3 phút cùng luật sư: Chơi hụi thế nào cho đúng pháp luật? | Báo Dân trí

3 phút cùng luật sư: Chơi hụi thế nào cho đúng pháp luật?

(Dân trí) - Chơi hụi có thể huy động vốn, tiết kiệm tiền nhưng cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho tài sản của người chơi. Thậm chí, nếu không trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm, người chơi còn có thể bị vướng vào vòng lao lý.

Chơi hụi hay còn được gọi là chơi họ, biêu, phường… là một trong những hình thức huy động vốn khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Hình thức này đã tồn tại lâu đời, hiện tại đã được nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. 

Thế nhưng, vẫn xuất hiện nhiều hình thức chơi hụi sai pháp luật hoặc những tranh chấp giữa các thành viên chơi hụi khi bị lừa, bị giật hụi. 

Vậy làm thế nào để chơi hụi an toàn và đúng pháp luật? Mời bạn đọc cùng chương trình 3 phút cùng Luật sư gặp gỡ Chuyên viên tư vấn pháp lý - Luật gia Tạ Quốc Dũng để tìm hiểu.

Chơi hụi dễ tiền mất tật mang

Thưa luật gia, pháp luật Việt Nam có những văn bản pháp luật nào quy định nào về việc chơi hụi hay không? Nếu có, việc tổ chức chơi hụi phải tuân thủ các nguyên tắc nào?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các văn bản pháp luật cụ thể điểu chỉnh về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi); điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi. Cụ thể những điều này được quy định cụ thể trong BLDS và Nghị định 19/2019 của Chính Phủ. 

Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 19/2019 quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau:

  1. Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.
  2. Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi.
  3. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3 phút cùng luật sư: Chơi hụi thế nào cho đúng pháp luật? - 1

Để làm chủ hụi và thành viên của dây hụi thì cần đáp ứng những điều kiện nào theo quy định của pháp luật thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Trong nghị định 19/2019 của Chính phủ có quy định cụ thể điều kiện để làm chủ hụi (họ) cũng điều kiện để trở thành thành viên như sau:

- Đối với chủ hụi (họ): Chủ hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.

Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác; các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.

- Đối với các thành viên: Thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.

Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; hoặc các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.

Chơi hụi dễ lao vào vòng lao lý

Đối với hụi có lãi, lãi suất bao nhiêu thì được xem là vi phạm pháp luật thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Cũng theo quy định tại nghị định 19/2019 của Chính phủ thì lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.

3 phút cùng luật sư: Chơi hụi thế nào cho đúng pháp luật? - 2

Khi phát sinh tranh chấp, chủ hụi và các thành viên chơi hụi phải xử trí như thế nào để đúng pháp luật, thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang