Thông tin bất ngờ vụ hai người H'Mông đi bộ 7 ngày từ Hà Nội về Hà Giang
(Dân trí) - Hai người H'Mông đi bộ từ Hà Nội về Hà Giang không phải là vợ chồng. Chính quyền địa phương sẽ làm việc với chủ thầu để xem xét cụ thể việc họ bị "bùng" lương.
Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 27/6, Chủ tịch UBND xã Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang) Ly Mí Pó cho biết, sau khi nắm được thông tin 2 người đi bộ từ Hà Nội về địa phương, chính quyền đã xác minh sự việc và có báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.
Theo Chủ tịch UBND xã Sủng Trái, anh Thò Mí Pó (SN 2003, Đồng Văn, Hà Giang) có vợ hợp pháp là chị Sùng Thị Máy (SN 1994), đã có 3 con. Thời điểm đó, do con bị ốm nên anh Pó đã nôn nóng muốn về thăm con.
Nói về người phụ nữ đi cùng anh Pó từ Hà Nội về quê, lãnh đạo xã Sủng Trái cho biết, người này không phải là vợ anh Pó. Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, anh Pó quen và sống như vợ chồng với chị Hoàng Thị Mị (SN 1984, ở Đắk Nông) và anh Pó đưa chị này cùng về quê.
Tuy vậy, do không biết đường về quê nên hai người đi lạc lên Thái Nguyên và được người dân ở đây giúp đỡ, bắt xe cho về địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Sùng Trái, sau khi tìm hiểu, anh Pó và chị Mị đã làm được 64 công với tổng số tiền là 12,9 triệu đồng. Chủ thầu xây dựng đã tạm ứng cho họ là 5,4 triệu đồng, còn lại 7,5 triệu đồng chưa trả.
Theo thông tin chính quyền địa phương nắm bắt, đây là trường hợp người lao động tự thỏa thuận miệng với chủ, không có hợp đồng, với tiền công là 200.000 đồng/ngày.
"Ông chủ không phải lừa tiền, họ giữ lại tiền chưa trả cho người lao động là có lý do. Anh Pó đang làm lại nghỉ, hay đi chỗ này chỗ kia, chưa gắn bó với công việc", ông Ly Mí Pó nói.
Về giấy tờ tùy thân của anh Pó không còn, Chủ tịch UBND xã Sùng Trái cho biết do anh này đã làm mất, chủ thầu không giữ giấy tờ của họ.
"Theo lời trình bày của anh Pó, cũng không nắm rõ được địa điểm làm việc cụ thể. Chỉ biết liên hệ với người quản lý tên là Thể", Chủ tịch UBND xã nói.
Thời gian tới, UBND xã sẽ đối thoại với chủ thầu để xem xét hợp đồng, thỏa thuận, mức lương của người lao động ra sao để giải quyết thỏa đáng cho người lao động.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, sáng 24/6, khi trời đang mưa "như trút nước", anh Phạm Chung (ở Phổ Yên, Thái Nguyên) cùng người thân phát hiện 2 người lạ ngồi trú mưa ở đường tàu gần nhà.
Đến trưa, khi anh Chung đi làm về thì bất ngờ thấy hai người này vẫn ngồi ở vị trí hồi sáng. Tiến đến hỏi thăm, anh Chung được hai người giới thiệu xuống Hà Nội làm thuê, do bị chủ "quỵt" lương nên đi bộ về Hà Giang.
Khi gặp được anh Chung, họ đã có 7 ngày trong hành trình đi bộ về nhà trong tình trạng trong túi không có tiền. Họ đi về nhà bằng cách hỏi đường. Dù có điện thoại mang theo, nhưng cũng không biết tìm đường. Cứ đi được một đoạn, họ dừng lại hỏi người địa phương đường về Hà Giang đi lối nào.
7 ngày đi bộ, khi nào đói, hai người tìm đồ ăn thừa bên đường để ăn tạm. Đến khu vực Thái Nguyên, hai người đã quá mệt mỏi nên quyết định ngủ một đêm ở khu vực đường tàu. Sau đó, hai người này được anh Phạm Chung hỗ trợ ăn, nghỉ và bắt xe về quê.