Người thầy đặc biệt kết nối những mảnh ghép thiệt thòi
(Dân trí) - Từng là đối tượng câm điếc được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội, sau nhiều năm bươn chải, anh Lê Khánh Hưng đã trở lại để giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn.
Cán bộ trẻ giàu nghị lực
Bị câm điếc bẩm sinh, năm 8 tuổi anh Lê Khánh Hưng sinh năm 1983 trú tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) được gia đình đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội.
Vốn là một người thông minh, anh Lê Khánh Hưng tiếp thu ngôn ngữ ký hiệu rất nhanh và sử dụng trong giao tiếp rất thành thạo.
Tại đây anh được nuôi dưỡng, học tập và được dạy nghề. Từ một cậu bé khuyết tật, anh đã biết viết, biết nói chuyện và có trong tay nghề may sau 8 năm ở trung tâm.
Sau khi trở về nhà, anh Lê Khánh Hưng làm việc tại Công ty may 18/4 (Hà Nội). Công việc ổn định với mức thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và gia đình nhưng anh luôn đau đáu nhớ về Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội nơi anh coi là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Thông qua ngôn ngữ cơ thể và sự chuyển ngữ của cán bộ trung tâm, anh Lê Khánh Hưng cho biết: “Ở đây tôi được học tập và lớn lên mà quên đi mình là một đứa trẻ khác biệt. Ngày ấy các cô các chú đối xử với tôi rất tốt. Mọi người nói chuyện với tôi bằng ngôn ngữ ký hiệu và coi tôi như con mình”.
Sau nhiều năm đi làm ở doanh nghiệp, cuối năm 2006, anh quyết định quay trở lại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội xin làm việc. Anh mong muốn giúp các em nhỏ khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng.
“Khi tôi nói với gia đình sẽ quay trở lại trung tâm làm việc, mọi người trong gia đình rất ủng hộ và động viên. Nếu không có trung tâm, có lẽ giờ tôi vẫn là một người ngoài xã hội”- anh Lê Khanh Hưng tâm sự.
Người thầy đặc biệt
Tuổi thơ của người cán bộ trẻ Lê Khánh Hưng trải qua đầy chông gai, khó khăn, lắm lúc hoang mang, chơi vơi. Anh chưa một lần cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống, chưa một lần cất được tiếng gọi "ba ơi!", "mẹ ơi!"...
Ở chính nơi đã tạo môi trường học tập và thắp lên ước mơ, khát vọng sống cho mình, anh phần nào thấu hiểu được hoàn cảnh, sự cô đơn tủi hờn của những con người nơi đây. Vì thế anh Lê Khánh Hưng luôn hết mực yêu thương, coi những đứa trẻ ở đây như những đứa con của mình.
Hàng ngày anh, chăm sóc cho những đứa trẻ nơi đây từng bữa ăn, giấc ngủ. Đã có gia đình riêng với vợ và 2 đứa con những ngày nắng cũng như ngày mưa, anh đều đến trung tâm từ rất sớm vì vợ và các con rất cảm thông và chia sẻ công việc với anh.
Anh Lê Khánh Hưng chia sẻ: “Làm công việc chăm sóc trẻ em khuyết tật rất khó khăn, nhiều em không thể làm chủ được hành vi của mình. Hàng ngày tôi phải đến từ sớm để dậy các em vệ sinh cá nhân và những kỹ năng cần có trong cuộc sống”.
Những khó khăn vất vả khiến anh càng biết ơn hơn, khi chính mình ngày trước cũng được các thầy cô tại trung tâm dạy dỗ như vậy.
Gắn bó với ngôi trường này đã hơn 10 năm nay, không lúc nào anh bỏ bê công việc dù đồng lương ít ỏi. Có lẽ, cái tình, cái nghĩa sâu nặng đã khiến anh vượt qua những khó khăn vất vả đem lại niềm tin cho trẻ em khuyết tật.
Anh Lê Khánh Hưng luôn cần mẫn, chu đáo với công việc. Anh còn luôn tìm ra những phương pháp chăm sóc thật gần gũi, dễ hiểu để dạy cho các em. Mặc dù trao đổi với các em bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng có lẽ vẫn còn có một sợi dây vô hình gắn kết giữa thầy và trò.
“Tôi luôn cố gắng mong muốn giúp trẻ em khuyết tật phát triển và chứng minh được cho xã hội thấy là chúng tôi cũng có năng lực và là được nhiều việc hữu ích” - anh Lê Khánh Hưng bày tỏ.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Phan Văn Thái - Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội cho rằng, hiệu quả từ việc thầy và trò cùng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giúp các em tại trung tâm cảm nhận được sự gần gũi dễ giao tiếp và nhanh hiểu bài hơn.
“Chúng tôi thấy được sự ân cần chu đáo của anh Lê Khánh Hưng qua cách mà anh chăm sóc trẻ em khuyết tật. Học sinh được anh phụ trách đều phát triển bản thân rất nhanh” ông Phan Văn Thái cho biết.
Cũng theo ông Phan Văn Thái, ngoài là một người thầy mẫu mực, anh Lê Khánh Hưng luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao, đi đầu trong các phong trào thi đua của đơn vị.
Phạm Công