Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Bài 1: Cụm dân cư vật lộn trong cảnh ô nhiễm, xú uế giữa thủ đô
(Dân trí) - Mưa xuống khu dân cư “chìm nghỉm” trong nửa mét nước thải, ngày nắng nóng ai có việc ra sân đều phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc nồng nặc do nước bể phốt dềnh ứ lâu ngày, đó là tình cảnh 12 hộ dân số 146 Quán Thánh phải chịu đựng gần 2 năm qua.
Gần 100 con người học cách “sống chung” nước thải
Thời gian qua, người dân đang sinh sống tại cụm dân cư 146 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng phản ánh: Từ tháng 7/2013 cho đến nay, 12 hộ dân tại số nhà phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng do đường thoát nước thải sinh hoạt có nhiều chục năm của khu dân cư chảy ra hệ thống thoát nước ở phố Đặng Dung có dấu hiệu bị chặn lại. Do không có đường thoát, khi mưa xuống cả khu dân cư chìm sâu trong nước thải, nước bể phốt khiến nhiều người phải bỏ nhà thuê nơi ở khác. Trong gần 2 năm “chìm nghỉm” trong ô nhiễm, cụm dân cư đã gửi hàng chục lá đơn kêu cứu đến UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình và TP. Hà Nội, nhưng đến nay chưa được “giải cứu”.
Nội dung đơn của cụm dân cư 146 Quán Thánh cho biết, nhà 146 Quán Thánh có nguồn gốc là một biệt thự rộng hơn 300m2xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhà chỉ có một đường cống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình, rồi đổ thẳng vào cống thoát nước lớn ở phố Đặng Dung.Qua nhiều chục năm sử dụng, hệ thống thoát nước vẫn hoạt động ổn định, không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng. Tuy nhiên, từ tháng 7/2013, cả khu dân cư bất ngờ chìm trong nước thải chỉ sau một trận mưa nhỏ. Theo tường trình của người dân, khi kiểm tra sơ bộ, các hộ dân phát hiện cống thoát nước từ nhà 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung, đoạn qua nhà ông Nguyễn Xuân Minh (số 5 Đặng Dung) có dấu hiệu bị chặn lại.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, các hộ dân đã có đơn gửi UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm, nhưng sau gần 2 năm chờ đợi người dân tại 146 Quán Thánh vẫn ngày ngày phải vật lộn trong cảnh ô nhiễm, xú uế, đi kèm là những rủi ro khó lường về sức khỏe. Trên thực tế, rất nhiều trẻ em của khu dân cư đã bị bệnh ngoài da, tiêu chảy vì sống trong cảnh ô nhiễm kéo dài.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, nếu trời không mưa mực nước thải sinh hoạt ứ đọng ở sân chung và lối đi sâu 20 - 30cm vì không có đường thoát. Khi trời mưa, nước có thể dâng cao đến 50cm và tràn vào hầu hết tầng 1 các nhà. Do nước thải dồn ứ lâu ngày nên cả khu dân cư luôn chìm trong bầu không khí ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Để đi lại, các hộ dân phải mua gạch xếp làm lối đi tạm, nhưng mỗi khi mưa xuống tất cả vẫn phải bì bõm lội trong nước thải. Hàng ngày nhiều người phải đi vệ sinh bằng bô, do bể phốt bị dềnh ứ không thể sử dụng nhiều tháng qua.
Ông Tuấn cho biết thêm, “giải pháp “giải cứu” duy nhất mà UBND quận Ba Đình và phường Quán Thánh áp dụng chỉ là thuê xe bồn của Công ty thoát nước đến hút nước thải, sau đó lắp đặt máy bơm để người dân tự bơm nước thải ra mặt phố Quán Thánh. Trong khi vấn đề cấp bách là phải kiểm tra, xử lý, khôi phục lại hệ thống thoát nước chung đang có dấu hiệu bị nhà số 5 Đặng Dung bịt lại thì không được thực hiện nghiêm túc...”.
Bà Nguyễn Thị Tư sống tại số 146 Quán Thánh nhiều chục năm trình bày, “trong năm 2014, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã đến kiểm tra thực tế và hứa sẽ “giải cứu” người dân tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay tình hình chưa được cải thiện. UBND quận và phường đã 3 lần tổ chức lực lượng đến cưỡng chế, kiểm tra hệ thống thoát nước ngầm nhằm tìm ra nguyên nhân, nhưng khi gặp phải phản ứng của hộ ông Minh (nhà số 5 Đặng Dung) thì lại rút lui...”.
Chủ nhà bị “tố” chặn cống ngăn cản, chính quyền các cấp bất lực?
Để làm rõ vụ việc trên, ngày 5/3/2015, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Bùi Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh. Trao đổi với PV, ông Xuân xác nhận, trước ngày 26/7/2013, tại số nhà 146 Quán Thánh không xảy ra tình trạng ứ đọng nước thải. Sau khi người dân có đơn kiến nghị nước thải ứ đọng, phường Quán Thánh đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, lên phương án khắc phục. Tuy nhiên, đến nay Phó Chủ tịch phường Quán Thánh cũng thừa nhận chưa thể giải quyết triệt để do những vướng mắc về pháp lý.
Ông Xuân cho biết, sau khi người dân phản ánh hộ ông Minh có dấu hiệu chặn cống thoát nước chung dẫn đến ô nhiễm, UBND phường đã mời các hộ dân ra làm việc, nhưng ông Minh khẳng định không có cống thoát nước nối từ số 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung. Đồng thời, ông Minh tuyên bố sẽ không tạo điều kiện cho việc xác định nguyên nhân tắc cống trong phạm vi nhà đất đã được cấp sổ đỏ của gia đình. Theo giải thích của ông Xuân, đây là vụ việc phức tạp vượt quá thẩm quyền nên UBND phường phải xin ý kiến chỉ đạo của quận Ba Đình. Trước mắt, các hộ dân vẫn phải khắc phục bằng cách sử dụng máy bơm phường trang bị bơm nước thải ra đường Quán Thánh.
Theo tài liệu PV thu thập được, cho đến nay, UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình đã 3 lần lên kế hoạch kiểm tra hệ thống cống thoát nước thải nhằm truy tìm nguyên dân dẫn đến tình trạng ứ đọng ở số 146 Quán Thánh. Tuy nhiên, việc kiểm tra luôn bị dừng phút chót do hộ gia đình số 5 Đặng Dung thuê một số người xưng là thương binh tập trung phản đối. Sự việc trên đều được ghi rõ trong các văn bản UBND phường Quán Thánh báo cáo Quận ủy, UBND quận Ba Đình.
Trong lúc UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý, 12 hộ dân đang sinh sống tại địa chỉ 146 Quán Thánh vẫn tiếp tục phải học cách “sống chung” với nước thải và bầu không khí ô nhiễm, xú uế giữa thủ đô.
Dưới đây là những hình ảnh ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài ở số 146 Quán Thánh:
Người dân phải xếp gạch, gỗ làm đường đi tạm
Các hộ dân cho rằng tình trạng ứ đọng nước thải có nguyên nhân do hệ thống cống thoát ra phố Đặng Dung bị chặn lại.
Khu bếp của nhiều gia đình bị ngập úng nghiêm trọng không thể sử dụng
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương