(Dân trí) - Đơn hàng giảm, nhiều công nhân mất việc. Lương thấp, thưởng Tết không, họ phải trở về quê ăn Tết sớm hơn dự định. Nhìn những khoản tiền chi tiêu ngày Tết, những công nhân nghèo nặng trĩu nỗi lo.
Đơn hàng giảm, nhiều công nhân mất việc dài ngày. Lương thấp, thưởng Tết không, họ phải trở về quê ăn Tết sớm hơn dự định. Nhìn những khoản tiền chi tiêu ngày Tết, những công nhân nghèo nặng trĩu nỗi lo.
Đầu tháng Chạp, anh Lê Quang Tuấn (45 tuổi, ở thôn 14, xã Xuân Du, huyện Như Thanh) cùng vợ và con trai lặng lẽ lên chuyến xe từ Củ Chi, TPHCM về quê Thanh Hóa. Thất nghiệp đã mấy tháng, gia đình anh tay trắng về quê ăn Tết sớm hơn dự định.
"Sau đại dịch Covid-19, đây là cú sốc thứ hai mà những công nhân như chúng tôi phải hứng chịu. Những năm trước, đây là giai đoạn cao điểm tăng ca, làm không hết việc, nhưng năm nay thì khác. Đơn hàng đã giảm từ giữa năm. Với hy vọng công việc sớm trở lại, chúng tôi cố bám trụ để mong có cái Tết ấm. Tuy nhiên, càng về cuối năm, mọi thứ trở nên tồi tệ, có thời điểm nửa tháng không có việc để làm. Chưa bao giờ đón cái Tết buồn như bây giờ", anh Tuấn tâm sự.
Vợ chồng anh Tuấn trước kia làm ruộng và chăn nuôi. Công việc đồng áng vất vả quanh năm cũng không đủ tiền trang trải cuộc sống. Đúng lúc gia đình đang khó khăn, năm 2014 anh Tuấn lại bị tai nạn, phải cắt bỏ một chân, cuộc sống trở nên bế tắc. Năm 2015, cả gia đình anh quyết định vào miền Nam để mong thay đổi cuộc sống. Khi quyết định vào Nam lập nghiệp, cả gia đình anh rất trăn trở.
"Tôi không còn lành lặn như người bình thường nên rất khó khăn khi xin việc. Lúc đầu, chỉ mình vợ xin được việc ở công ty sản xuất chai nhựa, cả nhà chủ yếu trông chờ vào đồng lương của vợ. Phải mất ba tháng sau, tôi mới may mắn được công ty nhận vào làm công việc đóng gói sản phẩm", anh Tuấn chia sẻ.
Những năm đầu làm việc tại Củ Chi, vợ chồng anh Tuấn có thu nhập ổn định. Lương hàng tháng của hai vợ chồng được khoảng 15 triệu đồng, trừ chi tiêu, tiền thuê trọ, vợ chồng anh Tuấn cũng để ra được vài triệu đồng gửi về quê. Không lâu sau, cậu con trai của vợ chồng anh Tuấn cũng theo bố mẹ vào thành phố làm công nhân.
Khi cuộc sống của cả gia đình anh Tuấn đang tạm yên ổn thì năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, công việc bị dừng, anh chị khăn gói về quê. Đến đầu năm 2022, khi dịch được kiểm soát, cả nhà anh cùng quay trở lại công ty làm việc. Thế nhưng, đến giữa năm 2022 thì công ty gặp khó khăn, các đơn hàng giảm.
"Vừa xong dịch, chưa kịp trở lại guồng quay của công việc thì công ty bị giảm đơn hàng, cắt giảm lao động. Kể từ tháng tháng 6/2022, chúng tôi đã phải cầm cự để sống. Có thời điểm mỗi tháng, lương của cả hai vợ chồng chỉ được 5 triệu đồng", anh Tuấn tâm sự.
Việc làm giảm, thu nhập sa sút, nhiều lúc để bám trụ lại, vợ chồng anh Tuấn phải vay tiền sinh hoạt hằng ngày. "Có tháng chỉ đủ để trả tiền phòng trọ, chúng tôi bám trụ ở lại cũng chỉ mong cuối năm công việc suôn sẻ hơn, kiếm thêm ít đồng về tiêu Tết. Nhưng công việc ngày một ít hơn trước", nam công nhân bộc bạch.
