Vợ chồng ông lão 40 năm bám hè phố 20 giờ mỗi ngày kiếm tiền chữa bệnh
(Dân trí) - Gần 40 năm mưu sinh hè phố, vợ chồng ông Ba Long bây giờ bệnh tật liên miên. Ở tuổi 70, vì không muốn làm gánh nặng cho con cái, hai ông bà miệt mài làm việc từ sáng tới khuya.
Cú ngã tuổi trẻ, thay đổi cuộc đời
Người dân sinh sống và buôn bán quanh Thương xá Đồng Khánh (Quận 5, TPHCM) hầu như ai cũng biết đến cặp vợ chồng chú Ba Long, cô Minh Phụng. Hai ông bà ngoài 70 đã mở quầy bán nước nhỏ khoảng 10m2 gần 40 năm ở ngay sát cổng chùa Ông.
Chú Ba Long kể, cách đây khoảng 50 năm, chú bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề sản xuất bút bi. Thời đó, chưa có kinh nghiệm, chú liều kinh doanh lớn rồi bị phá sản.
Bất hạnh đến dồn dập, chú Ba Long bị bệnh nặng, phải bán 2.000m2 ruộng ở Long An lên TPHCM chữa bệnh.
Sau khi điều trị khỏi, cô chú quyết định chắt chiu, dồn hết số tiền bán đất còn lại mua một chỗ ở tại khu chung cư cũ. Từ đó, vợ chồng chú Long gắn bó với nghề bán nước để mưu sinh nuôi con cái, dang dở ý định khởi nghiệp từ kinh doanh bút bi.
"Từ lần phá sản, tôi nghiệm ra rằng, mình nên buôn bán nhỏ. Buôn bán nhỏ thì tỉ lệ rủi ro thấp. Từ khi mở quầy nước đến nay đã gần 40 năm. Nhờ nó, tôi đã nuôi lớn 5 đứa con của mình và sống khỏe đến bây giờ", chú Long kể.
Chia sẻ về mấy chục năm buôn bán của mình, chú Ba Long chỉ cười. Khoảng thời gian khó khăn nhất của cô chú chính là lúc vừa phá sản, vừa bệnh tật. Khi mới bắt đầu kinh doanh quầy nước nhỏ này, cô chú không đông khách như bây giờ. Thời đó, cách sống của mọi người cũng khác bây giờ nên việc kinh doanh không mấy thuận lợi.
"Hồi đó, mỗi ngày tôi tính chỉ cần được hai khách thôi là cả nhà đủ ăn rồi. Vợ chồng tôi còn phải lo cho con cái, nên buôn bán phải tính toán kỹ. Mãi cho đến sau này, buôn bán lâu, thấy mình hiền lành, trời thương nên khách hàng dần đông lên", chú Ba Long bồi hồi nhớ lại.
"Không làm gánh nặng cho ai cũng là một hạnh phúc"
Một ngày của đôi vợ chồng già bắt đầu từ 4h30 sáng, cả hai cùng dậy để chuẩn bị mang nước đi bán. Ngoài các loại nước ngọt đóng chai thủy tinh có sẵn, vợ chồng chú Long còn nấu nước sâm, nước đắng để bán. Trung bình mỗi ngày bán lai rai, vợ chồng già cũng thu về 200.000 đồng -300.000 đồng tiền lãi.
Khoảng 5h, chú Long ra quầy nước trước để dọn dẹp, mở cửa hàng. Cô Phụng ra sau và mang theo cặp lồng cơm để chồng ăn sáng. Đến khoảng 6h, quầy nước của cô chú bắt đầu đông đúc, phục vụ học sinh đi học, người dân đi làm…
Hết giờ cao điểm buổi sáng là khoảng 8h, cô Phụng về nhà để dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm. Còn chú Ba Long sẽ trông coi và buôn bán tại cửa hàng. Khách lúc này cũng ít hơn, đa số là người quen của các cửa tiệm gần đó hoặc người đi đường.
Khoảng 10h30, cô Phụng sẽ mang cơm trưa và phụ chú Long bán nước cho khách. Đến khoảng 13h cô Phụng sẽ về nhà nghỉ ngơi, nấu cơm chiều để sẵn. Khoảng 16h chiều, cô trở lại quầy phụ chú bán nước vì thời gian này học sinh về đông, hai người bán cũng không xuể.
5h30 chiều chú Long sẽ về nhà ăn tối, chăm lo cho một người cháu ngoại và nghỉ ngơi. Cô Phụng tiếp tục ở lại bán hàng đến 24h đêm.
Ngày nào cũng vậy, thời gian biểu của đôi vợ chồng già luôn được tuân thủ nghiêm túc, đúng giờ.
Nhiều người thắc mắc con cái cô chú đâu sao để cha mẹ vất vả khi tuổi đã cao, chú Long chỉ cười hiền rồi bảo: "Chúng lớn rồi, có gia đình riêng, chúng tôi cũng còn khỏe chưa cần các con hỗ trợ".
Thực ra, hằng ngày, con gái lớn của chú vẫn ghé qua giúp đỡ ông bà công việc vặt. Cháu ngoại của chú Long mỗi lần đi học cũng ghé vào hỏi thăm hoặc xin ông bà ly nước.
"Tôi không muốn gì nhiều, chỉ mong sức khỏe để vợ chồng tôi cùng nhau làm ăn. Nhiều người cho rằng 70 tuổi mà vẫn còn phải buôn bán, bán mặt hè phố mưu sinh là vất vả lắm. Nhưng vợ chồng tôi không thấy vậy, lao động là vinh quang. Mình không là gánh nặng cho con cái, đó cũng là hạnh phúc", chú Long bộc bạch.
Dương Thùy