Người lao động "chưa đến tuổi nghỉ hưu đã hết tuổi nghề", sao có lương hưu?

Lê Hoa

(Dân trí) - Nhiều công nhân, lao động trực tiếp có tuổi nghề cách biệt rất lớn với tuổi nghỉ hưu. Đề xuất giảm số năm đóng BHXH có giúp người lao động đã bước qua tuổi 40 "chạm" được đến lương hưu?

Khoảng cách tuổi nghề, tuổi nghỉ hưu của lao động

Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm năm đóng trong bối cảnh lộ trình tuổi nghỉ hưu tăng, vẫn còn khoảng trống từ khi lao động nghỉ làm cho đến khi được lĩnh lương hưu. 

Trong những lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ..., thực tế tuổi nghề đang cách biệt rất lớn với tuổi nghỉ hưu. Nhiều lao động ở độ tuổi đó phải chuyển nghề. Thời gian chờ để đủ tuổi nghỉ hưu dài, khiến nhiều người đã tính đến chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần thay vì chờ lĩnh lương hưu.

Người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu đã hết tuổi nghề, sao có lương hưu? - 1

Người dân giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội.

Với đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu bảo hiểm xã hội tối thiểu, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, đề xuất này chỉ xử lý được việc tăng tiếp cận lương hưu cho nhóm lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn và có thời gian đóng ngắt quãng. Về sâu xa, phải hướng người lao động tham gia vào hệ thống, tích lũy đủ số năm đóng để hưởng lương hưu.

Trao đổi về câu chuyện khoảng cách tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động trực tiếp, dẫn đến nhiều người không chờ được hưởng lương hưu hoặc nghỉ hưu trước tuổi, ông Huân cho biết, ở bất kì quốc gia nào, lương hưu cũng gồm hai yếu tố là số năm đóng và tuổi nghỉ hưu. Cũng không có quốc gia nào quy định 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội lúc 40 tuổi mà đã nhận lương hưu.

Chuyên gia này lấy ví dụ một số quốc gia còn quy định 67 tuổi mới được lĩnh lương hưu do dân số già đi.

Một mình Luật Bảo hiểm xã hội không làm được

GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề dân số, khía cạnh kinh tế của già hóa dân số, an sinh xã hội nhận định, so với luật hiện hành, những vấn đề sửa đổi trong Luật Bảo hiểm xã hội đang được lấy ý kiến thực sự hướng đến mục tiêu dài hạn về phúc lợi cho người lao động. 

"Tuy còn nhiều vấn đề, nhưng việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này đảm bảo bước tiến rất quan trọng trong việc định hướng người dân hưởng hưu trí chứ không phải hưởng trợ cấp, tạo ra tính bền vững của hệ thống", GS.TS Giang Thanh Long phân tích.

Chuyên gia này nhìn nhận, trong bối cảnh xã hội biến động, quy mô hộ gia đình ngày càng nhỏ, tỷ suất sinh giảm, con cái sống độc lập với bố mẹ. Cú sốc dịch Covid-19 đã cho thấy con cái cũng có thể chưa tự đứng vững, chứ chưa tính đến việc hỗ trợ bố mẹ. Ở đây, người già vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu nhập của chính họ, từ hỗ trợ con cái, an sinh xã hội.

GS.TS Giang Thanh Long cho rằng, nếu trước đây người lao động có thể rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng việc quay lại hệ thống để hưởng lương hưu sau này là "cánh cửa hẹp". Nếu muốn tham gia đủ thời gian đóng 20 năm, lao động nam quá tuổi 40 và nữ sau tuổi 35 hết cơ hội chạm tay vào lương hưu.

Với đề xuất chỉ được rút tối đa 50% bảo hiểm xã hội một lần, ông Giang Thanh Long cho rằng đề xuất này đạt được 2 mục đích: Người lao động vẫn có một khoản trang trải lúc khó khăn và được bảo lưu thời gian đóng còn lại. Sau này, người lao động có điều kiện vẫn tiếp tục tham gia và cộng nối thời gian đóng. Như vậy, "cánh cửa" lương hưu sẽ không khép lại với những người rút bảo hiểm xã hội một lần. 

Hiện nay, những trường hợp không tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, hay rút bảo hiểm xã hội một lần hưởng quyền lợi ngắn hạn sẽ không có gì khi về già.

"Trong trường hợp này, Chính phủ hỗ trợ họ. Hỗ trợ từ đâu ra, từ việc đánh thuế các đối tượng sau này. Dẫn đến tình trạng "bóc lột liên thế hệ" - được các chuyên gia quốc tế nhận định", ông Long chia sẻ.

Người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu đã hết tuổi nghề, sao có lương hưu? - 2

GS.TS Giang Thanh Long (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Chuyên gia này cho rằng việc rút bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến việc rất nhiều người sống bằng trợ cấp chứ không phải sống bằng lương hưu. Như vậy, thế hệ sau này phải có hai gánh nặng kép - đóng cho chính họ để có lương hưu và đóng thêm thuế. Đây sẽ là mâu thuẫn lớn của liên thế hệ.

Về khoảng trống giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, GS.TS Giang Thanh Long cho biết: "Đây là sản phẩm của nền kinh tế chứ không phải khúc mắc từ vấn đề bảo hiểm xã hội. Người lao động lựa chọn công việc nằm trong ngành sản xuất chuyên môn hóa cao. Khi doanh nghiệp sụt giảm đợt hàng hoặc thấy năng suất không còn phù hợp, kỹ năng không đáp ứng thì người lao động bỏ ra ngoài".

Trong ngắn hạn, chuyên gia này cho rằng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ trực tiếp với nhóm lao động này. Hỗ trợ quan trọng hơn là "cho cần câu hơn là cho con cá". Người lao động cần được đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng để chuyển đổi phù hợp và tiếp tục có công ăn, việc làm. Có như vậy, họ mới tiếp tục tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, hưởng lương hưu khi về già.