DMagazine

"Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ"

(Dân trí) - Từng đổ máu, từng gắn bó hơn 15 năm nhưng ông Nguyễn Như Hùng đành xin nghỉ làm công an viên xóm. Với công việc thợ xây hiện tại, thu nhập một tháng của ông đã hơn nửa năm làm công an viên trước kia.

Từng đổ máu, từng gắn bó hơn 15 năm trời nhưng cuối cùng, ông Nguyễn Như Hùng đành xin nghỉ làm công an viên xóm. Với nghề thợ xây, thu nhập một tháng của ông đã hơn nửa năm làm công an viên trước kia.

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 1

Ông Nguyễn Như Hùng (41 tuổi, trú xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, Nghệ An) gắn bó với nghề thợ xây từ cuối năm 2022, thời điểm ông xin thôi làm công an viên bán chuyên trách xóm. Ông Hùng làm công an viên từ năm 2007, tính đến thời điểm xin nghỉ là chẵn 15 năm. 15 năm không phải là quá dài nhưng cũng không hẳn là ngắn với những vui buồn của một công an viên bán chuyên trách.

"Nói thật, nghỉ cũng buồn, cũng lắm tâm tư. Nhiệm vụ của công an viên xóm từ khi có công an chính quy về thì cũng không nặng nề, nguy hiểm như trước đây nhưng phụ cấp quá thấp, tôi còn gia đình, còn 2 đứa con học đại học", ông Hùng vô thức sờ vào vét sẹo trên cổ, nói.

"Vết sẹo này là năm 2019, khi tôi được UBND xã điều động đến hỗ trợ, xử lý vụ việc một người dân trong xóm cản trở thi công đường điện. Hồi đó chi phí điều trị hết gần 80 triệu đồng nhưng khi giám định thì mức thương tật 9%, không đủ xếp hạng thương binh", ông Hùng kể.

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 3

Sau nhiều năm gắn bó với công việc mà "điện thoại không dám tắt, chưa một đêm ngủ yên giấc", ông Hùng quyết định xin nghỉ hẳn bởi áp lực kinh tế đè nặng lên người đàn ông trụ cột gia đình.

Với công việc thợ xây, ông Hùng sáng đi, trưa hoặc tối về, tiền công tính theo ngày. Hiện, công thợ xây trên địa bàn 300.000 đồng/ngày, trừ đôi ba ngày nghỉ do có việc đột xuất, thu nhập mỗi tháng của ông Hùng khoảng 8 triệu đồng. "Đi xây một tháng bằng tiền phụ cấp công an viên bán chuyên trách nửa năm", ông Hùng cười.

Phụ cấp thấp, công an viên bán chuyên trách nghỉ để đi xây (Video: H. Lam).

Cũng giống ông Hùng, anh Lô Văn Thủy (38 tuổi, trú bản Piêng Cu, xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) làm đơn xin nghỉ sau 7 năm gắn bó với nhiệm vụ của một công an viên do dân bản tin tưởng, tín nhiệm bầu làm.

"Tôi chính thức nộp đơn xin nghỉ vào tháng 4/2022, sau mấy tháng trời suy nghĩ, đắn đo. Anh em cũng động viên nhiều lắm, dù sao gắn bó với nhau lâu rồi, hiểu nhau nên làm việc cũng có nhiều thuận lợi. Bản thân tôi cũng muốn tiếp tục đóng góp sức mình cho bản làng bình yên nhưng suy đi tính lại, vẫn quyết định nghỉ dù nghỉ cũng buồn lắm", anh Thủy tâm sự.

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 5

Bản Piêng Cu cách trung tâm xã gần 10 cây số đường rừng. Với khoản phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng, nhiều khi anh Thủy còn phải xin vợ tiền đổ xăng chứ chưa nói đến việc "mang tiền về cho vợ". Rồi dịp dịch Covid-19, anh Thủy đi suốt ngày, hết trực chốt lại trực khu cách ly. Hết mùa dịch, anh tham gia thu thập dữ liệu dân cư, hỗ trợ công an chính quy làm căn cước công dân. Công việc cứ cuốn anh đi, thành thử, kinh tế gia đình dồn lên đôi vai của vợ.

Dù vợ chẳng bao giờ trách móc gì nhưng làm người chồng không cáng đáng được kinh tế gia đình, anh cũng khổ tâm. Thằng bé đầu lên cấp 3, bé gái thứ 2 cũng đã học lớp 6, trong nhà bao nhiêu thứ phải chi tiêu, rồi còn tích lũy để cho con đi học đại học... Gánh nặng gia đình khiến anh phải đưa ra sự lựa chọn dù vẫn luôn tâm huyết với sự tín nhiệm của bà con và lãnh đạo địa phương, lãnh đạo công an xã.

Nghỉ công an xã bán chuyên trách, anh Thủy nhận các công trình trong, ngoài bản để làm, mùa măng thì lên rừng đào măng, mùa rẫy thì ra rẫy làm cùng vợ. Thu nhập ổn định, kinh tế khấm khá hơn nhưng nhắc tới công việc cũ, anh vẫn đầy nuối tiếc...

