Bài 6:
Bắc Giang: Mang đất của dân “biếu” doanh nghiệp, chủ tịch huyện phạm luật thế nào?
(Dân trí) - Cùng với những “mập mờ” khi đồng thời ban hành 03 Quyết định về thu hồi đất, cho thuê đất và bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong cùng một ngày, việc các hộ dân không được biết về việc thu hồi đất, không được kiểm đếm tài sản và nhận tiền bồi thường khi thu hồi đất nhưng vẫn có chữ ký trên các giấy tờ để UBND huyện Lạng Giang biến hàng nghìn m2 đất của dân thành sổ đỏ cho doanh nghiệp là rất bất thường.
Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến khiếu nại của các hộ dân thuộc xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho Công ty Anh Đào thuê đất và khi hết thời hạn thuê đất, toàn bộ diện tích đất của các hộ chưa kịp lấy về khi hết thời hạn cho doanh nghiệp thuê thì được biết diện tích đất canh tác của các hộ đã được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) cho doanh nghiệp. Trong quá trình đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ vụ việc, các hộ dân đã phát hiện ngày 29/12/2003, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang đã ký ban hành Quyết định số 3155/QĐ/CT về việc thu hồi đất cho ông Dương Ngọc Đào thuê đất.
Vậy việc thu hồi đất của chính quyền huyện Lạng Giang theo Quyết định thu hồi đất trên của Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang có đúng với quy định của pháp luật hay không?
Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho biết: Có rất nhiều điểm chưa rõ ràng trong quá trình trước và sau khi Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang ban hành Quyết định số 3155 về việc thu hồi đất, và việc thu hồi đất của các hộ đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về thẩm quyền, quy trình cũng như thủ tục thu hồi đất, cụ thể như sau:
Một là, về căn cứ thu hồi đất:
Tại Điều 26, Điều 27 Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 1998, 2001 quy định về việc thu hồi đất như sau:
“Điều 26. Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau đây:
1- Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm nhu cầu sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này; cá nhân sửdụng đất đã chết mà không có người được quyền tiếp tục sử dụng đất đó;
2- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao;
3- Đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép;
4- Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
5- Đất sử dụng không đúng mục đích được giao;
6- Đất được giao không theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này.
Điều 27.
1. Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được bồi thường hoặc hỗ trợ. Việc bồi thường hoặc hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”.
Việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được hướng dẫn cụ thể tại Điều 1 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP như sau:
“1. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định này là đất được xác định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai và được quy định chi tiết tại Nghị định số 09/CP ngày 12/02/1996 của Chính phủ về chế độ quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
2. Đất sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng gồm:
a) Đất sử dụng xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước, sông, hồ, đê, đập, kênh mương và các hệ thống công trình thuỷ lợi khác, trường học, cơ quan nghiên cứu khoa học, bệnh viện, trạm xá, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, cơ sở huấn luyện thể dục thể thao, nhà thi đấu thể thao, sân bay, bến cảng, bến tàu, bến xe, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu an dưỡng;
b) Đất sử dụng xây dựng nhà máy thuỷ điện, trạm biến thế điện, hồ nước dùng cho công trình thuỷ điện, đường dây tải điện, đường dây thông tin, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí, đài khí tượng thuỷ văn, các loại trạm quan trắc phục vụ việc nghiên cứu và dịch vụ công cộng, kho tàng dự trữ quốc gia;
c) Đất sử dụng xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
d) Đất sử dụng xây dựng các công trình thuộc các ngành và lĩnh vực sự nghiệp về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, và các lĩnh vực sự nghiệp kinh tế khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
đ) Đất do tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng cho dự án sản xuất kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp , khu công nghệ cao, khu vui chơi giải trí, khu du lịch và các dự án đầu tư khác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật;
e) Đất sử dụng cho dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư tập trung và các khu dân cư khác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định;
g) Đất sử dụng cho công trình công cộng khác và các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
h) Đất sử dụng xây dựng các công trình phục vụ công ích và công cộng khác không nhằm mục đích kinh doanh của địa phương do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.”
Xét trong trường hợp ở đây, việc thu hồi đất của Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là để nhằm mục đích xây dựng nhà xưởng cho Công ty Anh Đào (giao cho tổ chức khác để thực hiện việc xây dựng nhà xưởng) và chỉ căn cứ trên Tờ trình của UBND xã Đào Mỹ (Tờ trình đề nghị thu hồi đất và cho ông Đào thuê đất), ý kiến của trưởng phòng Địa chính - Nông nghiệp huyện. Như vậy, nếu đối chiếu theo quy định trên thì việc thu hồi đất của Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang là không đúng với các quy định của pháp luật về căn cứ thu hồi đất, vì việc thu hồi đất để giao cho cá nhân xây dựng nhà xưởng không thuộc bất cứ trường hợp thu hồi đất nào ở trên.
· Hai là, về thẩm quyền thu hồi đất:
Tại Điều 28 Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 1998 và 2001 quy định về thẩm quyền thu hồi đất như sau: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó.”
Và theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Luật Đất đai thì thẩm quyền giao đất thuộc về Chính phủ, UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Như vậy, Chính phủ và UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện là các cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất.
Xem xét đối với Quyết định số 3155/QĐ/CT ngày 29/12/2003 thì việc thu hồi đất để giao cho ông Dương Ngọc Đào xây dựng Xưởng sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ mộc dân dụng là Quyết định của chủ tịch UBND huyện. Theo quy định tại Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND các cấp năm 1994 thì chủ tịch UBND các cấp thì chủ tịch UBND chỉ được thay mặt UBND quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND. Do đó, việc Chủ tịch UBND ban hành quyết định thu hồi đất (với tư cách cá nhân chủ tịch UBND huyện) như trường hợp ở đây là trái với quy định của pháp luật về thẩm quyền thu hồi đất.
Ba là về trình tự, thủ tục thu hồi đất:
Căn cứ theo quy định tại Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 1998, 2001, quy định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc thu hồi đất của người sử dụng đất đang sử dụng đất (thu hồi đất theo Điều 27 Luật Đất đai năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung) phải tuân theo quy trình, thủ tục như sau:
Bước 1: Có văn bản của UBND có thẩm quyền về việc chấp thuận, phê duyệt dự án đầu tư của chủ đầu tư;
Bước 2: Thông báo cho người sử dụng đất về việc thu hồi đất; Tiến hành kiểm kê tài sản, công trình trên đất…
Bước 3: Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ.
Bước 4: Ban hành quyết định về việc thu hồi đất; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
Bước 5: Tiến hành chi trả bồi thường và nhận bàn giao đất từ người sử dụng đất.
Bước 6: Cưỡng chế bàn giao đất nếu người sử dụng đất không bàn giao đất: Trong trường hợp phương án bồi thường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được công bố công khai và có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật mà người bị thu hồi đất không thực hiện quyết định thu hồi đất thì cơ quan quyết định thu hồi đất có quyền ra quyết định cưỡng chế.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: "Trong 1 ngày, UBND huyện Lạng Giang ban hành 3 quyết định hợp thức hoá đất của dân cho doanh nghiệp trái luật và trái thẩm quyền".
Xét đối với trường hợp của các hộ dân tại Lạng Giang: theo thông tin từ các hộ có thể thấy rằng việc thu hồi đất của các hộ còn nhiều mập mờ và đã vi phạm trình tự, thủ tục nêu trên cụ thể như sau:
Năm 2003 là năm các hộ cho ông Đào thuê đất đồng thời cũng là năm có quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang. Tại quyết định thu hồi đất cũng nêu rõ: “Thu hồi 7.131m2 đất nông nghiệp giao 20 năm của 30 hộ gia đình tại xã Đào Mỹ...”. Tuy nhiên, các hộ vẫn đinh ninh gia đình mình đang cho doanh nghiệp thuê đất với thời hạn 10 năm và kết thúc thời hạn cho thuê đất, các hộ đã có đơn từ đề nghị hoàn trả lại đất. Thực tế, các hộ cũng không nhận được bất cứ khoản tiền đền bù nào khi bị thu hồi đất theo Quyết định thu hồi đất năm 2003.
Điều này cho thấy rằng các hộ không được biết về Quyết định thu hồi đất số 3155, đồng nghĩa với việc việc thu hồi đất đã không tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, vì trong trường hợp việc thu hồi đất được thực hiện theo đúng quy trình trên thì các hộ phải được biết diện tích đất mình đang sử dụng tại thời điểm đó thuộc trường hợp nhà nước thu hồi và sẽ được bàn giao dứt điểm cho cơ quan Nhà nước, chứ không phải sau này được nhận lại như trường hợp ký hợp đồng cho ông Đào thuê đất (diện tích đất thu hồi phải được người sử dụng đất bàn giao, giải phóng mặt bằng trước khi giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, nếu người sử dụng đất không bàn giao phải bị cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật).
Theo thông tin từ ông Trần Huy Chương - Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, Bắc Giang thì thời điểm thu hồi đất, UBND huyện Lạng Giang đã lập phương án bồi thường và di dời giải phóng mặt bằng khu đất 1 ha của người dân. Tuy nhiên, sự việc không công khai với người dân. Bên cạnh đó, các hộ cũng khẳng định không ký vào các văn bản kiểm kê tài sản, kiểm đếm hoa màu, bồi thường giải phóng mặt bằng. Như vậy, nếu thực chất sự việc đúng như thông tin mà các hộ đã cung cấp thì quá trình thu hồi đất đã có sai phạm nghiêm trọng so với các quy định của pháp luật và có dấu hiệu của việc giả mạo hồ sơ, giấy tờ.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ các hộ thì các hộ không tự tay ký vào giấy tờ về việc nhận tiền đền bù. Do đó, có thể thấy rằng việc thu hồi đất của các hộ tại xã Đào Mỹ theo Quyết định số 3155 đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về thu hồi đất.
Rõ ràng, cùng với những “mập mờ” khi đồng thời ban hành 03 Quyết định về thu hồi đất, cho thuê đất và bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong cùng một ngày, việc các hộ dân không được biết về việc thu hồi đất, không được kiểm đếm tài sản và nhận tiền bồi thường khi thu hồi đất nhưng vẫn có chữ ký trên các giấy tờ là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Thực tế các hộ dân đã nhận tiền thu hồi đất hay chưa? Chữ ký tại hồ sơ, giấy tờ về việc kiểm đếm tài sản, nhận tiền đền bù là chữ ký thật của người dân hay là chữ ký đã bị giả mạo? Có hay không việc chiếm đoạt tài sản là khoản tiền bồi thường khi bị thu hồi đất của các hộ dân? Bằng cách nào mà từ việc ký hợp đồng thuê đất và nhận tiền thuê đất của doanh nghiệp nay lại trở thành bị thu hồi đất từ hơn chục năm trước? Đây là các vấn đề mà các cơ quan chức năng cần làm rõ để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân đều phải thực thi đúng chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; đồng thời tránh việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và an ninh trật tự của địa phương.
Trả lời của Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Nghĩa khiến những người dân bỗng dưng mất đất phẫn nộ.
Thời điểm UBND huyện Lạng Giang ban hành 3 quyết định trong 1 ngày để hợp thức hoá đất của dân cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường đang giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang. Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Cường chuyển lên giữ cương vị Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang.
Hiện nay, cương vị Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang do ông Nguyễn Văn Nghĩa đảm nhiệm.
Trước đó, Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Đình Hoan - Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Vụ việc xảy ra từ năm 2003, vấn đề là phải xác định rõ là thời điểm đó nhà nước thu hồi đất chứ không phải giao đất, không phải thoả thuận. Khi người dân có ý kiến như vậy, UBND huyện Lạng Giang đã thành lập đoàn kiểm tra. Trong mấy chục hộ, những người có ý kiến, tổ kiểm tra mời hợp tác làm việc thì họ lại không hợp tác.
Có câu chuyện ký khống, giả mạo chữ ký của dân hợp thức hoá đất cho doanh nghiệp hay không, UBND huyện Lạng Giang đang làm rõ. Việc này sẽ mời cơ quan công an vào cuộc để giám định chữ ký”.
Về việc, trong một ngày, UBND huyện Lạng Giang ra 3 quyết định hành chính cho doanh nghiệp để toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này không cần giải phóng mặt bằng, không cần đền bù cho người dân, chỉ là đất ông chủ doanh nghiệp đi thuê lại tạm thời của người dân đã đường đường chính chính được cấp sổ đỏ, biến thành đất của mình, ông Hoan cho biết khi nào có kết luận chính thức, UBND huyện Lạng Giang sẽ có thông tin đến báo Dân trí.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Quỳnh Nga