Tái hiện cuộc đời người mẹ tiễn 9 con đi chiến trường, không ai trở về
(Dân trí) - Trong 2 cuộc kháng chiến, mẹ Thứ nhận 9 giấy báo tử của 9 con trai, con rể cùng 2 cháu ngoại hy sinh. Mẹ thứ và con gái cả của mẹ cùng được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ (1904-2024) và 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh cao cả, đóng góp lớn lao của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ cũng như các Bà mẹ VNAH trên cả nước.
Đặc biệt, công trình quần thể tượng đài Bà mẹ VNAH ở Núi Cấm (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) được bố trí không gian trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.
Không gian trưng bày được khai thác từ ngày 20 đến 31/7, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, tưởng nhớ công ơn hy sinh của các Bà mẹ VNAH cho độc lập, tự do.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ sinh ra tại xóm Rừng, làng Thanh Quýt, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, mất ngày 10/12/2010 tại thành phố Đà Nẵng, thọ 106 tuổi.
Nuôi con cháu trong cảnh lận đận, nghèo khổ nhưng khi tổ quốc cần, mẹ Thứ động viên, tiễn các con ra chiến trường. Mẹ Thứ có 12 người con (11 trai và 1 gái), trong đó tới 9 con trai hy sinh. Con đầu và cũng là con gái duy nhất - bà Lê Thị Trị - là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Mẹ VNAH khi có chồng và 2 con gái là liệt sỹ. Như vậy gia đình mẹ Thứ có 12 liệt sỹ.
Hiếm có người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều nỗi đau và hy sinh to lớn như mẹ Thứ. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mẹ Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của 9 con trai và nhận tin con rể cùng 2 cháu ngoại hy sinh.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, khu vườn của Mẹ luôn có 5 căn hầm bí mật dưới bụi tre, gốc mít, nơi Mẹ và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội, du kích. Bao đêm dài, Mẹ thao thức canh chừng cho nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sỹ ngay dưới những căn hầm bí mật trong vườn nhà.
Năm 80 tuổi, mẹ Thứ mất cả đôi mắt. Mẹ sống với con gái ở quê nhà sau đó chuyển ra Đà Nẵng sống cùng con út Lê Tự Tân đến khi qua đời ở tuổi 106.
"Lúc còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh, liệt sỹ, Mẹ thường chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 chiếc bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với mẹ…", trích hồi tưởng của Mẹ VNAH Lê Thị Trị - con gái đầu của mẹ Nguyễn Thị Thứ.
Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH đợt đầu tiên với 19.879 bà mẹ, trong đó có mẹ Thứ.
Trân trọng với những hy sinh, cống hiến của các Bà mẹ VNAH cho Tổ quốc, cho nhân dân, năm 2004, Đảng và Nhà nước phê duyệt dự án xây dựng quần thể Tượng đài Bà mẹ VNAH.
Đặc biệt, tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ do họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng sáng tác đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.
Ngày 27/7/2009, công trình được khởi công tại núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ) rộng 150.000m2, hoàn thành ngày 24/3/2015.
Bên trong tượng đài là nhà tưởng niệm Mẹ VNAH, bia ghi danh gần 50.000 Mẹ VNAH cả nước. Đây là nơi trưng bày gần 300 hiện vật trong số gần 1.000 hiện vật đã được sưu tầm từ các Mẹ VNAH tiêu biểu đại diện cho hơn 127.000 Bà mẹ VNAH trên cả nước.
Đặc biệt, chương trình kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ sẽ được tổ chức 20h ngày 27/7 tại Quảng trường Điện Bàn, đường Hoàng Diệu, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.