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 7

Ông Nguyễn Bá Văn (55 tuổi), từng là Phó trưởng Công an xã phụ trách công tác hộ khẩu, hộ tịch xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Khi thực hiện Đề án bố trí công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh tại công an xã, tâm huyết với công việc mà ông coi là nghiệp, ông Văn tham gia lực lượng công an bán chuyên trách dù phụ cấp giảm, nguồn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cũng không còn.

"Bình thường, công an viên bán chuyên trách sẽ được phân công địa bàn xóm mình sinh sống. Trường hợp anh Văn lại khác. Thời điểm năm 2019, khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cấp xóm, xóm Chín do tính chất đặc thù nên không tuyển và bố trí được người tại chỗ. Công an xã từng mấy lần bố trí người từ xóm khác sang đảm nhiệm công an viên xóm Chín nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Xuất phát từ hoàn cảnh trên, cuối năm 2020, đồng chí Văn xung phong đảm nhận vị trí này, dù không phải xóm anh sinh sống.

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 9

Trong 3 năm, anh Văn lần lượt đảm nhận công tác an ninh của 2 xóm xa và khó khăn nhất xã. Uy tín, nhiệt tình, tâm huyết và kinh nghiệm nhiều năm công tác nên anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại địa bàn của mình", Thiếu tá Đặng Thanh Hòa - Trưởng Công an xã Lăng Thành - cho biết.

Đầu năm nay, vợ ông Văn đột ngột qua đời sau một cơn tai biến. Bản thân ông đang mang bệnh mãn tính, phải uống thuốc điều trị hàng tháng. Bởi vậy, để tạo điều kiện tốt nhất về nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống cho ông Văn, chính quyền địa phương bố trí ông làm bảo vệ trụ sở ủy ban xã kiêm dọn vệ sinh hàng ngày và chân "chạy giấy tờ" tới các xóm.

Một lúc đảm nhận 4 công việc khác nhau, tổng thu nhập của vị công an viên bán chuyên trách này cũng chỉ vỏn vẹn 4,5 triệu đồng/tháng. Riêng chi phí thuốc men, tái khám hàng tháng đã ngốn của ông Văn 1,5-2 triệu đồng. Để cân đối chi tiêu, ông Văn nhiều lần phải từ chối lời mời giỗ chạp, cưới hỏi trong xóm, trong xã. Nhiều khi biết từ chối suốt như thế cũng mất lòng làng xóm nhưng ở trong hoàn cảnh này, ông khó có phương án nào tốt hơn.

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 11

"Vừa qua, theo quy định mới, tôi được hỗ trợ thêm mỗi tháng 30.000 đồng mua bảo hiểm y tế, còn khoản bảo hiểm xã hội mỗi tháng 500.000 đồng đang tự đóng. Đến nay tôi tham gia bảo hiểm được 16 năm rồi, cố gắng thêm 4 năm nữa để khi nghỉ, có thêm đồng lương hưu để đỡ phiền con cháu", ông Văn tâm sự.

Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có địa bàn rộng, người dân sinh sống dựa vào nghề đi biển và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Toàn xã có 8 đơn vị cấp xóm với 13.000 nhân khẩu, bởi vậy lực lượng công an xã bán chuyên trách đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ công an chính quy đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở.

Ông Đậu Đình Quyền (53 tuổi, trú xóm Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập) trước là thôn đội trưởng, năm 2020, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xóm, vị trí của ông bị dôi dư, trong khi đó xóm mới lại "khuyết" công an viên. Sau khi được chính quyền địa phương và Công an xã Quỳnh Lập vận động, ông Quyền đồng ý tham gia công an xã bán chuyên trách.

Tâm huyết lắm... nhưng không có tiền nên đành phải nghỉ - 13

"Công việc chính của ông Quyền là đi biển, mỗi chuyến ra khơi kéo dài 5-7 ngày. Khi công an xã cần điều động tham gia các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn hay các vụ việc đột xuất cũng khá bất cập. Với mức phụ cấp của công an xã bán chuyên trách hơn 1,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì chúng tôi cũng phải tạo điều kiện cho các bác vì ai cũng phải mưu sinh, lo cho gia đình", Đại úy Văn Đức Dự - Trưởng Công an xã Quỳnh Lập - cho biết.

Mặc dù công an xã đã tạo điều kiện tối đa nhưng ông Quyền vẫn xin nghỉ. Nguyên nhân là phụ cấp thấp, hơn nữa, công việc mưu sinh hiện tại khiến ông khó có thể đảm trách nhiệm vụ của một công an viên xóm.

"Ngoài ông Quyền, có 2 công an viên khác cũng xin nghỉ. Chúng tôi vẫn đang động viên các bác "giúp" thêm một thời gian nữa vì hiện nay tìm người thay không đơn giản", Đại úy Dự thông tin.                               

                               Ảnh: Hoàng Lam, CANA

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Tuấn Huy