Có thể đóng bảo hiểm xã hội "vượt trần" để có lương hưu trăm triệu/tháng?
(Dân trí) - Mặc dù khống chế mức đóng bảo hiểm xã hội cao nhất, song vẫn còn cách để người dân có thể hưởng mức lương hưu cao hơn.
Khống chế mức đóng bảo hiểm
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất hiện nay là 36 triệu đồng/tháng.
Việc khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội bắt đầu áp dụng từ khi có luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Trước đó, khi chưa có quy định này, người lao động có thể chọn đóng bảo hiểm theo tổng thu nhập.
Như trường hợp ông P.P.N.T. (ở TPHCM), người đang có mức lương hưu cao nhất cả nước với 140 triệu đồng/tháng, tính ra ông đã nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội với mức rất cao.
Có những thời điểm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng, tức tiền đóng bảo hiểm ở mức hơn 40 triệu đồng mỗi tháng.
Vì mức đóng bảo hiểm cao như vậy ông P.T.N.T. mới có mức hưởng lương hưu rất cao so với mức trung bình hiện nay.
Nếu áp mức đóng trần là 22% của 20 lần mức lương cơ sở thì số tiền đóng bảo hiểm tối đa mỗi tháng chỉ có thể ở mức gần 8 triệu đồng/tháng.
Có nhiều ý kiến băn khoăn, quy định khống chế mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa như vậy sẽ không còn những người hưởng lương hưu hàng trăm triệu mỗi tháng nữa.
Trao đổi về quy định trần mức đóng bảo hiểm xã hội, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, quy định này nhằm thu hẹp khoảng cách rất lớn giữa người nhận lương hưu cao và người nhận lương hưu thấp.
Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, đóng mức cao vẫn có lương hưu cao, phù hợp với mức sống hiện nay.
Ngoài ra, những người có nhu cầu đóng cao hơn đã có chính sách hưu trí bổ sung, được thể hiện trong Luật Bảo hiểm năm 2014.
Tài khoản tiết kiệm cá nhân
Theo quy định, chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nhà nước không hỗ trợ đóng góp, không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả. Để gia tăng thu nhập cho người về hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Góp ý về chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất, nội dung này tiếp tục thực hiện như quy định hiện hành.
Bởi, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mới bắt đầu được triển khai từ năm 2017 sau khi Nghị định số 88/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành.
Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp là các công ty quản lý quỹ có năng lực tài chính tốt trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, bao gồm: Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM); Công ty quản lý quỹ đầu tư MB (MBVF); Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) và Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).
Trong đó, DCVFM triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 73,5 tỷ đồng và 217 người tham gia; MBVF triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 11,1 tỷ đồng và 673 người tham gia.
2 công ty quản lý quỹ là SSIAM và VCBF đang trong quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí.
Theo Bộ Tài chính, do đây là chính sách tự nguyện, cần có thời gian để doanh nghiệp và người lao động nắm bắt thông tin và tham gia vào chương trình. Bên cạnh đó, chính sách thuế đối với người tham gia chưa thực sự ưu đãi nên việc triển khai thời gian qua còn chậm, chưa hấp dẫn doanh nghiệp và người lao động tham gia.
Đơn vị này cho biết, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đang ở giai đoạn đầu phát triển, cần có thời gian đánh giá trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục hoặc dừng hoạt động kinh doanh này.