Mức tăng lương hưu, tuổi nghỉ hưu năm 2024
(Dân trí) - Năm 2024, nhiều chính sách về lương hưu thay đổi như điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, chi trả gộp 2 tháng lương hưu trong cùng một kỳ...
Điều chỉnh lương hưu
Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thông qua dự toán ngân sách nhà nước trong năm, với số thu được xác định khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Về thực hiện cải cách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Như vậy, lương hưu sẽ được điều chỉnh từ 1/7/2024. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể ra sao cần chờ văn bản quy định của Chính phủ.
Lần tăng lương hưu gần nhất là từ 1/7/2023 theo quy định tại Nghị định 42/2023/NĐ-CP với mức tăng 12,5% hoặc 20,8% tùy các đối tượng cụ thể.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động muốn nghỉ hưu cần phải đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường năm 2024 là 61 tuổi với lao động nam và 56 tuổi 4 tháng với lao động nữ.
Thay đổi mức lương hưu tối thiểu
Công thức tính lương hưu được áp dụng theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 7, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP như sau: Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng đối với lao động nam đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội là 45%. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ thêm 2%. Quy tắc áp dụng tương tự với lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội. Mức hưởng lương hưu tối đa với cả hai nhóm lao động là 75%.
Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần.
Như vậy, nếu thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27/NQ-TW từ ngày 1/7/2024 như dự kiến thì công thức, cách tính lương hưu có thể sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, Điều 56 và Điều 71, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng, nên mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.
Gộp 2 tháng lương hưu trong cùng 1 kỳ chi trả
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn gửi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1, tháng 2 năm 2024.
Theo đó, để tạo điều kiện cho người hưởng lương hưu và trợ cấp vui Tết cổ truyền, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp kinh phí chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và tháng 2 năm 2024 cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chi trả đến người hưởng vào cùng kỳ chi trả tháng 1/2024, bao gồm cả người hưởng nhận bằng tiền mặt và nhận qua tài khoản cá nhân.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi trả, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho người hưởng.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả cho người hưởng, phối hợp, giải quyết, xử lý dứt điểm phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.