Tỷ lệ hưởng cao ngất nhưng lương hưu tại Việt Nam chỉ 5 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam rất cao, nhưng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thấp nên ảnh hưởng đến lương hưu sau này.
Tỷ lệ hưởng lương hưu rất cao
Thông báo của Văn phòng Chính phủ kết luận về các dự án Luật, đề nghị xây dựng Luật của Thường trực Chính phủ cho rằng, mức đóng BHXH cần tính toán, đánh giá tác động một cách khoa học để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, lịch sử của mỗi nước.
Trong đó, Malaysia, Singapore... quy định các chế độ ngắn hạn không thực hiện đóng vào quỹ BHXH mà hoàn toàn do người sử dụng lao động bỏ chi phí chi trả khi người lao động bị ốm đau, thai sản, bị thất nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức đóng BHXH (tỷ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH) phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện để phù hợp với mức hưởng, tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ BHXH.
Tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam hiện ở mức khá cao so với khu vực, chỉ sau Singapore (37%). Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam lại cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ khoảng 40%.
"Mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao. Bình quân năm 2022, bình quân tiền lương đóng bảo hiểm chỉ 5,73 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng", báo cáo của Bộ này nêu.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng BHXH, đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH (tỷ lệ hưởng lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành.
Điều này, không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Tách phụ cấp để "né" đóng bảo hiểm
Tiền lương tháng đóng BHXH trong khu vực doanh nghiệp vừa qua đã được cải thiện từng bước, dần tiếp cận gần hơn với thu nhập thực tế của người lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, thực tế, ở một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng tách các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác ra nhằm mục tiêu "né" đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Có những doanh nghiệp báo cáo lên 100 khoản chi trả cho người lao động.
Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hưu trí. Mức đóng BHXH thấp ảnh hưởng đến lương hưu của mỗi người khi về già.
Vì vậy, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đưa ra hai phương án quy định tiền lương đóng bảo hiểm.
Theo đó, phương án 1 xác định, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm là lương tháng bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Phương án 2 nêu rõ, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm theo quy định tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.