1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ngược đãi, quấy rối tình dục người gíúp việc bị phạt đến 75 triệu đồng

An Linh

(Dân trí) - Hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức hay sử dụng vũ lực với người giúp việc đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền, từ 50-75 triệu đồng.

Đây là nội dung đặc biệt trong Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Theo đó, đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 50-75 triệu đồng.

Ngược đãi, quấy rối tình dục người gíúp việc bị phạt đến 75 triệu đồng - 1

Cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục người giúp việc có thể bị phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng (Ảnh minh họa).

Phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng đối với một trong các hành vi: lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình; không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật….

Phạt tiền trường hợp nếu hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công.

Bên cạnh đó, trường hợp người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền trong trường hợp không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm.

Việc không tạm ứng hoặc tạm ứng hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động cũng sẽ chịu mức xử phạt theo quy định.

Mức phạt có thể được tăng nặng thêm dựa theo quy mô từ 1 người đến 51 người, tương đương khoảng từ 1 đến 51 triệu đồng/trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định.