Bài 3:

"Phù phép" đất của dân thành sổ đỏ cho doanh nghiệp: Con voi chụi lọt lỗ kim?

(Dân trí) - Trong vụ việc này có thể thấy một điểm rất bất hợp lý là người dân vẫn đang có sổ đỏ đã được cấp cho mình trong tay, nhưng Công ty Anh Đào lại cũng có sổ đỏ đối với chính phần diện tích đất này. Vậy là trên cùng một diện tích đất đã có sự xác lập tới hai quyền sở hữu quyền sử dụng đất?

Bắc Giang: Đất của dân được “phù phép” ra sổ đỏ cho doanh nghiệp? (Vtv.vn)

“Phù phép” đất của dân cho doanh nghiệp

Như Dân trí đã phản ánh, liên quan đến việc một số hộ dân tại xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang - Bắc Giang cho doanh nghiệp thuê đất làm cơ sở chế biến gỗ, giờ đây gần 1ha đất lúa của hàng chục hộ dân xã Đào Mỹ “bỗng dưng” thuộc về Công ty Đào Mỹ do ông Dương Văn Đào làm giám đốc. Trong quá trình gửi đơn từ đi các cơ quan chức năng đề nghị bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp của công dân, người dân xã Đào Mỹ đã phát hiện ra một loạt giấy tờ giả mạo được dựng lên dùng để hợp thức hóa cho việc chuyển chủ diện tích đất nói trên.

Vậy tại sao giao dịch thuê đất lại trở thành giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quá trình cho thuê đất liệu có sai phạm nào hay không và trách nhiệm của chính quyền trong quá trình “phù phép giấy tờ” để chuyển đất của dân thành đất của doanh nghiệp ra sao?


Đất của hơn 30 hộ dân bị phù phép thành sổ đỏ cho doanh nghiệp sau 10 năm người dân cho doanh nghiệp thuê đất.

Đất của hơn 30 hộ dân bị "phù phép" thành sổ đỏ cho doanh nghiệp sau 10 năm người dân cho doanh nghiệp thuê đất.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật tại thời điểm các hộ cho thuê đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất chỉ được cho cá nhân, tổ chức khác thuê đất trong một số trường hợp nhất định và phải tiến hành theo đúng thủ tục luật định. Cụ thể như sau:

Về điều kiện để hộ gia đình, cá nhân cho doanh nghiệp thuê đất:

Tại Điều 78, 78a, 78đ Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2001 (sau đây gọi tắt là Luật Đất đai 1993); Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định 17/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 79/2001/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản được cho thuê đất khi có một trong các điều kiện sau:

+ Hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn;

+ Chuyển sang làm nghề khác nhưng chưa ổn định;

+ Thiếu sức lao động.

Thời hạn cho thuê đất trong trường hợp này do các bên thoả thuận nhưng không quá 03 năm. Trường hợp đặc biệt khó khăn được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì thời hạn cho thuê được kéo dài nhưng không quá 10 năm.

Về trình tự, thủ tục cho thuê đất:

Bước 1: Ký hợp đồng cho thuê đất.

Hợp đồng thuê đất phải được lập theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 1883/2001/TT-TCĐC của Tổng cục địa chính trong đó Hợp đồng thuê đất phải có xác nhận của UBND cấp xã.

Bước 2: Nộp hồ sơ thuê đất tại UBND cấp xã nơi có đất.

Hồ sơ thuê đất gồm có:

+ Hợp đồng thuê đất;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Sơ đồ thửa đất (trích lục bản đồ thửa đất hoặc trích đo trên thực địa);

+ Chứng từ nộp tiền thuê đất (trong trường hợp được thuê đất).

Bước 3: Thẩm tra hồ sơ và xác nhận vào Hợp đồng thuê đất.

Bước 4: Bên cho thuê đất, cho thuê lại đất đăng ký việc cho thuê đất tại cơ quan có thẩm quyền. Thủ tục đăng ký được tiến hành theo quy định tại Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC.

Đối với trường hợp cho thuê đất của các hộ tại Lạng Giang - Bắc Giang có thể thấy một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về điều kiện và thời hạn cho thuê đất:

Theo quy định trên thì các hộ chỉ được cho thuê đất khi có một trong ba điều kiện đó là hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn hoặc chuyển sang làm nghề khác nhưng chưa ổn định hoặc thiếu sức lao động. Bên cạnh đó, trong trường hợp cho thuê đất với thời hạn từ 03-10 năm thì phải được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận đây là trường hợp đặc biệt khó khăn.

"Phù phép" đất của dân thành sổ đỏ cho doanh nghiệp: Con voi chụi lọt lỗ kim? - 2
"Phù phép" đất của dân thành sổ đỏ cho doanh nghiệp: Con voi chụi lọt lỗ kim? - 3

Trong một ngày, UBND huyện Lạng Giang ra 3 quyết định hành chính cho doanh nghiệp để toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không cần giải phóng mặt bằng, không cần đền bù cho người dân, chỉ là đất ông chủ doanh nghiệp đi thuê lại tạm thời của người dân đã đường đường chính chính được cấp sổ đỏ.

Trong một ngày, UBND huyện Lạng Giang ra 3 quyết định hành chính cho doanh nghiệp để toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không cần giải phóng mặt bằng, không cần đền bù cho người dân, chỉ là đất ông chủ doanh nghiệp đi thuê lại tạm thời của người dân đã đường đường chính chính được cấp sổ đỏ.

Nếu việc các hộ dân cho thuê đất không đảm bảo các điều kiện nêu trên thì việc cho thuê đất là không đúng với các quy định của pháp luật.

Thứ hai, về hồ sơ và trình tự, thủ tục khi cho thuê đất:

Để cho thuê đất thì các hộ buộc phải có GCNQSDĐ. Vì vậy, nếu có hộ nào chưa được cấp GCNQSDĐ mà đã ký kết Hợp đồng cho thuê đất với ông Đào hoặc Công ty Anh Đào thì giao dịch này không đảm bảo điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hợp đồng thuê đất phải được lập theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 1883/2001/TT-TCĐC của Tổng cục địa chính trong đó Hợp đồng thuê đất phải có xác nhận của UBND cấp xã. Nếu không tuân thủ theo quy định này thì giao dịch này vi phạm các quy định pháp luật.

Thứ ba, về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc cho thuê đất của người dân và doanh nghiệp:

Sau khi ký kết hợp đồng cho thuê đất thì các hộ phải nộp hồ sơ tới Cơ quan địa chính để tiến hành thủ tục xác nhận và đăng ký việc thuê đất.

Theo quy định của pháp luật thì UBND cấp xã có thẩm quyền thẩm tra hồ sơ và xác nhận vào Hợp đồng thuê đất được giao kết giữa các bên. Do đó, trường hợp các hộ không đủ điều kiện để cho thuê đất hoặc trong hồ sơ không có đầy đủ giấy tờ để cho thuê đất thì UBND xã Đào Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đã xác nhận một giao kết hợp đồng cho thuê đất không đúng quy định của các hộ dân và Công ty Anh Đào.

Vấn đề trách nhiệm của UBND xã Đào Mỹ cần được các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ bởi trên thực tế, công ty Anh Đào sau khi ký kết Hợp đồng thuê đất với các hộ dân đã tiến hành xây dựng nhà xưởng trên đất, tiến hành các thủ tục để được UBND xã xác nhận và được UBND huyện Lạng Giang cấp GCNQSDD cho doanh nghiệp này. Đây không thể là một việc làm nhỏ không ai biết đến, đặc biệt là UBND cấp xã – đơn vị cơ sở nắm rất rõ những chuyển biến về QSDD trên địa bàn mình quản lý.

Trong vụ việc này có thể thấy một điểm rất bất hợp lý là người dân vẫn đang có GCNQSDD đã được cấp cho mình trong tay, nhưng Công ty Anh Đào lại cũng có GCNQSDD đối với chính phần diện tích đất này. Vậy là trên cùng một diện tích đất đã có sự xác lập tới hai quyền sở hữu quyền sử dụng đất? Việc hy hữu này cũng mới bị phát hiện đã từng xảy ra trên địa bàn xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang, với những tình tiết tương tự, khiến cho đông đảo dư luận không khỏi hồ nghi về những uẩn khúc còn chưa hé lộ phía sau những “màn biễu diễn đặc biệt” có lẽ chỉ có thể có ở vùng đất này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế