Mức trợ cấp với người tinh giản biên chế không đủ tuổi hưởng lương hưu
(Dân trí) - Nếu thôi việc ngay, người tinh giản biên chế (có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi) được hưởng một số khoản trợ cấp.
Chính sách thôi việc
Theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về chính sách thôi việc ngay, đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại nghị định này nếu thôi việc ngay thì được hưởng 2 khoản trợ cấp sau:
Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;
Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về chính sách thôi việc sau khi đi học nghề, đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới.
Nhóm này được hưởng 5 chế độ sau:
Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng;
Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng mức lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm.
Các đối tượng thôi việc theo quy định được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp số bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; không được hưởng chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc tinh giản biên chế
Theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, khi tinh giản biên chế cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.
Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bên cạnh bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật, cũng cần chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.
Đối tượng tinh giản biên chế nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp.