơ bản trong quá trình kê khai, công nhận cả đơn mang tên người đã chết, chấp nhận cho người mất năng lực hành vi dân sự và không có người giám hộ hợp pháp tham gia vào… làm căn cứ chia tách hồ sơ thửa đất để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người không có quyền lợi ích liên quan, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các thành viên trong gia đình bà Mão, đẩy những người này vào chốn pháp đình với một vụ kiện kéo dài hơn một thập kỷ, gây tốn kém và lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc của rất nhiều người.
 

Lẽ ra, hành vi sai trái này của UBND xã Đông Mỹ cần phải được xem xét và làm rõ cũng như cũng phải bị liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những mất mát mà gia đình bà Mão phải chịu trong suốt thời gian theo kiện vụ án này. Tuy nhiên tại công văn số 310/CV/UB ngày 10/4/2003 UBND huyện Thanh Trì lại bao che cho hành vi sai trái của cấp dưới khi khẳng định việc cấp 2 Giấy chứng nhận QSDĐ này là không sai.

Kết luận này đã bị bản án số 304/DSPT bác bỏ: “Trả lời trên của UBND huyện Thanh Trì (tại công văn nói trên) là không đúng, do quá quan liêu không cử cán bộ xem đất tại thôn 5 xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì có phải là của anh Tạo và anh Chung hay không, thực tế khách quan là của mẹ con bà Mão gồm bà Mão, anh Tạo và chị Nhung, bà Mão, chị Nhung không đồng ý cho anh Tạo sử dụng thì làm sao chính quyền cấp giấy cho anh Tạo. Anh Chung không làm đơn xin cấp giấy sử dụng đất, anh Tạo viết hộ và nhờ người ký hộ tên cho anh Chung: xã, huyện không xác minh, cứ thế cấp (anh Chung tâm thần địa phương không biết, giả sử đất là của anh Chung thì người giám hộ phải làm đơn thay cho anh Chung mới đúng pháp luật” (trang 8).

Kết luận tại công văn số 310/CV/UB tiếp tục được khẳng định là sai phạm trong báo cáo số 404/BCTN-MT của Phòng Tài nguyên và môi trường ngày 12/8/2013: “Xác định việc kê khai thửa đất mang tên anh Nguyễn Văn Chung và anh Nguyễn Văn Chung đã được UBND huyện Thanh Trì cấp giấy chứng nhận ngày 15/9/1994 là không đúng với trình tự, quy định tại Thông tư hướng dẫn số 302/RĐ-ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục địa chính”.

Ngoài ra, công văn số 2424/UBND-TNMT ngày 12/8/2013 của UBND huyện Thanh Trì cũng đã khẳng định: “Việc kê khai lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ đất của UBND xã Đông Mỹ cho ông Nguyễn Văn Chung còn có sai sót và không đúng với trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư hướng dẫn 302/RĐ-ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục địa chính.”

Như vậy, qua quá trình xác minh trên thực tế cũng như tại các phiên tòa đã làm rõ được sự thực: do nhận thức pháp luật còn hạn chế và cách suy nghĩ quá đơn giản anh Tạo đã tự ý lập hồ sơ chia tách thửa đất số 142 thành hai thửa với mục đích sẽ tránh được việc đóng nhiều thuế đối với phần diện tích đất này, do vậy hồ sơ xin kê khai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với hai thửa đất 142 và 209 là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Khi tranh chấp xảy ra, trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng, anh Tạo đã hiểu rõ được việc làm sai trái của mình nên đã tự nguyện trả lại nhà đất cho bà Mão và tự nguyện nộp lại Giấy chứng nhận QSDĐ cấp trái pháp luật cho Phòng tài nguyên môi trường huyện Thanh Trì. Tại các phiên tòa, anh Tạo vẫn luôn giữ nguyên quan điểm của mình và đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ cấp trái pháp luật cho anh Chung.
 
Có nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ trong phiên tòa ngày 26/8/2013
Có nhiều dấu hiệu bất thường cần làm rõ trong phiên tòa ngày 26/8/2013

Tuy nhiên với bản án 206, HĐXX đã không cho anh Tạo quyền được trả lại Giấy chứng nhận QSDĐ cấp sai pháp luật, đồng nghĩa với việc không cho anh Tạo được có cơ hội để sửa chữa sai lầm của mình đối với người mẹ đã nuôi nấng, chăm sóc anh suốt cả cuộc đời, kể cả khi mẹ anh đã là người thiên cổ. Sau bao năm đi lại chốn pháp đình anh Tạo đã thực sự thấu hiểu và xót xa với những nỗi oan ức mà mẹ anh đã mang theo về nơi chín suối khi bản án số 206 nhất quyết công nhận anh và anh Chung được quyền sở hữu 02 Giấy chứng nhận QSDĐ cấp trái pháp luật năm 1994.

Liên quan đến việc công nhận hay không công nhận tính hợp pháp của 2 Giấy chứng nhận QSDĐ trên, các bản án đều khẳng định 2 Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp sai pháp luật, đặc biệt hơn nữa, chính cơ quan ban hành ra 2 Giấy chứng nhận QSDĐ này cũng đã thừa nhận việc cấp này là bất hợp pháp, có sai phạm nghiêm trọng đã thể hiện ở báo cáo số 404/BCTN-MT của Phòng Tài nguyên và môi trường UBND huyện Thanh Trì ngày 12/8/2013 và công văn số 2424/UBND -TNMT ngày 12/08/2013 của UBND huyện Thanh Trì như đã nói ở phần trên. Vậy mà không hiểu căn cứ vào đâu, HĐXX phiên tòa DSPT ngày 26/8/2013 lại tuyên công nhận tính hợp pháp của 2 Giấy chứng nhận QSDĐ này.

Như phân tích đã nêu ở các bài báo trước, toàn bộ diện tích đất hiện đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng bà Mão và cho đến bây giờ thì thuộc quyền sở hữu hợp pháp của những người thừa kế của ông bà. Có thể thấy, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ năm 1994 là hoàn toàn vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của gia đình bà Mão bởi các bản án trước đó đã liên tục khẳng định những sai phạm này.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Trì và Phòng Tài nguyên & Môi trường cũng đã phủ nhận tư cách pháp lý của 2 Giấy chứng nhận QSDĐ nói trên. Vì vậy, cần phải bị tuyên hủy và cấp lại cho bà Mão và những đồng thừa kế khác, nhưng bản án 206 lại cố tình thừa nhận một việc làm sai trái đã được chứng minh trong thực tiễn trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm