(Dân trí) - Những đêm đi hát về khuya, chị Sự chỉ ngủ được 3 tiếng rồi dậy theo chồng gom rác khi trời chưa sáng. Trên đường đi, chị ngủ gật trên vai chồng và không còn sức xách bịch rác nặng xuống cầu thang.
Tối cuối tuần, chị Tô Ngọc Sự, 36 tuổi, lật đật mặc bộ áo dài trắng. Xỏ đôi giày cao gót, chị chạy xe máy gần 20km, từ nhà ở huyện Nhà Bè, TPHCM đến một quán cà phê sân vườn ở quận Phú Nhuận. Đêm nhạc hôm nay có khoảng 100 khách, chị được mời hát hai bài. Ngoài bộ đồ diễn mặc sẵn trên người, nữ ca sĩ không quên mang theo một chiếc đầm khác để thay và một vài dụng cụ trang điểm cơ bản. Đồ đi diễn của chị đơn sơ, gọn nhẹ, tất cả được đựng trong chiếc túi nilong nhỏ.
Chị Sự quê ở Hà Tĩnh. Học hết cấp 2, chị theo chân những thanh niên trong làng vào Đồng Nai làm thuê ở công ty may. Cuộc sống của cô gái đôi mươi êm đềm trôi qua, cho đến khi tai nạn nổ bình gas trong phòng trọ năm 21 tuổi chôn vùi tất cả. Thuở đó, sau 3 tháng nằm viện, dịp gần Tết, bác sĩ cho chị về quê. Bị bỏng đến 45% cơ thể, cô gái đang tuổi xuân xanh khỏe mạnh, có công việc ổn định trở thành gánh nặng của gia đình.
Khi những vết thương liền da cũng là lúc chị Sự cảm thấy từng ngón tay, khủyu tay và vùng cổ của mình bị co rút lại, mọi hoạt động khó khăn. Dáng dấp cô gái trẻ rúm ró, còm khọm như một người già. "Ai nhìn tôi cũng lắc đầu nói con Sự thế là xong rồi!", chị hồi tưởng.
Lúc bấy giờ, chính bản thân và gia đình cũng chẳng ai dám nghĩ chị có thể làm gì đó để kiếm sống. Nhưng sau hơn 5 năm chỉ quanh quẩn trong nhà, thay vì phó mặc số phận, chị quyết định tìm kiếm những đợt phẫu thuật miễn phí để các khớp tay cử động linh hoạt hơn, mục đích để tìm cho mình một cơ hội thay đổi cuộc đời.
Từ năm 2011, chị vào TPHCM, ở nhờ nhà người quen để đi phẫu thuật. Hễ biết có chương trình nào miễn phí, chị đều tìm đến đăng ký. Tuy có lúc được lúc không, nhưng trung bình cứ nửa năm chị lại được phẫu thuật một lần. Tổng cộng, chị Sự đã trải qua 6 lần phẫu thuật để cổ và tay có thể cử động linh hoạt như hiện tại. Trong khoảng thời gian đó, chị Sự không về quê mà ở lại thành phố để đi bán vé số.
Cô gái trẻ đã mất gần chục năm để có thể quay lại cuộc sống bình thường như bao người.
"Khi đi bán vé số, người ta khuyên tôi nên mặc áo ngắn tay để người mua thương tình nhưng tôi rất ngại. Tôi mặc đồ che kín hết các vết sẹo bỏng, mang khẩu trang suốt, chỉ để lộ đôi mắt", chị Sự nói.
Bán vé số một thời gian, chị Sự xin vào một công ty may, làm ở bộ phận cắt chỉ. Thời gian đó, chị gặp và yêu rồi quyết định kết hôn với người đàn ông là ông xã hiện tại. Theo chồng về quê ở huyện Nhà Bè, chị chuyển sang buôn bán quần áo. Gần 4 năm nay, vợ chồng chị quyết định cùng nhau làm nghề vệ sinh, gom rác ở chung cư. Thu nhập của họ ổn định hơn, để cùng nhau lo cho con trai 8 tuổi của mình.
