Bật mí về “hai con đường làm giàu” ở vùng quê xứ Thanh
(Dân trí) - Nhờ đi lao động ở nước ngoài và làm miến, thôn Tân Giao, xã Thăng Bình, tỉnh Thanh Hóa trở thành vùng quê có thu nhập đầu người “đỉnh” nhất xã.
Về thôn Tân Giao, xã Thăng Bình, tỉnh Thanh Hóa, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay với những ngôi nhà tiền tỷ mọc san sát, đường làng tấp nập xe cộ chờ nhận hàng, cùng tiếng cười nói, tiếng máy làm miến rộn ràng. Đây là minh chứng cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của một vùng quê từng nghèo khó.
Theo anh Văn Doãn Sơn, Trưởng thôn Tân Giao, sự thịnh vượng này đến từ hai "mũi nhọn" kinh tế là đi làm việc ở nước ngoài và nghề làm miến gạo truyền thống.

Nhiều gia đình ở thôn Tân Giao đã xây được nhà khang trang (Ảnh: Hạnh Linh).
Cách đây 20 năm, hai thanh niên tiên phong vay vốn ngân hàng sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc đã mở ra một hướng đi mới cho Tân Giao. Thành công của họ đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều lao động khác nối bước ra nước ngoài lập nghiệp.
Hiện tại, thôn Tân Giao có gần 50 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu trong các ngành nông nghiệp và cơ khí, mang về nguồn thu nhập đáng kể.
"Một lao động có thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, các lao động ở nước ngoài đã gửi về gần 22 tỷ đồng", anh Sơn chia sẻ.
Nguồn tiền này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo mà còn tạo vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh tại quê nhà.
Bà Lê Thị Sớm là một trong những người đã mạnh dạn động viên hai con trai học tiếng Hàn để "xuất ngoại". Quyết định này không chỉ cải thiện cuộc sống hiện tại mà còn là sự chuẩn bị cho tương lai vững chắc của các con.
Tại Hàn Quốc, hai con bà Sớm làm thợ cơ khí với công việc ổn định, mỗi tháng thu nhập 45 triệu đồng/người.

Bà Sớm vui vẻ chia sẻ về cuộc sống sung túc hơn từ khi hai con đi lao động ở Hàn Quốc (Ảnh: Hạnh Linh).
"Từ ngày các con đi Hàn Quốc làm việc, kinh tế gia đình dư giả hơn. Ngoài tiền tiêu hằng tháng, hai con còn bảo vợ chồng tôi mở sổ tiết kiệm, phòng khi ốm đau. Mới đây, các con còn góp vốn để xây một ngôi nhà lớn, dự tính hết khoảng 1,8 tỷ đồng", bà Sớm kể.
Bà Sớm còn nhận đan tranh thuê để kiếm thêm thu nhập và đỡ buồn tay buồn chân. Bà dự định sau khi xây xong nhà, gia đình sẽ đầu tư thêm máy móc, khôi phục nghề làm miến truyền thống để các con có thể nối nghiệp cha mẹ khi về nước.
Tương tự, hai con trai của ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc Hợp tác xã miến gạo Thăng Long, cũng đang lao động tại Hàn Quốc, mỗi tháng gửi về khoảng 70 triệu đồng.
Bên cạnh nguồn thu nhập từ nước ngoài, nghề làm miến gạo truyền thống vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ tại Tân Giao. Vợ chồng ông Trương Hữu Hoa đã gắn bó với nghề này hơn 30 năm, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất.

Nghề làm miến gạo mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở Tân Giao (Ảnh: Hạnh Linh).
Để đảm bảo chất lượng và chủ động nguồn nguyên liệu, các hộ dân trong thôn vẫn duy trì trồng lúa trên diện tích ruộng của gia đình, sử dụng gạo quê tự trồng làm nguyên liệu chính cho sản phẩm miến.
Hiện tại, thôn Tân Giao có 22 hộ sản xuất miến, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng trong năm 2024. Nghề miến đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng.
Ông Lưu Công Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Bình, cho biết thôn Tân Giao được thành lập cách đây gần 60 năm. Nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người của thôn chỉ đạt khoảng 3,6 triệu đồng/người/năm, thuộc diện thấp nhất xã.
Nhờ đi làm việc ở nước ngoài và phát triển nghề miến gạo, đến năm 2024, thu nhập bình quân của thôn đạt mức 86 triệu đồng/người/năm. Bà con đang nỗ lực để con số này tăng lên 90-94 triệu đồng/người/năm vào cuối năm nay.
Chính quyền xã và ban quản lý thôn đang tiếp tục bàn tính việc đưa miến gạo vươn ra thị trường quốc tế, vận động thêm lao động trẻ "xuất ngoại" để tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân Tân Giao.