Theo anh Tuấn, những năm trước, vợ chồng anh tiết kiệm chi tiêu, cuối năm tích góp được vài chục triệu đồng để về quê ăn Tết. Năm nay, cả gia đình dồn tiền chỉ đủ mua vé xe về quê.
"Hôm vừa rồi (mùng 5 tháng Chạp-PV), cả gia đình gom hết tiền vừa đủ mua vé xe về quê ăn Tết. Chắc ít hôm nữa, vợ chồng tôi tranh thủ vay mượn ít vốn, đi buôn vài chục gốc đào kiếm tiền tiêu pha dịp Tết", anh Tuấn nói.
Cũng như gia đình anh Tuấn, vợ chồng chị Đặng Thị Mộng Tuyền (31 tuổi, trú tại xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nhiều tháng qua sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp. Giữa tháng Chạp, khi người người, nhà nhà đang sửa sang, nô nức sắm Tết, chị Tuyền và chồng phải đội mưa từ nhà xuống Trung tâm Dịch vụ việc làm ở thành phố Thanh Hóa để tìm việc, mong kiếm tiền tiêu Tết.
"Nhiều năm làm công nhân nhưng đây là lần đầu tiền rơi vào cảnh ngộ này. Những năm trước, gần Tết là thời điểm vợ chồng tôi tăng ca nhiều nhất, nhưng năm nay chúng tôi phải gồng gánh nuôi nhau bằng tiền trợ cấp thất nghiệp", nữ công nhân buồn rầu.
Chị Tuyền cho biết, vợ chồng chị vốn làm công nhân tại Đồng Nai đã gần 10 năm. Khi chưa có dịch Covid-19, công việc khá ổn định với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, công việc bắt đầu bị ảnh hưởng do ít đơn hàng, công ty cắt giảm giờ làm đối với công nhân, chị và chồng trải qua thời gian mất việc dài ngày.
Theo chị Tuyển, từ đầu tháng 3/2022, chồng chị là anh Vũ Hoàng Nhân phải về quê tìm công việc mới, còn chị cố bám trụ lại để làm việc. "Không lâu sau khi chồng về quê vì mất việc thì giữa tháng 6/2022, tôi cũng đành khăn gói về quê sớm hơn dự định", chị Tuyền than thở.
Chúng tôi gặp anh Nhân khi anh vừa làm thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp xong, gương mặt buồn rầu, anh nói: "Còn 10 ngày nữa là đến Tết mà giờ vợ chồng tôi vẫn chưa ổn định được công việc. Khi mới về quê, cũng nghĩ chỉ sau ít tháng, các đơn hàng tấp nập hơn thì trở lại công ty để làm việc. Nhưng đến cuối năm vẫn chưa có gì thay đổi. Tôi đang đợi phỏng vấn tại công ty giao hàng nhanh để đi làm kiếm tiền tiêu Tết, nếu thuận lợi thì ở quê làm việc luôn chứ không muốn quay lại miền Nam làm việc nữa", anh Nhân chia sẻ.
Để tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn cho người lao động, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu UBND tỉnh này chỉ đạo tập trung rà soát, nắm chắc tình hình. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động bị chấm dứt hợp đồng, tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm mới.
Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của người lao động; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới.
Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này dự kiến có khoảng 20.000 lao động về quê trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Tuy nhiên, vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể số lượng lao động từ các tỉnh, thành mất việc trở về quê. Đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương rà soát, có phương án hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau khi trở về.
Theo ông Hoàng Duy Xuyên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng Trung tâm giải quyết khoảng 2.000 hồ sơ của người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Thời điểm hai tháng cuối năm, số lượng có gia tăng. "Việc gia tăng này một phần do công nhân từ miền Nam bị mất việc làm trở về địa phương ngày một nhiều. Để giải quyết những khó khăn cho người lao động, ngoài việc hỗ trợ người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm thường xuyên tổ chức tư vấn, đấu nối với doanh nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm để người lao động có nhu cầu tìm việc mới sau khi trở về, sớm ổn định lại cuộc sống", ông Xuyên cho biết thêm.
Nội dung: Thanh Tùng
Thiết kế: Thủy Tiên