3 phút cùng luật sư: Bất hiếu có thể bị ngồi tù?

(Dân trí) - Bất hiếu không chỉ là hành vi trái với đạo đức và chuẩn mực xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hình sự.

HIếu thảo là đức tính quan trọng của mỗi con và là một trong những giá trị cốt lõi trong xã hội. Bổn phận kính trọng, phụng dưỡng cha mẹ tuy luôn được xã hội đề cao và coi trọng. Thế nhưng, vẫn tồn tại không ít người bất hiếu, không yêu thương chăm sóc mà thậm chí còn có hành vi đánh đập cha mẹ.

Hành vi này không chỉ vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật. Trong chuyên mục 3 phút cùng Luật sư, mời bạn đọc gặp gỡ Chuyên gia tư vấn pháp lý - Luật gia Tạ Quốc Dũng để cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.

Con cái bất hiếu, đánh đập cha mẹ sẽ bị xử lý như thế nào?

Khi cha mẹ đã già yếu, không còn khả năng lao động nhưng con cái lại trốn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng thì có bị xem là vi phạm pháp luật hay không thưa luật gia? Nếu có thì khung hình phạt cụ thể là gì?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Hành động được xem là vi phạm pháp luật. Với hành vi như trên có thể bị xử phạt hành chính đến 2 triệu đồng. Mức độ nghiêm trọng hơn là làm người đó lâm vào tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ” với hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Có nhiều trường hợp, tuy nuôi dưỡng cha mẹ nhưng lại có những thái độ chì chiết, xúc phạm hay thậm chí là đánh đập chính cha mẹ của mình. Hành vi này theo pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào thưa luật gia?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Những lời nói, hành vi, cử chỉ xúc phạm, đánh đập, bắt nhịn đói,… đều là hành vi vi phạm pháp luật nếu ở mức độ nhẹ thì người thực hiện sẽ chịu phạt hành chính với mức tiền từ 1.500.000 - 2.000.000 theo NĐ 167/2013 hoặc nặng hơn có thể chịu mức án tù từ 6 tháng đến 5 năm với tội ngược đãi cha mẹ theo qui định tại Điều 185 BLHS.

3 phút cùng luật sư: Bất hiếu có thể bị ngồi tù? - 1

Ở góc độ cá nhân, luật gia có suy nghĩ gì về hành vi bất hiếu của con cái đối với cha mẹ?

Luật gia Tạ Quốc Dũng: Đạo hiếu luôn là một việc mà những người con phải tuân theo vì đó thể hiện sự biết ơn, quý trọng, yêu thương đấng sinh thành ra mình. Hành vi bất hiếu trước khi bị đưa ra toà án công lý xét xử thì chính người đó đã bị toà án lương tâm của bản thân mình phán tội, bị mọi người xung quanh ghét bỏ. Bất hiếu theo cá nhân tôi là một hành vi/ thái độ đáng chê trách, chúng ta tuyệt đối không nên có những hành động như vậy và cần chỉ bảo các thế hệ sau này không nên có những hành vi bất hiếu đã nêu ở trên.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang