Người công chức "gánh nghiệp", cứ nhận cuộc gọi là lao xuống sông
(Dân trí) - Với tài bơi và lặn giỏi, ông Kpă Jiêm, một công chức ngành Lao động- Thương binh và xã hội xã tại Gia Lai không nhớ hết đã cứu bao nhiều người đuối nước lên bờ từ 2018 tới nay.
Dựng chuyện nhảy sông dọa gia đình
Người dân huyện Krông Pa, Gia Lai mệnh danh ông Kpă Jiêm (45 tuổi, công chức ngành Lao động- Thương binh và xã hội tại xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) là người "gánh nghiệp" trên dòng sông Ba. Bởi ông Jiêm có tài bơi lội, lặn giỏi và thường dùng tài năng này để cứu người đuối nước.
Chỉ cần có người gọi điện báo, ông Jiêm liền vội báo lãnh đạo xã rồi lao đến hiện trường, lặn tìm nạn nhân.
Ông Jiêm kể lần đầu tham gia cứu người đuối nước vào năm 2018. Thời điểm đó, ông đang làm việc ở cơ quan, người làng gọi báo có 2 cậu cháu đuối nước khi tắm trên sông Ba trên địa bàn. Người cháu bị đuối nước, người cậu không biết bơi nhưng vẫn lao xuống sông cứu cháu nên cũng gặp nạn.
Ông Jiêm cùng các thanh niên trong làng lặn tìm khắp lòng sông nhiều giờ liền vẫn không thấy người.
Ai nấy đều mệt lả song ông Jiêm động viên đội lặn cùng ráng thêm một lần nữa. Lần sau chót ngụp xuống, ông quơ chân trúng người bị nạn. Ông ngoi lên, hít hơi thật sâu rồi lặn xuống đáy sông, kéo nạn nhân vào bờ.
"Từ nhỏ, sông suối nơi này tôi đã thuộc từng hốc đá, chỗ lòng hồ nông sâu… Tuy nhiên, ban đầu, việc lặn để tìm người đuối nước cũng khiến tôi thấy áp lực và sợ. Thế nhưng trước những ánh mắt vừa đau khổ vừa trông đợi của người nhà các nạn nhân, tôi và anh em tham gia cứu người lại tự nhủ cố gắng hết sức", ông Jiêm bộc bạch.
Cứu người đuối nước, ông Jiêm cũng đấu tranh với định kiến xưa cũ của người bản địa cho rằng người làm việc "cướp cơm Hà Bá" sẽ gặp xui rủi, dễ phải "đền mạng".
Ông Jiêm thường xuyên tuyên truyền trong các buổi họp làng để xóa bỏ quan điểm sai lầm, qua đó kết nối các thanh niên trong làng tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, không chỉ riêng việc cứu người đuối nước.
Mới đây, một vụ đuối nước xảy ra trên sông Ba (thuộc xã Ia Rmok) khiến 1 người tử vong. Nạn nhân mới 12 tuổi, bị nước cuốn mất tích khi cùng nhóm bạn đi tắm, gặp chỗ nước sâu.
Nghe tin, ông Jiêm tức tốc đến hiện trường cùng với lực lượng chức năng, lặn tìm nạn nhân suốt nhiều giờ, từ 16h chiều đến 20h tối cùng ngày mới tìm thấy thi thể em nhỏ.
Cũng có lần hi hữu, ông Jiêm kể, nhận tin gia đình báo có người nghi nhảy sông làm chuyện dại dột, trên bờ sông có xe máy của người này, ông và lực lượng chức năng tìm kiếm suốt 2 ngày không thấy. Hóa ra, người này buồn chuyện gia đình nên dựng hiện trường để dọa người thân.
"Người ấy làm vậy, mất công anh em tìm kiếm nhưng tôi lại thấy vui, vì người ấy còn sống. Tôi mong bản thân và những người làm công việc này thất nghiệp, mong không còn người gặp nạn đuối nước thương tâm", ông Jiêm nói.
"Chỉ mong thất nghiệp"
Trước những trường hợp đuối nước thương tâm, ông Jiêm cùng cán bộ, công chức xã tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh phải quan tâm, giáo dục con em tránh xa ao, hồ, sông, suối.
Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước khiến 7 trẻ em tử vong. Tình trạng đuối nước trẻ em đang ở mức báo động, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè.
Vì làm tốt công tác tuyên truyền, phòng chống đuối nước nên trong 3 năm trở lại đây, riêng xã Ia Rmok, chỉ ghi nhận 1 vụ đuối nước.
Ông Kpă Sáu, Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, cho biết: "Đảng ủy, chính quyền xã luôn nhiệt tình và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông Kpă Jiêm thực hiện việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Xã cũng đã đề xuất huyện kịp thời khen thưởng đối với ông Jiêm.
Ông Jiêm tuổi đã lớn nhưng vẫn cố gắng vừa học vừa làm, tốt nghiệp đại học năm 2019, được kết nạp vào Đảng đầu năm nay. Với tài năng lặn giỏi, ông luôn nhiệt tình tham gia vào việc tìm kiếm người đuối nước ở trong vùng. Qua đó, rất nhiều nạn nhân đã được ông tìm kiếm và đưa lên bờ".