Thời điểm nghỉ hưu sớm và lương hưu của lao động nữ sinh năm 1971
(Dân trí) - Gửi thông tin đến các cơ quan chức năng, bà Ngọc ở TPHCM thắc mắc: "Tôi sinh năm 1971, khi nào tôi có thể làm thủ tục nghỉ hưu sớm và lương hưu nhận được là bao nhiêu".
Bà Minh Ngọc sinh ngày 5/6/1971, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và chốt sổ thời gian tham gia BHXH bắt buộc là 27 năm 8 tháng.
Từ năm 1991 đến tháng 12/2015, bà đóng BHXH theo thang bảng lương Nhà nước. Từ tháng 1/2016, bà đóng BHXH theo mức cố định là 6,8 triệu đồng/tháng.
Hiện bà Ngọc không có nhu cầu đi làm việc trở lại và muốn nghỉ hưu sớm. Bà thắc mắc: "Xin hỏi thời gian sớm nhất tôi có thể đi giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi là khi nào? Thủ tục làm hồ sơ hưởng chế độ hưu trí như thế nào?".
Bà cũng muốn biết cách tính lương hưu khi nghỉ trước tuổi để tự tính lương hưu cho mình.
Theo BHXH Việt Nam, bà Ngọc đã có đủ điều kiện thời gian tham gia BHXH là trên 20 năm để hưởng lương hưu. Điều kiện thứ 2 là tuổi nghỉ hưu thì bà chưa đạt.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh theo lộ trình quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có đủ 20 năm đóng BHXH trong điều kiện lao động bình thường vào năm 2021 là đủ 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng. Trong năm 2024, bà Ngọc chỉ mới trên dưới 53 tuổi.
Tuy nhiên, Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật BHXH có quy định cho phép người lao động nghỉ hưu sớm trong trường hợp suy giảm khả năng lao động.
Cụ thể, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định tối đa 5 tuổi khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
Do đó, trong trường hợp của bà Ngọc, nếu như bà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì có thể làm thủ tục nghỉ hưu sớm từ tháng 11/2021 (khi bà đạt 50 tuổi 4 tháng).
Từ thời điểm hiện tại, bà có thể làm thủ tục nghỉ hưu sớm nếu có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Về hồ sơ hưởng lương hưu, BHXH Việt Nam hướng dẫn: "Khoản 2 Điều 109 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH bao gồm sổ BHXH và đơn đề nghị hưởng lương hưu".
Theo BHXH Việt Nam, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả lương hưu cho người lao động. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Về cách tính tiền lương hưu, bà Ngọc thuộc trường hợp vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Do đó, lương hưu của bà Ngọc sẽ được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật BHXH.
Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối. Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân toàn thời gian tham gia.