Niềm vui của cựu binh trong căn nhà nghĩa tình đồng đội
(Dân trí) - Không còn cảnh sống trong căn nhà tạm bợ, lụp xụp, được sự giúp đỡ của anh em, đồng đội, thương binh Hoàng Văn Luận giờ đây đã có căn nhà rộng rãi, kiên cố.
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, thương binh 1/4 Hoàng Văn Luận (59 tuổi, ở thôn 4, xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) mang theo nhiều di chứng. Bàn tay trái bị cụt. Mắt phải thị lực chỉ còn 2/10 vì mảnh đạn đang găm dưới khóe mắt sâu… Mỗi khi trái gió trở trời, ông Luận lại toàn thân đau đớn.
Dù được nhà nước trợ cấp, có bảo hiểm mỗi khi đi viện nhưng cuộc sống của 2 vợ chồng và 3 người con đang tuổi ăn học vẫn vô cùng vất vả.
Ông Luận cho biết, năm 1985, ông lên đường nhập ngũ, huấn luyện tại Sóc Sơn, Hà Nội. Sau đó, ông cùng các đồng đội được điều chuyển về Sư đoàn 312, tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc.
"Năm 1987, quân ta đang thực hiện chiến dịch ngăn chặn quân địch tràn qua biên giới, quyết bảo vệ biên giới. Tôi bị thương tại điểm chốt làng Binh, Vị Xuyên, Hà Giang. Lúc đó, tôi cùng 9 anh em vừa ăn cơm xong, đang ngồi trong lô cốt trực chiến thì pháo của quân địch nã liên tục, trúng nhiều người. Khi bị pháo bắn trúng, tôi ngất đi. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang ở nhà tiểu phẫu của Sư đoàn, bàn tay trái chỉ còn dính với cánh tay bởi một lớp da mỏng. Mắt bên phải không nhìn thấy gì, đầu đau, toàn thân đẫm máu" - ông Luận kể.
Sau khi được bác sĩ của Sư đoàn trao đổi, ông Luận đồng ý cắt bỏ bàn tay trái. Những chuỗi ngày sau đó ông được đưa đi khắp các bệnh viện trong khu vực để điều trị vết thương. Trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng bàn tay trái của ông vẫn không lành lặn lại, trong khi mắt phải dần mờ đi, vết đạn đến giờ vẫn còn ở dưới khóe mắt.
Năm 1988, ông Luận xuất ngũ, về địa phương, sau đó lập gia đình. Sức khỏe của người cựu binh ngày càng suy giảm, tất cả mọi lo toan, gánh vác trong gia đình đều đặt lên vai vợ ông. Cuộc sống chật vật hơn khi 3 người con lần lượt ra đời, tiền ăn học ngày càng tốn kém.
Chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày còn chật vật nên ước mơ có một ngôi nhà kiên cố, ấm áp mỗi khi mùa mưa đến, với ông Luận, thực sự xa vời…
Ngôi nhà được bố mẹ dựng cho vợ chồng ông Luận từ những năm 1994 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
"Mỗi khi mùa mưa bão đến, nhà lại bị thấm, gia đình lại phải đi sơ tán. Nhiều lần muốn làm nhà nhưng chưa đủ kinh phí, nếu có vay mượn cũng không được bao nhiêu", ông Luận nói.
Đầu năm 2022, ông Luận được Hội Cựu chiến binh huyện Nga Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng. Các con ông Luận cũng nhân cơ hội này gom góp để giúp bố thực hiện được ước mơ có căn nhà kiên cố.
Ngày ông khởi công xây dựng nhà, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ hội viên cựu chiến binh của xã Nga An và thôn xóm cũng ủng hộ số tiền 3 triệu đồng, cùng hàng chục ngày công.
"Tôi thì sức yếu, lại hay ốm đau, bệnh tật, có nhà mới rồi cũng thấy khỏe hơn, ăn ngon miệng hơn, nhìn thấy các cháu chạy nhảy trong căn nhà rộng rãi, thuận tiện, lòng cũng rộn ràng", ông Luận bộc bạch.
Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Nga An cho biết: "Anh Hoàng Văn Luận là thương binh nặng, hay ốm đau, bệnh tật. Dù đã rất cố gắng, song cuộc sống của gia đình vẫn còn khó khăn. Hội Cựu chiến binh xã Nga An đã báo cáo Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Nga Sơn và đã được Hội đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng từ quỹ xóa nhà dột nát do các thành viên trong Hội đóng góp, giúp gia đình anh Luận làm nhà".