1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tại sao tiền lương đóng bảo hiểm thấp hơn nhiều lương thực tế?

Huyền My

(Dân trí) - Nhiều khoản tiền trong bảng lương của người lao động không bị tính đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người lao động cần thỏa thuận kỹ về các khoản tiền đóng BHXH để không bị thiệt thòi.

Tại sao tiền lương đóng bảo hiểm thấp hơn nhiều lương thực tế? - 1

Người lao động đến đăng ký tuyển dụng và nghe tư vấn về các chế độ bảo hiểm tại sàn giao dịch việc làm ở TPHCM hồi đầu tháng 10 (Ảnh: Hải Long).

Giải đáp thắc mắc về tình trạng hầu hết mức lương đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn thấp hơn lương thực tế, Luật sư Nguyễn Anh Dũng - Đoàn Luật sư TPHCM khẳng định, trường hợp này không được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Dũng lý giải, theo quy định, hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động phải trích một phần quỹ lương để đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Doanh nghiệp đóng theo tỷ lệ 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, người lao động đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng BHXH.

Ví dụ, tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng thì mức trích đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động 525.000 đồng/tháng.

Theo quy định, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm các khoản: Mức lương; phụ cấp lương; các khoản bổ sung khác xác định được số tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Các khoản tiền này phải được thỏa thuận rõ và ghi nhận trong hợp đồng lao động để làm căn cứ trả lương và đóng BHXH cho người lao động.

Tuy vậy, nhiều khoản tiền sẽ không bị tính đóng BHXH như: thưởng căn cứ kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; các khoản hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người gặp hoàn cảnh khó khăn…

Do đó, việc người sử dụng lao động đóng BHXH thấp hơn lương thực tế trả cho người lao động nhưng vẫn bảo đảm đóng đủ theo các khoản quy định thì không bị coi là trái luật.

Trường hợp đã thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cố tình khai thông tin không đúng quy định để đóng bảo hiểm với mức thấp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ được xác định dựa trên các khoản tiền mang tính chất cố định và ghi nhận trực tiếp trong hợp đồng lao động.

Theo khoản 3 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, trường hợp tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì doanh nghiệp và người lao động và doanh nghiệp cũng chỉ đóng BHXH với mức tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương 28,9 triệu đồng/tháng.