Những yếu tố chi phối trong 3 bảng lương mới của công an, quân đội
(Dân trí) - Trong số 5 bảng lương mới nhà nước xây dựng để thay thế "ma trận" thang bảng lương hiện hành có 3 bảng lương áp dụng với lực lượng vũ trang. Có 5 yếu tố chi phối tới các bảng lương mới.
Bảng lương 5 yếu tố
Những nội dung này sẽ chính thức thực hiện từ 1/7 năm nay, theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có quy định thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương.
Căn cứ yêu cầu của Trung ương (Nghị quyết 27 năm 2018), nhà nước sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành.
Nguyên tắc đề ra, lương mới áp dụng với các nhóm đối tượng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Bên cạnh 2 bảng lương chức vụ và lương chuyên môn nghiệp vụ áp dụng với công chức, viên chức, Nghị quyết 27 nêu rõ việc xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang gồm 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Khi thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương mới của lực lượng vũ trang được thiết kế dựa trên việc xác định 5 yếu tố chi phối.
Trước hết là mức lương cơ bản. Nhà nước bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện hành, xây dựng lương cơ bản là số tiền cụ thể quy định trong mỗi bảng lương mới.
Thứ hai, thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
Thứ ba, xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Thứ tư, mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Thứ năm, hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Thời điểm hoàn thành chế độ tiền lương mới
Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã xây dựng hoàn tất tờ trình và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị, làm cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản.
Theo quy trình, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 Chính phủ giao Bộ Nội vụ phải hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5/2024.
Theo Nghị quyết 27, cơ cấu tiền lương mới từ 1/7/2024 sẽ được tính theo công thức: Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức = Lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương + phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương) + tiền thưởng (khoảng 10% tổng quỹ lương không bao gồm phụ cấp).
Trong đó, bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương đang được áp dụng hiện nay từ ngày cải cách tiền lương. Hiện nay, mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật là 1,8 triệu đồng/tháng.