Vì sao không tăng tuổi nghỉ hưu nam sĩ quan cấp tướng quân đội?

Hoa Lê

(Dân trí) - Hiện nay, tuổi phục vụ của sĩ quan chưa tương đồng với một số luật hiện hành như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội...

Đề xuất tướng quân đội cả nam và nữ đều nghỉ hưu ở tuổi 60

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam chiều 28/10, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, hiện nay theo quy định, tuổi phục vụ (tuổi nghỉ hưu) của sĩ quan chưa tương đồng với một số luật hiện hành như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công an nhân dân.

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng dẫn chứng, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, với cấp trung tá trở xuống (như thiếu tá là 48 tuổi) sẽ không bảo đảm 35 năm công tác.

Do đó Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ban soạn thảo đồng ý rất cao sửa theo từng độ tuổi một để cấp thấp nhất về hưu, nghỉ 1 năm chờ công tác theo quy định thì sẽ đủ 35 năm công tác.

Vì sao không tăng tuổi nghỉ hưu nam sĩ quan cấp tướng quân đội? - 1

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Ảnh: QH).

Đại biểu cho biết, Luật Sĩ quan chỉ sửa tuổi tiệm cận với Luật Lao động. Bởi, quân đội là ngành lao động đặc biệt, phải hoạt động trong điều kiện, môi trường khó khăn và cường độ lao động rất lớn. Nếu theo bằng tuổi của Luật Lao động thì không đáp ứng đủ sức khỏe, trí tuệ trong chỉ huy công việc.

Về cấp tướng, cơ quan có thẩm quyền như Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Chính phủ thống nhất không nâng tuổi vì nhiều lý do, trong đó một phần để cấp dưới có cơ hội thăng tiến.

"Chúng tôi là cấp tướng nên rất thoải mái trong việc này. Đến cấp tướng thì anh em đã có trên 40 năm công tác, thời gian phục vụ tương đối dài", Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nêu.

Riêng về độ tuổi của nữ sĩ quan, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nêu rõ, Chính phủ trình không phân biệt độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như Luật Lao động. Bởi, hiện nay tỷ lệ nữ trong quân đội rất ít, sĩ quan nữ chỉ chiếm 3% trong tổng số sĩ quan.

Theo đại biểu, hiện nay chỉ có 1 tướng là nữ giới, còn với đại tá cũng rất ít. Bên cạnh đó, số sĩ quan nữ này không phải trực tiếp quản lý chỉ huy đơn vị sẵn sàng chiến đấu, chủ yếu ở các học viện, nhà trường, nghề y, nghiên cứu khoa học. Do đó, tướng quân đội cả nam và nữ đều nghỉ hưu ở tuổi 60.

Nên linh hoạt quy định tuổi nghỉ hưu

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đồng tình với quy định về độ tuổi tại ngũ của sĩ quan trong dự Luật.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng quân, binh chủng trong lực lượng sĩ quan quân đội nhân dân dựa trên những yếu tố đặc thù công tác, sức khỏe, yêu cầu nhiệm vụ của từng quân binh chủng...

Trao đổi về sự cần thiết của đề xuất, ông Thạch Phước Bình nêu 5 lý do. Thứ nhất, đại biểu cho rằng có sự khác biệt về đặc thù công tác giữa quân, binh chủng.

Vì sao không tăng tuổi nghỉ hưu nam sĩ quan cấp tướng quân đội? - 2

Đại biểu Thạch Phước Bình (Ảnh: QH)

Nêu ví dụ cụ thể, đại biểu cho biết, quân, binh chủng như bộ binh, pháo binh, hải quân, không quân đều có đặc thù công tác và yêu cầu về sức khỏe khác nhau. Trong đó, những binh chủng cần sức khỏe dẻo dai, khả năng tác chiến cơ động như hải quân, bộ binh yêu cầu sĩ quan duy trì thể lực tốt và phản xạ nhanh nhạy.

Ngược lại, một số binh chủng kỹ thuật như hậu cần thông tin có thể tích cực công tác ở tuổi cao hơn vì yêu cầu thể lực không khắt khe như những binh chủng chiến đấu trực tiếp.

Các sĩ quan đang phục vụ trong hải quân, không quân làm việc trong môi trường khắt nghiệt, thường xuyên đối mặt với rủi ro cao và tình trạng căng thẳng kéo dài dẫn đến hao tổn sức khỏe nhanh chóng. Việc quy định độ tuổi nghỉ hưu sớm cho các quân, binh chủng này có thể duy trì sức khỏe sĩ quan đảm bảo về mặt công tác.

Thứ hai, đại biểu Trà Vinh cho rằng, việc linh hoạt tuổi nghỉ hưu sẽ đảm bảo hiệu quả trong khả năng sẵn sàng chiến đấu, tuổi nghỉ hưu phù hợp giúp các quân, binh chủng luôn có lực lượng sĩ quan đảm bảo thể chất, tinh thần sẵn sàng tinh thần chiến đấu ở mức cao nhất.

Với các quân binh chủng yêu cầu sức khỏe như lính dù, đặc công, cần quy định tuổi nghỉ hưu sớm hơn sẽ đảm bảo lực lượng này luôn duy trì được hiệu quả chiến đấu tốt nhất.

Quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho quân binh chủng giúp tăng cường chiến đấu trong lực lượng quân đội.

Thứ ba, đề xuất quy định trên sẽ đảm bảo tính công bằng và động lực chiến đấu. Quân, binh chủng đều có những yêu cầu về đóng góp đặc thù. Việc áp dụng một mức tuổi nghỉ hưu chung có thể dẫn đến bất công khi yêu cầu về thể lực và cường độ công tác khác nhau.

Đại biểu ví dụ sĩ quan không quân, hải quân thường xuyên làm việc môi trường nguy hiểm, áp lực cao sẽ có duy trì sức khỏe đến mức nghỉ hưu chung. Khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh phù hợp các sĩ quan trẻ có cơ hội thăng tiến, đảm bảo trách nhiệm lớn hơn.

Thứ 4, kinh nghiệm một số nước cho thấy nhiều quốc gia có quân đội chuyên nghiệp đã áp dụng quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng binh chủng.

Với những lý do trên, đại biểu đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm hơn cho các sĩ quan quân đội thuộc binh chủng chiến đấu đặc biệt như đặc công, hải quân, không quân từ 50 đến 55 tuổi.

Đối với binh chủng không đòi hỏi thể lực cao như hậu cần, thông tin có thể áp dụng cao hơn 58 tuổi đến 60 tuổi.

"Quy định này áp dụng lộ trình linh hoạt cho các sĩ quan, binh chủng có lựa chọn nghỉ hưu sớm khi cảm thấy sức khỏe không đảm bảo hoặc tiếp tục cống hiến với sức khỏe, năng lực có thể đáp ứng", ông Bình cho hay.

Theo dự thảo luật, với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 tuổi lên 50 tuổi; Thiếu tá từ 48 tuổi lên 52 tuổi; Trung tá từ 51 tuổi lên 54 tuổi; Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi; Đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ).