Bộ trưởng gỡ khó việc công nhận liệt sĩ với thương binh nặng qua đời
(Dân trí) - Bộ trưởng LĐ-Tb&XH Đào Ngọc Dung nêu quan điểm, các trường hợp thương binh nặng, mất tại nhà, không có biên bản tử vong cần được xem xét một cách linh hoạt để thuận lợi cho việc suy tôn liệt sĩ.
Ý kiến này được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu khi cùng Chủ tịch nước Tô Lâm tới thăm, tặng quà thương binh, bệnh binh đang được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), chiều 24/7.
Trước đó, báo cáo với Chủ tịch nước và lãnh đạo các Bộ, ngành, bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành đã đề cập khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hồ sơ công nhận liệt sĩ với các thương, bệnh binh tại trung tâm.
Ông Hương cho biết, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành có 91 thương, bệnh binh, tỉ lệ tổn thương cơ thể trên 81% đang an dưỡng. Theo quy định cũ, những thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, được điều trị tại các trung tâm và tử vong do vết thương chiến tranh tái phát (đã được cơ sở y tế xác nhận) sẽ được xem xét công nhận liệt sĩ, cấp bằng "Tổ quốc ghi công".
Tuy nhiên với quy định mới, trung tâm gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ cho thương binh. Cụ thể, theo quy định tại điểm l, khoản 1, điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thương binh chết do vết thương tái phát phải "có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong" mới được xem xét là liệt sĩ.
"Nhiều thương, bệnh binh của trung tâm đang điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương thấy bệnh trở nặng, muốn được về nhà bên con cháu những ngày cuối đời lại thành không đúng quy định, gặp khó trong việc làm hồ sơ suy tôn liệt sĩ.
Có trường hợp muốn xin về để mất tại gia đình cũng khó để làm hồ sơ công nhận vì không có tóm tắt hồ sơ bệnh án, không có biên bản kiểm thảo tử vong", ông Hương giải thích.
Thay mặt người có công đang sinh hoạt tại trung tâm, ông Hương kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành LĐ-TB&XH và các bộ ngành liên quan xem xét, có chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Ngồi trên xe lăn, ông Phạm Hồng Tư (đang an dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành) cũng trăn trở về trường hợp của những người đồng đội đã mất nhưng hồ sơ công nhận liệt sĩ bị bỏ ngỏ.
Theo ông Tư, từ khi thay đổi quy định, nhiều thương binh thương tật trên 81% vẫn không được suy tôn liệt sĩ, cấp bằng "Tổ quốc ghi công" do thiếu các điều kiện như lãnh đạo trung tâm đã nêu.
"Ở trung tâm có những trường hợp không có gia đình hoặc cha mẹ đã qua đời, con cái đã lớn tuổi, việc làm hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải theo quy định mới.
Chúng tôi chiến đấu trở về, được Nhà nước quan tâm, cho hưởng nhiều chế độ, nay chỉ còn mong mỏi duy nhất là được suy tôn liệt sĩ, có bằng 'Tổ quốc ghi công' để lại danh dự cho con cháu, gia đình", ông Tư nêu nguyện vọng.
Bộ trưởng gỡ trăn trở của thương binh
Đối với thương bệnh, binh gặp khó khi hồ sơ suy tôn liệt sĩ do vướng mắc theo quy định mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ông rất day dứt khi gặp nhiều trường hợp tương tự tại buổi tiếp công dân vừa qua.
"Ngày 22/7 vừa qua, khi tiếp công dân, tôi cũng gặp 17 trường hợp như các bác vừa nêu. Những trường hợp này, các thương binh nặng mất ở nhà, không có biên bản kiểm thảo tử vong, không có hồ sơ xác nhận mất do vết thương tái phát. Tôi rất day dứt", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở.
Theo Bộ trưởng, những trường hợp bệnh chuyển nặng, nguyện vọng của gia đình, của cá nhân thương, bệnh binh muốn về, sống những ngày cuối tại nhà, bên gia đình, bệnh viện hoàn toàn xác nhận được là bệnh do vết thương tái phát, không thể tiếp tục điều trị, cứu chữa.
Những trường hợp này có thể thiếu biên bản kiểm thảo tử vong tại cơ sở điều trị thì có thể lập biên bản kiểm thảo tử vong vận dụng ở cấp xã. Xử lý linh hoạt để xem xét, giải quyết những trường hợp này.
"Còn như hiện nay, không vận dụng linh hoạt, để đến khi hội đồng y khoa xác định thương, bệnh binh mất 'không phải do vết thương tái phát', Bộ trưởng có muốn xem xét cũng không thể làm khác được bởi pháp luật đã quy định như vậy", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Để tháo gỡ trăn trở của người có công, Bộ trưởng cho rằng, Bộ Y tế, Công an, Quốc phòng, LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chức năng cần ngồi lại bàn thảo để đưa ra những điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp, linh hoạt nhất.
"Các quy định, thủ tục nếu làm quá máy móc, rập khuôn có thể khiến không ít người có công chịu thiệt thòi, nhất là với các trường hợp thương binh nặng, thương binh đặc biệt", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Về đề xuất tháo gỡ thủ tục xin chuyển tuyến khám, chữa bệnh đối với thương, bệnh binh nặng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, ý kiến của lãnh đạo trung tâm, của thương, bệnh binh là hoàn toàn xác đáng.
"Những trường hợp thương, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng muốn chuyển lên tuyến trung ương khám, chữa bệnh, cơ quan chức năng nên tạo điều kiện, không nhất thiết phải qua một cấp nữa bởi có khi qua được cấp đó các bác đã đi rồi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.