DNews

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố

Hoa Lê Thái Anh

(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi kể, chuyến công tác đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng xuống ruộng gặt lúa. Thăm nhà cấp dưới ông dặn vợ chồng chia sẻ yêu thương...

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố

Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị lãnh đạo để lại dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chính sách xã hội, TS.Bùi Sỹ Lợi chia sẻ với phóng viên Dân trí những kỷ niệm dung dị mà lay động.

Tổng Bí thư với 10 năm "theo đuổi" chính sách xã hội

Ông trở thành đại biểu, công tác tại Ủy ban Xã hội từ nhiệm kỳ khóa XII, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội. Được biết, từ thời đó, Tổng Bí thư đã dành nhiều quan tâm đến chính sách xã hội, an sinh. Ông hẳn là có điều kiện làm việc cùng Tổng Bí thư khi có đến 3 khóa liên tục là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội?

- TS.Bùi Sỹ Lợi: Trong cuộc đời công tác của mình, tôi được biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi đồng chí còn là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản với nhiều bài viết sắc bén về Đảng Cộng sản Việt Nam, về công cuộc đổi mới đất nước sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Nhưng từ khi công tác làm việc tại Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII (2007-2011), nay là Ủy ban Xã hội, thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội tôi đã được gần gũi, học tập nhiều mặt từ vị Chủ tịch Quốc hội đáng kính.

Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn toát lên hình ảnh một người lãnh đạo trí tuệ, sắc sảo về đường lối, tâm huyết, tận tình trong mọi công việc và rất giản dị trong cuộc sống hằng ngày, luôn thân thiện, cởi mở với mọi người, không có khoảng cách nào giữa người lãnh đạo cấp cao với cán bộ, nhân viên cấp dưới.

Trong mỗi buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo các tỉnh, các đơn vị, bao giờ ông cũng nêu ngắn gọn yêu cầu thảo luận và kết luận súc tích, nêu 3 vấn đề cụ thể: Phải thật sự đoàn kết nội bộ, nỗ lực xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của địa phương để đi trước đón đầu, và chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt quan tâm đến các cá nhân và gia đình có công với cách mạng, đối tượng yếu thế và đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 1
Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 2
Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 3

Trong hoạt động điều hành Quốc hội và chỉ đạo các công việc của Ủy ban xã hội, tôi mới thực sự thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm phát triển chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo phúc lợi xã hội cho toàn dân.

Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, cũng chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký 2 Nghị quyết quan trọng định hướng chính sách xã hội qua 2 thời kỳ. Năm 2012 là Nghị quyết số 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và năm 2023 vừa qua là Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Là một người tham gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 và xây dựng Nghị quyết 42 thay thế, ông đánh giá thế nào về vai trò của Tổng Bí thư với việc ban hành những chủ trương quan trọng này?

- TS.Bùi Sỹ Lợi: Khi là Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội khóa XII, tôi được tham gia xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương về một số chính sách xã hội, làm cơ sở để Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng, khi đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 15 như bạn đề cập.

Nghị quyết là dấu mốc quan trọng, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò của chính sách xã hội, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Tư tưởng và quan điểm của Nghị quyết 15 mang tính bước ngoặt, làm thay đổi về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chính sách xã hội.

Tổng Bí thư từng đúc kết "chủ trương và quan điểm của Nghị quyết 15 đến nay còn nguyên giá trị, cần phải tiếp tục kế thừa và phát huy".

Sau này khi được mời tham gia với tư cách là Phó tổ trưởng Tổ biên tập tổng kết Nghị quyết số 15 và xây dựng dự thảo nghị quyết mới (Nghị quyết 42) về chính sách xã hội, tôi càng thấy rõ sự quan tâm, ý kiến, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuyên suốt quan điểm về phạm vi và cách tiếp cận.

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 4
Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 5

Nếu như Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI chỉ đề cập đến một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 thì Nghị quyết mới đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội. Trong đó, theo Tổng Bí thư, các chính sách này tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vậy những đề xuất nào của ông cũng như Tổ biên tập, cơ quan dự thảo văn kiện đã thuyết phục được Tổng Bí thư?

- TS.Bùi Sỹ Lợi: Kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh định hướng thay đổi về tư duy, chuyển từ cách tiếp cận chính sách xã hội với mục tiêu "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Ông đã tán thành, ủng hộ những đề xuất mà Tổ biên tập chúng tôi trình lên.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển". Và điểm nổi bật trong Nghị quyết số 42 được xây dựng trên nguyên lý đó.

Quan điểm xây dựng "sàn an sinh xã hội quốc gia" của chúng tôi đã được thông qua. Đó là công cụ điều tiết để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội.

Theo quan điểm của Đảng ta, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, đó là tư tưởng, quan điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn.

"Nhà bé nhưng ấm cúng, sống cho hạnh phúc, yêu thương"

Được biết, trong thời điểm đặc biệt của nhiệm kỳ vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây tác động nặng nề, ông từng báo cáo đề xuất đến Tổng Bí thư về việc sử dụng kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn. Tổng Bí thư tiếp nhận ý kiến phải nói là gây tranh luận tại thời điểm đó ra sao?

Trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tôi luôn kiến nghị cần mở rộng và tăng thêm các chế độ chi trả từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để bảo đảm cuộc sống tối thiểu khi thất nghiệp, tăng thêm chi phí đào tạo lại nghề và chuyển đổi nghề nghiệp để người lao động sớm trở lại thị trường lao động, đồng thời tăng mức chi trả đào tạo nghề cho doanh nghiệp để giữ chân người lao động. Tuy nhiên điều đó liên quan đến quy định của pháp luật, đến nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm nên chưa được xem xét.

Nhưng bối cảnh đại dịch Covid-19 thật sự quá đặc biệt. Khi đó, rất nhiều người lao động mất việc, nhiều hộ gia đình mất sinh kế, rơi vào tình trạng bấp bênh, nguy hiểm. Tôi đã có kiến nghị Chính phủ cần trích một phần kết dư của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 6

Người dân nhận hỗ trợ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thời điểm dịch Covid-19 (Ảnh: Duy Tuyên).

Với tư cách là chuyên gia, tôi đã điện thoại trực tiếp trình bày, thuyết phục Chủ tịch Quốc hội và báo cáo gián tiếp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Trưởng Ban kinh tế Trung ương (với tư cách chuyên gia đề xuất với Tổng bí thư).

Đề xuất được tiếp nhận. Ngay sau đó, Trung ương đã xem xét, có ý kiến chỉ đạo Chính phủ xây dựng đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định bằng Nghị quyết 03 năm 2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tôi nghĩ rằng, đó cũng chỉ là đề xuất với tư cách là chuyên gia theo dõi lĩnh vực này nhiều năm để Tổng Bí Thư và Trung ương xem xét, quyết định.

Ba khóa công tác ở Quốc hội, rời cương vị vẫn tiếp tục tham gia, đóng góp cho xây dựng chính sách xã hội với tư cách một chuyên gia như vậy, có nhiều điều kiện tiếp xúc để hiểu tư tưởng, quan điểm, con người của Tổng Bí thư như vậy, kỷ niệm nào ông nhớ tới ở thời điểm tiễn biệt người?

- TS.Bùi Sỹ Lợi: Trong nhiều năm làm việc của mình, tôi có rất nhiều kỷ niệm với đồng chí Nguyễn Phú Trọng cả trong nghị trường và đời sống thực tế. Trong đó, có hai kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tôi - như là lời nhắc nhở tôi phải sống và làm việc có trách nhiệm, biết chia sẻ với mọi người, luôn rèn luyện, giữ vững phẩm chất, tư cách.

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 7

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII kết thúc, chuyến công tác đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội khi đó, kéo dài từ 30/9 tới 4/10/2007, là đi thị sát và làm việc với các tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai châu và Lào Cai). Thời điểm ấy, đường lên Tây Bắc còn vô vàn khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu văn phòng bố trí để các thành viên trong đoàn công tác đi chung một xe cùng ông. Lần đầu tiên đi công tác mà ngồi chung xe với lãnh đạo cấp cao, anh em chúng tôi đều có phần lo lắng, xen lẫn những e ngại. Nhưng thực sự lúc bước lên xe thì mọi sự lo âu ấy đều tan biến.

Lên xe, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hỏi thăm từng thành viên trong đoàn và đề nghị mỗi người lần lượt kể một câu chuyện để tạo không khí vui vẻ, giảm bớt mệt nhọc trên hành trình.

Suốt chặng đường đi, Chủ tịch Quốc hội như vị "trọng tài", đánh giá từng người sau mỗi câu chuyện kể. Vì thế trên xe lúc nào cũng râm ran tiếng cười. Nếu có ai đó ngủ gật, vị "trọng tài" lại nhắc tên và yêu cầu kể thêm một chuyện nữa.

Trong số chuyện kể của mình, tôi nói vui về việc từ khi dạm ngõ đến ngày cưới vợ, tôi tiêu tốn hết… 21 con gà quê. Sau này, mỗi lần gặp lại tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều cười và nhắc lại chuyện đó.

Trong đoàn chúng tôi, anh Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là một kho tàng chuyện đông tây kim cổ, góp nhiều chuyện thú vị gây nhiều tiếng cười trong suốt chuyến đi.

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 8

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi nông dân xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) về tình hình sản xuất bị thiệt hại do xâm nhập mặn (Ảnh: Báo Nhân dân).

Trên đường đi, Chủ tịch Quốc hội thỉnh thoảng yêu cầu dừng xe, vào thăm đột xuất khi thì là một đơn vị công an, lúc là một đồn biên phòng hay một cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm… Thấy bà con dân tộc đang gặt lúa, Chủ tịch xuống tận ruộng cầm liềm, cùng gặt lúa với dân. Hình ảnh người đứng đầu Quốc hội ở khoảnh khắc ấy thật gần gũi, không hề có khoảng cách với cử tri, đồng bào.

Một kỷ niệm khác thật sâu sắc, cảm động không chỉ với riêng tôi mà đối với cả gia đình tôi. Đó là vào một buổi chiều cuối thu tại Hà Nội, tôi nhận được điện thoại từ trợ lý Chủ tịch Quốc hội, thông báo ông đến thăm gia đình tôi. Tôi thật sự xúc động, thiết nghĩ, một vị Chủ tịch Quốc hội, bộn bề trăm công ngàn việc với những nhiệm vụ lớn lao của đất nước thế mà vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên một cán bộ dưới quyền.

Trong căn nhà nhỏ bé, đơn sơ của gia đình tôi tại một con phố nhỏ Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Phú trọng động viên vợ chồng tôi: "Nhà bé nhưng ấm cúng, cố gắng sống hạnh phúc, làm việc trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ với mọi người…".

Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 9
Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 10
Từ vị Chủ tịch Quốc hội gặt lúa với dân tới Tổng Bí thư nắm tay vợ trên phố - 11

TS.Bùi Sỹ Lợi lưu giữ nhiều hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác ông tham gia trong các chuyến đi khó khăn (Ảnh: NVCC) 

Lời nhắc nhở, động viên đó theo tôi suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội và đến tận bây giờ. Giờ vợ chồng tôi vẫn nắm tay, dắt nhau qua đường, đi chợ, như cái cách giản dị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm tay phu nhân Ngô Thị Mận qua cầu Thê Húc quay về, sau một sự kiện lễ tân tại đền Ngọc Sơn vậy. Tôi ấn tượng mãi hình ảnh dung dị, thanh thản, bình an của ông bà.

Chuyến thăm và lời động viên của ông 15 năm trước giúp tôi tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, giữ mình, nhất là về tinh thần yêu thương, chia sẻ với cộng đồng, những người yếu thế.

Đã hàng chục năm qua, tôi duy trì những chuyến đi thiện nguyện cùng đồng nghiệp, tham gia "Ngày chủ nhật yêu thương", xây dựng và phát triển "Ngân hàng bò". "Ngân hàng" của chúng tôi đặc biệt không có nợ xấu, chỉ đem yêu thương và niềm vui đến với các gia đình ở nhiều vùng quê khắp cả nước.

Xin cảm ơn ông với những câu chuyện sâu sắc về Tổng bí thư!

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, kiên định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong suốt sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn phấn đấu vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập - tự do, phồn vinh, hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Điều đó được khẳng định rõ nét trong suốt quá trình đồng chí giữ trọng trách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay", TS.Bùi Sỹ Lợi.