Hà Nội:
"Nhận lương hưu hơn 30 triệu đồng, tiêu đến Tết chưa hết"
(Dân trí) - Khác biệt so với những tháng trước đây, hôm nay, ông Đỗ Xuân Thuộc (thị trấn Văn Điển, Hà Nội) được nhận 2 tháng lương hưu gộp trước tết Nguyên đán.
Rôm rả đi nhận lương hưu
Sáng 5/1, sau khi dùng xong bữa sáng, tưới nước cho những chậu hoa ở ban công, ông Thuộc vội vã đến Bưu điện trung tâm thị trấn Văn Điển để lĩnh hai tháng lương hưu.
Đến nơi, rất nhiều người cao tuổi đã ngồi kín các hàng ghế, chờ lĩnh lương hưu hằng tháng. Khác biệt với mọi khi, đợt chi trả này ai nấy đều vui tươi, hồ hởi hơn bởi được nhận khoản tiền lớn trước thềm tết Nguyên đán.
Sau khi lấy số thứ tự, ông Thuộc di chuyển đến hàng ghế bên ngoài, ngồi trò chuyện, hỏi thăm những người bạn lâu rồi không gặp mặt. Tiếng cười nói rôm rả, họ hỏi nhau về tình hình sức khỏe, cuộc sống sau tháng ngày rời nơi làm việc mấy chục năm qua.
Sau 35 năm công tác trong quân đội, ông Đỗ Xuân Thuộc nghỉ hưu năm 2000, với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Trải qua nhiều lần tăng, mức lương hưu hiện hưởng của ông là 15,5 triệu đồng/tháng.
"Nhận 2 tháng lương hưu trước Tết là chủ trương nhân văn của nhà nước. Bởi Tết khá nhiều khoản phải chi tiêu. Với số tiền này, đến Tết gia đình tôi vẫn chưa tiêu hết được ngay", ông Thuộc nói.
Do vợ không có lương hưu, ông phải giữ lại một khoản phòng thân khi ốm đau, bệnh tật.
Lương hưu cao nhất huyện, hơn 32 triệu đồng
Với khuôn mặt hồ hởi, bà Nguyễn Thị Quế (61 tuổi, thị trấn Văn Điển) tự hào về mức lương hưu của bố chồng với 16,2 triệu đồng/tháng, có lẽ cao nhất huyện Thanh Trì.
Hôm nay, bên cạnh nhận lương hưu cho mình, bà Quế được ủy quyền nhận lương hưu cho bố chồng năm nay 92 tuổi.
Trước đây là bộ đội, năm 1981, bà chuyển ngành, làm việc ở công ty bánh kẹo. Năm 2005, bà Quế nghỉ hưu với mức lương khiêm tốn chỉ 2 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần tăng lương, đến nay, mỗi tháng bà nhận về 3 triệu đồng.
"Thời còn công tác, bố tôi là thủ trưởng của đơn vị trong quân đội. Vì vậy, khi nghỉ hưu ông nhận về mức lương khá cao. Khi tuổi cao, bố ủy quyền cho tôi nhận lương hưu hằng tháng", bà Quế nói.
Cả gia đình bà đều có lương hưu, trợ cấp hằng tháng nên cuộc sống của gia đình sung túc hơn khi về già. Bố mẹ chồng đã cao tuổi, song với mức lương hưu khá cao, ông bà dư dả tiền dưỡng già.
Theo bà Quế, đôi khi gia đình có những việc lớn như sửa nhà, cưới con, ông bà còn tích cực hỗ trợ tiền.
Thay vì nhận lương hưu qua thẻ ATM, bà Quế thích nhận lương hưu trực tiếp hơn. Đây như một ngày hội với người cao tuổi, được gặp gỡ, hỏi han nhau sau thời gian xa cách.
Bà Quế, ông Thuộc là hai trong hơn 18.000 người của huyện Thanh Trì nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Ông Trình Quốc Công, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Trì cho hay, hằng tháng, toàn huyện chi trên 94 tỷ đồng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Trong tháng 1, số tiền chi trả là trên 184 tỷ đồng.
"Trong các năm gần đây, chúng ta đã chi trả gộp 2 tháng lương hưu trước tết Nguyên đán khiến các cụ rất vui. Việc này thể hiện sự quan tâm của nhà nước với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, vì trong dịp Tết phải chi phí nhiều hơn bình thường. Người hưởng sẽ có thêm chi phí đảm bảo cho cuộc sống gia đình", ông Công nói.
Sau khi có công văn hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Công cho biết, bảo hiểm xã hội huyện phối hợp của bưu điện tuyên truyền, hướng dẫn việc chi trả đến từng người hưởng lương hưu, trợ cấp.
Lịch chi trả từ ngày 5/1 đến 9/1 với những người có bảng lương hưu. Bên cạnh, nhóm đối tượng được hưởng sau khi chi trả, bảo hiểm tiếp tục phối hợp với bưu điện chi trả từ ngày 1/2 trở đi, đảm bảo cho tất cả những đối tượng sẽ được hưởng chế độ của mình.
Trên địa bàn Hà Nội, ngày 5-9/1, ngành bưu điện Hà Nội chi trả tiền mặt cho 340.000 người với hơn 4.000 tỷ đồng và chi trả qua thẻ ATM là 250.000 người (gộp hai tháng 1 và 2/2024).
Bà Đàm Thị Chi, Giám đốc Bưu điện Trung tâm huyện Thanh Trì, cho biết, ngày trả lương hưu là dịp để các cụ trò chuyện, hàn huyên nên ai cũng vui vẻ, phấn khởi như đi hội.
Hằng tháng, ngành bưu điện chi trả lương hưu trực tiếp cho trên 12.000 người và hơn 6.000 người khác bằng thẻ ATM.
Trước đây, chỉ có khoảng 10% người nhận qua thẻ ATM, sau đó số nhận đã tăng lên gần 40%. Số còn lại do các cụ tuổi cao trên 70, không bắt kịp công nghệ thông tin và lo ngại nhiều bước nhận tiền qua thẻ, mất mát trong quá trình sử dụng…