Hằng ngày, vợ chồng chị phải dậy từ 3 giờ sáng. Anh chở chị bằng chiếc xe ba gác nhỏ, di chuyển hơn 10km từ huyện Nhà Bè đến một chung cư ở quận 4 để gom rác, công việc làm đến khoảng 9 giờ thì xong.
Mất nhiều năm để phục hồi sức khỏe và xây dựng cuộc sống gia đình ổn định, khoảng 3 năm nay, chị Sự mới có thời gian nghĩ về ước mơ của mình. Đó là trở thành một ca sĩ. Vốn yêu thích ca hát và có chất giọng từ nhỏ nhưng biến cố, cuộc sống khó khăn suốt nhiều năm khiến chị chưa bao giờ nghĩ đến việc có thể đứng trên sân khấu để cất tiếng hát.
Mãi đến năm 2018, chị Sự lấy hết can đảm thử đăng ký thi một cuộc thi ca hát nhưng vì nhớ nhầm ngày casting, nên vuột mất cơ hội. "Nghĩ mình không có duyên với con đường nghệ thuật, lại lớn tuổi và ngoại hình hạn chế, không đẹp, tôi thôi nghĩ đến ước mơ của mình", chị trải lòng.
Thế nhưng, âm nhạc vẫn theo chị mỗi ngày. Ngoài những buổi đi hát karaoke cùng bạn bè, chị không ngại cất tiếng hát trong những bữa tiệc như đám cưới, sinh nhật hay giao lưu trong những đêm nhạc ở quán cà phê… Dù thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị không mấy dư giả, chị vẫn dành một khoản để tìm thầy học thêm về nhạc lý.
"Quá mê nhạc, tôi chỉ dám bỏ tiền học gọi là 'cưỡi ngựa xem hoa'. Tôi nghỉ học từ năm lớp 8, không sáng dạ lắm nên học chậm tiếp thu. Hơn nữa là không có nhiều tiền để học bài bản", chị chia sẻ.
Đầu năm nay, chị Sự tham gia cuộc thi Giọng ca vàng Bolero. Sau vòng loại, chị được ra Đà Nẵng để thi tiếp, sau đó dừng lại ở top 40 của cuộc thi.
Lần đó, chị đã phải thuyết phục chồng rất nhiều để anh hiểu và đồng ý cho chị đi xa gần một tuần. Tuy phải gánh thêm phần việc của vợ mỗi ngày, nhưng chồng chị vẫn khích lệ và nhắn tin chúc mừng khi vợ hoàn thành phần thi.
Anh Hòa, 50 tuổi, chia sẻ, bản thân không đam mê ca hát nên thời gian đầu không ủng hộ việc vợ mình theo nghiệp ca sĩ. Chưa kể, những lần đi hát chị thường hay về trễ khiến anh lo lắng.
"Vợ tôi đã có một thanh xuân với chuỗi ngày phẫu thuật, chiến đấu với những vết thương. Cưới nhau xong, cô ấy đã cố gắng làm việc đỡ đần tôi lo cho gia đình. Tôi thấy cô ấy chỉ có niềm đam mê ca hát nên giờ tạo điều kiện để vợ thỏa ước mơ", anh Hòa nói.
Công việc gom rác cho hàng trăm hộ dân ở chung cư khá vất vả. Ngoài việc phải thức dậy từ hơn 3h sáng mỗi ngày, chị Sự phải leo cầu thang lên xuống nhiều lần.
Có hôm đi hát về trễ, chị chỉ được ngủ 2 -3 tiếng đã phải dậy. Ngồi cạnh chồng trên chiếc xe rác, chị dựa vào vai anh ngủ gật. Có khi mệt quá, chị ra sau thùng xe ngồi bó gối để chợp mắt thêm chừng 30 phút.
Đến nơi, người phụ nữ vốn sẵn bệnh tim ngồi thở hổn hển. Leo đến tận lầu 4 để gom rác, nhiều lần anh Hòa thấy vợ lâu trở xuống, vội chạy lên lầu tìm thì thấy chị ngồi thụp một góc, thở dốc. Thương vợ, anh lẳng lặng làm thay phần việc cho chị để cả hai sớm được về nhà.
Để vợ chồng có thể an tâm đi làm, buổi sáng, chị nhờ hàng xóm đưa con đi học. Đổi lại, vào buổi chiều chị nhận phần đón bọn trẻ về. Nếu cuối tuần được mời đi hát vào buổi tối, chị tất bật lo đón con, nấu cơm để sẵn cho chồng con rồi mới an tâm đi hát.
Dù tiền công được trả không nhiều, chỉ khoảng vài trăm nghìn, nhiều lắm thì được 1 triệu đồng cho một buổi diễn trong khi còn phải mua thêm quần áo, đồ trang điểm… chị vẫn nhận lời. Với chị, cảm giác được đứng trên sân khấu là điều hạnh phúc. "Vì còn công việc và con nhỏ nên tôi chỉ từ chối những show đi tỉnh xa. Nếu ở Sài Gòn, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia", chị Sự cho biết.
Đứng trước khán giả, chị Sự vẫn rất giản dị. Người phụ nữ chẳng trang điểm lộng lẫy, cũng không mặc đồ sang trọng. Có hôm vì muốn trau chút thêm cho bản thân, chị mua một bộ móng tay giả giá 35 nghìn để dán lên móng trước khi lên hát. Tuy nhiên, phần keo không dính chắc, vừa dán vào lại bị bong ra ngay lập tức.
"Tiết kiệm, mua loại rẻ nhất nên không xài được luôn", chị tự trào phúng.
Quen biết nữ ca sĩ tay ngang đầu năm 2022, ngoài giọng hát hay, ca sĩ Chính Luân còn cảm nhận được ở chị một tinh thần mạnh mẽ và tình yêu nghề. Nhân dịp tổ chức đêm nhạc kỷ niệm chặng đường ca hát của mình hồi cuối tháng 10, anh Luân mời chị Sự đến hát 2 bài, trong đó có 1 bài song ca cùng mình.
Khác với những ca sĩ chuyên nghiệp khác, chị không sắp xếp đến tập với mọi người trước. Người phụ nữ cũng không có thời gian để học lời và tự tập dượt ở nhà. Trong lúc chờ đến lượt mình hát, chị mới có chút thời gian để hát thử bài mới một lần rồi lên sân khấu song ca cùng Chính Luân ngay.
Trước đêm diễn một hôm, trời Sài Gòn trở lạnh. Vì đi làm sớm nên chị bị đau họng, tắt tiếng. Có ý định rút tên khỏi chương trình nhưng được ca sĩ Chính Luân động viên nên chị đã tham gia.
"Khi hát song ca với tôi, chị ấy có vấp một số chỗ nhưng vì chất giọng tốt và bình tĩnh nên chị đã xử lý được. Đoạn nghỉ giữa bài hát, chị nói nhỏ với tôi: 'Không biết bao giờ chị mới được tự tin như em?'. Tôi rất xúc động, chỉ biết ôm chị để động viên", nam ca sĩ nói.
Bài hát kết thúc, cặp song ca cúi đầu chào, cảm ơn khán giả. Cũng như nhiều lần trước, nữ ca sĩ hiếm khi cười trên sân khấu vì tự ti về nụ cười méo mó do vết sẹo ở môi. Vì thế, không ít khán giả lần đầu gặp nữ ca sĩ có một không hai tỏ ra thắc mắc vì gương mặt chị khá "lạnh lùng" khi biểu diễn.
Thế nhưng hôm đó, trên đường trở về phòng chờ, chị được một khán giả kéo lại chúc mừng. Người phụ nữ xa lạ cầm tay nữ ca sĩ - bàn tay sau nhiều lần phẫu thuật vẫn còn những ngón cứng đờ, co quắp vì những vết sẹo chằng chịt.
"Em cười chắc sẽ đẹp lắm, lên sân khấu phải tự tin và cười nhiều hơn nhé", vị khán giả động viên.
Vậy là người phụ nữ vốn tự ti vì vết sẹo trên môi, cuối cùng cũng chịu nở nụ cười tự nhiên mà không còn phải lấy tay che miệng nữa...
Nội dung: Diệp Phan
Ảnh: Hải Long - Trần Đạt
Thiết kế: Tuấn Huy