Tích hợp 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần là "phép cộng nhược điểm"
(Dân trí) - Phân tích những ưu, nhược điểm của 2 phương án quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Quốc hội đề xuất thêm phương án thứ 3. Bộ trưởng LĐ-TB&XH cảnh báo, đó là phép cộng nhiều nhược điểm.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 27/5 của Quốc hội về dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) ủng hộ phương án cho rút nhưng không quá 50% thời gian đóng (phương án 2).
Theo bà, phương án này vừa đảm bảo quyền lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm xã hội và giữ an sinh tối thiểu đối với người tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhìn nhận, việc rút như vậy chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động.
"Để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần, dự thảo luật cần thiết kế thêm chế độ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện yên tâm hơn khi có khó khăn trong cuộc sống", đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh phân tích.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) xác nhận, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.
Bà cho rằng phương án 1, tiến tới không cho người lao động rút bảo hiểm một lần, tối ưu nhất nhưng lại tạo ra lát cắt với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày luật này có hiệu lực.
Vẫn xác định đây là phương án tối ưu, song đại biểu đề nghị có thêm thông tin đánh giá tác động kỹ càng, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh sản xuất khó khăn.
Đối với phương án 2, đại biểu cho rằng không nên quy định người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH mới được rút bảo hiểm. Lý do, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng.
Nữ đại biểu cũng gợi ý tích hợp quy định giữa phương án 1 và phương án 2. Theo đó, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng.
14% còn lại do người sử dụng lao động đóng, theo đại biểu, được xem là phần để đảm bảo chế độ hưu trí. Người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
Tranh luận thêm về vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng chỉ ra những điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án được thiết kế. Ông cũng ủng hộ, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của các phương án, nên tích hợp cả hai.
Cụ thể, với nhóm 18 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực được rút bảo hiểm. Nhóm đối tượng bước vào hệ thống từ thời điểm áp dụng luật mới thì chỉ được rút tối đa 50% mức đóng.
Trao đổi lại với những vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, với cả hai phương án trình Quốc hội xem xét, Chính phủ đã tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo trao đổi, nghiên cứu các giải pháp.
Cuộc họp ngay trước phiên thảo luận tại Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét và nhận định, "không có phương án nào khác, ưu việt hơn hẳn so với hai phương án trình ra".
Trước gợi ý tích hợp cả 2 phương án, Bộ trưởng thông tin thêm, các chuyên gia đánh giá, phép cộng trong trường hợp này "toàn cộng nhược điểm hơn là cộng ưu điểm".
Bộ trưởng cũng cho hay, báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất cho thấy, đại đa số người được lấy ý kiến vẫn chọn phương án 1, chỉ ít người chọn phương án 2.