Ai là bị hại của Trịnh Văn Quyết?
(Dân trí) - Theo luật sư, những người trực tiếp mua cổ phiếu có được từ hành vi nâng khống vốn của ông Quyết, bất kể họ có bán lại và có lãi hay không, đều có cơ sở để được coi là bị hại trong vụ án.
Như Dân trí đã đưa tin, bào chữa tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) cùng đồng phạm về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho rằng vụ án thực sự chỉ có 133 bị hại, không phải 30.403 người như ghi nhận trong cáo trạng của viện kiểm sát.
Theo luật sư, trong hơn 30.403 người được viện kiểm sát đưa vào danh sách bị hại, nhiều nhà đầu tư trong số này đã bán cổ phiếu ROS đã bán và có lãi. Trích dẫn ngẫu nhiên 5 người, mức lợi nhuận họ thu về từ việc bán cổ phiếu có người lên tới hơn 520 triệu đồng. Do đó, cần xem xét lại danh sách bị hại trong vụ án.
Đối đáp quan điểm trên, đại diện VKSND TP Hà Nội cho biết trong số 430 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 4.300 tỷ đồng được niêm yết, chỉ có hơn 1.100 tỷ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.102 tỷ đồng là vốn khống. Các nhà đầu tư đã bỏ tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại tổng hơn 3.620 tỷ đồng nên cần xác định họ là bị hại trong vụ án.
Nhiều độc giả Dân trí bày tỏ băn khoăn, trong trường hợp này, cần xác định tư cách bị hại của ông Quyết như thế nào?.
Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo khoản 1, Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Như vậy, căn cứ để xác định một người là bị hại trong vụ án hình sự là việc xác định được thiệt hại mà người đó phải gánh chịu trực tiếp bởi hành vi phạm tội gây ra.
Đối với trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, luật sư nhìn nhận theo hồ sơ vụ án, trong số vốn 4.300 tỷ đồng chỉ có hơn 1.100 tỷ đồng là vốn thật, còn lại là vốn khống. Khi đó, để xác định bị hại từ hành vi nâng khống vốn và bán cổ phần ROS cho các nhà đầu tư, cần xác định trong số 430 triệu cổ phiếu đã phát hành ra thị trường, phần nào là cổ phiếu thật và phần nào là cổ phiếu ảo, có nguồn gốc từ hành vi nâng khống vốn của ông Quyết.
Ngoài ra, cần xác định thời điểm những nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là khi nào, có phải trong giai đoạn cựu Chủ tịch FLC nâng khống vốn, bán chui cổ phiếu hay không.
"Trong vụ án này, hành vi gian dối của ông Trịnh Văn Quyết nằm ở việc nâng khống vốn, tạo ra "vốn ảo" nhưng làm cho các nhà đầu tư tưởng là "vốn thật" nên quyết định đầu tư vào cổ phiếu ROS. Thời điểm ông Quyết thực hiện xong hành vi phạm tội là thời điểm các nhà đầu tư khớp lệnh để mua cổ phiếu của cựu Chủ tịch FLC", ông Giáp phân tích.
Đối với việc một số nhà đầu tư có lãi từ việc mua đi, bán lại cổ phiếu ROS, luật sư cho rằng cần tách bạch rõ ràng 2 giao dịch độc lập trong vụ án này, đó là giao dịch mua bán giữa ông Trịnh Văn Quyết với các nhà đầu tư và giao dịch giữa các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu với những nhà đầu tư mua lại.
Đây là 2 giao dịch độc lập, việc các nhà đầu tư bán lại và có lãi không liên quan tới hành vi của ông Trịnh Văn Quyết bởi hành vi của bị cáo được xác định đã hoàn thành từ thời điểm bán xong cổ phiếu cho các nhà đầu tư đời đầu. Bởi vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định những người dù có lãi nhưng vẫn là bị hại của ông Quyết và đồng phạm là có cơ sở.
Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros (Mã chứng khoán: ROS) làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.
Để chiếm đoạt được tiền, ông Quyết giao ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.