"Tôi bị thương 8 lần nhưng vẫn không khuất phục"
(Dân trí) - Tại cuộc họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu, nhân kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ, câu chuyện và tâm tư của các chiến sĩ cách mạng khiến ai nấy đều xúc động.
Trân trọng hòa bình và nhớ ơn các chiến sĩ
"Tôi đã gửi lại một phần xương máu ở chiến trường kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở chiến trường Campuchia, tôi bị lấy đi một nửa chân. Tôi bị thương 8 lần, lên bàn mổ 6 lần, nhưng tôi vẫn không khuất phục", ông Dương Đình Tấu nói trong cuộc họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu, nhân kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ, do Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức tại TPHCM.
Tham dự buổi họp mặt có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, cùng nhiều lãnh đạo các sở, ngành ở TPHCM.
Ông Tấu là thương binh hạng 2/4, bệnh binh hạng 2/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Sau chiến tranh, sức khỏe của ông Tấu chỉ còn 60% nên được cho về quê nghỉ ngơi. Ông Tấu hai tay chống nạng ôm con ở nhà, không biết phải làm gì tiếp theo.
"Lúc ấy, tôi nhớ lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng "thương binh tàn nhưng không phế" và "học, học nữa, học mãi". Với tinh thần của người lính, tôi không khuất phục quân thù. Trong cuộc sống, tôi không đầu hàng trước những khó khăn. Tôi phải tự cứu mình, trước khi trời cứu", ông Tấu nhấn mạnh.
Ông Tấu đăng ký học tại 2 trường đại học. Dù nhà cách trường 200km, ông vẫn theo đuổi con đường học vấn nhiều năm.
Từ nỗ lực ấy, người chiến sĩ đã lấy được 2 bằng đại học, trở thành bác sĩ thú y để kiếm tiền nuôi gia đình.
Tại cuộc họp mặt, ông Nguyễn Thành Ngưỡng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh hạng 2/4, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cũng đã chia sẻ nhiều tâm tư.
"Các thế hệ trước đã đổ xương, máu để giữ gìn hòa bình dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay phải biết trân trọng, học tập và phấn đấu không ngừng để giữ gìn hòa bình, phát triển đất nước. Đó là điều những chiến sĩ chúng tôi vô cùng mong muốn", ông Ngưỡng chia sẻ.
Là một người hoạt động cách mạng, bà Phạm Thúy Hưởng xúc động, chia sẻ bản thân vô cùng thấu hiểu nỗi đau mà những người tù, thương binh, bệnh binh phải trải qua.
"Tôi nhớ rõ những ngày tháng bị địch tra tấn, thân thể từ đầu đến chân đều in hằn dấu tích của đòn roi. Không ít chiến sĩ đã hi sinh hoặc bị di chứng về tinh thần lẫn thể xác", bà Hưởng nói.
Ngoài ra, bà còn là vợ liệt sĩ, con của mẹ Việt Nam anh hùng. Bà thấu hiểu nỗi đau mất đi một người chồng nơi chiến trường, sự hi sinh âm thầm, cao cả của những người mẹ tần tảo có con ra chiến trường.
"Đau thương thể xác không là gì so với những đồng đội, người lính đã hy sinh để đất nước được độc lập, tự do và hạnh phúc. Họ đã hy sinh tất cả để chúng ta có được một cuộc sống yên bình. Chúng ta phải luôn biết ơn những gia đình đã mất đi người thân, vì họ đã mãi mãi không còn được gặp lại những người thân yêu nhất của mình", bà Hưởng chia sẻ.
Chăm lo cho người có công với cách mạng
Tham dự ngày họp mặt, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh Liệt sĩ: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu, giúp đỡ họ".
Theo ông Phan Văn Mãi, tại TPHCM, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đã vận động hơn 188 tỷ đồng xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; đảm bảo 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.
Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ, nghĩa trang, công trình ghi công, đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn được tập trung thực hiện với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, TPHCM đã tích cực tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, tiếp nhận và tổ chức lễ an táng 47 hài cốt liệt sĩ.
"Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với người có công và thân nhân. Ngoài ra, TPHCM đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân theo quy định về trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, nhà ở, bảo hiểm y tế,...", Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu.
Tính đến tháng 7/2024, TPHCM có 1.432 cán bộ lão thành cách mạng, 1.859 cán bộ tiền khởi nghĩa, 154 anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 5.494 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 27.603 thương binh, 3.722 bệnh binh, 52.432 liệt sĩ, 26.962 người có công cách mạng, 68.732 người hoạt động kháng chiến,...