Hà Nội:

Bài 1: Nguy cơ "chìm xuồng" vụ đền bù 78 tỷ đồng "nhầm" đối tượng

(Dân trí) - Sau khi GPMB tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), số tiền đền bù cho 37 hộ dân bị thu hồi đất là 78 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là toàn bộ số tiền không được giao trả đúng địa chỉ mà bị "hô biến" vào tài khoản công ty khác.

Thu hồi đất 37 hộ dân, trả 78 tỷ đồng bồi thường vào tài khoản...công ty

Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của 37 hộ dân trước đây là cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118 tại xã Cổ Nhuế - Từ Liêm (Hà Nội) gửi báo điện tử Dân trí khiếu nại, tố cáo về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc mở đường số 4 vào khu đô thị Tây Hồ Tây có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.

Sự việc tưởng như chuyện đùa khi năm 2008, 37 hộ dân thực hiện đúng chủ trương của UBND TP Hà Nội bàn giao toàn bộ diện tích đất ở để xây dựng tuyến đường số 4, Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Số tiền bồi thường 37 hộ dân nhận được theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội là 78 tỷ đồng. Thế nhưng, toàn bộ số tiền này không được trả cho các hộ dân mà "bỗng dưng" rơi vào tài khỏan của Công ty CP 118. Sự việc sai phạm rõ như ban ngày nhưng suốt nhiều năm trời hàng chục hộ dân lũ lượt kéo nhau gửi hàng trăm đơn thư khiếu nại, kêu cứu khẩn cấp tới nhiều cơ quan chức năng mà chỉ nhận được sự lảng tránh, đùn đẩy trách nhiệm của nhiều cơ quan nhà nước.

 37 hộ dân nguy
 37 hộ dân nguyên là cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118 tại xã Cổ Nhuế - Từ Liêm (Hà Nội) khiếu nại, tố cáo về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc mở đường số 4 vào khu đô thị Tây Hồ Tây có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.

Theo đơn kêu cứu, ông Trần Thuân, trú tại số 4, ngõ 16/1 phố Thái Hà - Đống Đa (Hà Nội), đại diện cho 37 hộ gia đình, ngày 2/5/1994 cho biết UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1057/QĐ-UB về việc giao quyền sử dụng đất cho Công ty Công trình giao thông 118 (Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông I - Bộ Giao thông Vận tải) 5.800m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Ngay sau khi có quyết định giao đất, Công ty Công trình giao thông 118 đã thu của 37 hộ gia đình là CBCNV đóng góp tổng số tiền là 3.096.000.000 đồng nộp cho Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng.

Ban Lãnh đạo Công ty Công trình giao thông 118 đã phân đất cho 37 hộ đã đóng tiền, sau đó các hộ đều đã xây dựng nhà và ăn ở ổn định không xảy ra tranh chấp suốt từ năm 1995 đến nay.

Ngày 18/2/2008, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 692/QĐ-UBND do ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký về việc thu hồi 72,927m2 đất tại xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, giao cho Ban Quản lý và đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội để xây dựng tuyến đường số 4, Khu đô thị Tây Hồ Tây (trong quyết định này có thu hồi toàn bộ diện tích của Công ty Công trình giao thông 118 và diện tích nhà, đất của 37 hộ dân nói trên).

Quyết định số 692 nêu rõ: "Điều 2: UBND huyện Từ Liêm có trách nhiệm quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân bàn giao cho Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội theo quy định. Điều 3:...Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội có trách nhiệm liên hệ với UBND huyện Từ Liêm để thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tổ chức bồi thường hỗ trợ người đang sử dụng đất bị thu hồi theo quy định".

Tuy nhiên, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty Cổ phần 118.

Đơn kêu cứu của các hộ dân gửi báo Dân trí.
Đơn kêu cứu của các hộ dân gửi báo Dân trí.

Sự việc phi lí đầy khuất tất này mâu thuẫn ngay tại Giấy xác nhận của Công ty CP 118 gửi Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông I ngày 18/8/2010 khẳng định: "Nguồn tiền sử dụng để nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất của công ty tại xã Cổ Nhuế là tiền của cán bộ công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, Công ty công trình giao thông 118 (nay là công ty CP 118) không đưa giá trị ô đất của công ty thuộc xã Cổ Nhuế vào giá trị doanh nghiệp''.

Như vậy, rõ ràng diện tích đất 37 hộ dân đang sử dụng trước khi bị thu hồi không hề liên quan đến quyền sở hữu của Công ty CP 118. Vậy nhưng hơn 78 tỷ đồng tiền bồi thường cho 37 hộ dân đã "bỗng dưng" rơi vào tài khoản công ty.

Hậu quả là ngay sau đó, khi Công ty Công trình giao thông 118 cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Alphanam đã mua toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần 118. Đến cuối năm 2010 đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Alphanam. Và 37 hộ dân bị th hồi đất "khóc ròng" kêu cứu suốt mấy năm nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ.

37 hộ dân đau đáu "ngóng" kết luận của Thanh tra Chính phủ

Đơn kêu cứu của các hộ dân gửi báo Dân trí.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra kiểm tra nội dung khiếu nại, phản ánh của các hộ gia đình là cán bộ công nhân viên Công ty CP 118 với thời hạn thanh tra 40 ngày.

Trước đơn kêu cứu liên tiếp gửi các cơ quan chức năng về sự việc của hàng chục hộ dân, ngày 23/3/2012, Văn phòng chính phủ đã có công văn số 1912/VPCP-KNTN gửi Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội với nội dung giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra nội dung khiêu nại, phản ánh của ông Trần Thuân và 37 hộ gia đình tại xã Cổ Nhuế - Từ Liêm, kiến nghị biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2012.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, ngày 27/4/2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1023/QĐ-TTCP quyết định thành lập đoàn thanh tra kiểm tra nội dung khiếu nại, phản ánh của các hộ gia đình là cán bộ công nhân viên Công ty CP 118 với thời hạn thanh tra 40 ngày.

Sáng 5/6/2012, Thanh tra chính phủ đã có buổi làm việc với ông Trần Thuân và đại diện các hộ gia đình có đơn khiếu nại, tiếp nhận toàn bộ ý kiến khiếu nại, phản của các hộ dân về việc bị chiếm đoạt số tiền bồi thường hơn 78 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài đằng đẵng chờ đợi việc được giải quyết, 37 hộ gia đình bị thu hồi đất vẫn chưa nhận được hồi âm giải quyết vấn đề từ một cơ quan chức năng có thẩm quyền nào.

Hà Nội: Nguy cơ chìm xuồng vụ đền bù 78 tỷ đồng nhầm đối tượng
Giấy xác nhận của Công ty CP 118 gửi Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông I khẳng định: "Nguồn tiền sử dụng để nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất của công ty tại xã Cổ Nhuế là tiền của cán bộ công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp''. 

Trong khi đó, sự việc gần như đã được đưa ra "ánh sáng" khi Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có công văn số 169/VPBCĐ-VIV ngày 22/4/2011 gửi trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội về Phòng chống tham nhũng nêu rõ:

"Việc chỉ đạo giải quyết theo đề xuất của Sở TN&MT không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 là không phù hợp vì nguồn gốc số tiền bồi thường hỗ trợ tiền sử dụng đất là tiền của các hộ gia đình đóng. Công ty CP 118 là một pháp nhân mới, hoàn toàn không phải là đối tượng thụ hưởng, không có trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình.

Thêm nữa, sau khi chuyển số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vào tài khoản, Công ty CP 118 có văn bản số 352/VP xác định rõ: Số tiềnbồi thường, hỗ trợ trên có nguồn gốc từ tiền nộp thuế sử dụng đất của cán bộ, công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp, khi cổ phần hóa không đưa giá trị lô đất vào doanh nghiệp".

Vậy mà, sau nhiều năm, 37 hộ gia đình chạy đôn chạy đáo khi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi, số tiền hơn 78 tỷ đồng lẽ ra họ được bồi thường để ổn định cuộc sống sau khi bàn giao đất cho TP Hà Nội làm dự án vẫn "bặt vô âm tín".

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế