(Dân trí) - "Khoản tiền hỗ trợ không hẳn nhiều nhưng đã khiến chúng tôi cảm nhận được sự động viên, chia sẻ. Chúng tôi không hề bị bỏ rơi trong đại dịch Covid-19!", người nghệ sĩ rưng rưng.
"Khoản tiền hỗ trợ không hẳn nhiều nhưng đã khiến chúng tôi cảm nhận được sự động viên, chia sẻ. Chúng tôi không hề bị bỏ rơi trong đại dịch Covid-19!", người nghệ sĩ rưng rưng.
Đã nhiều tháng nay, vợ chồng Nghệ sĩ ưu tú Minh Thành (Trung tâm nghệ thuật truyền thống Nghệ An) phải xa ánh đèn sân khấu. "Trước hôm thành phố Vinh chính thức cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 19/6), tôi có việc chạy xe qua Trung tâm. Trước đây đi diễn thì thôi, còn ngày thường anh chị em nghệ sĩ trong đoàn tập luyện, tiếng hát, tiếng cười rôm rả. Nay khung cảnh vắng lặng, buồn hiu, tự nhiên nước mắt cứ ứa ra", NSƯT Minh Thành chia sẻ.
Cảm nhận sự tác động của dịch Covid-19 rõ nhất bởi cả 2 vợ chồng đều là diễn viên ca kịch của Trung tâm. Nếu như năm 2020, dù dịch Covid-19 nhưng anh chị em diễn viên thỉnh thoảng vẫn có những vở diễn, những buổi biểu diễn ở quãng thời gian rải rác trong năm, thì năm 2021 việc biểu diễn hầu như "đóng băng".
Hồi tháng 4, khi dịch tạm lắng, các nghệ sĩ quay lại luyện tập cho các chương trình kỷ niệm của tỉnh. Chưa đến ngày biểu diễn thì dịch tái bùng phát ở nhiều nơi, các chương trình phải hủy, đồng nghĩa với khoản bồi dưỡng luyện tập cũng không có.
"Từ đầu năm tới giờ tôi mới tham gia biểu diễn 4 buổi phục vụ chính trị, là diễn viên chính nên mỗi buổi được trả thù lao 180-200 nghìn đồng. Các chương trình bên ngoài cũng cắt hết do không có đơn vị nào tổ chức sự kiện nên các khoản thu nhập gần như không còn, ngoài khoản tiền lương hơn 7 triệu đồng, bao gồm cả tiền thanh sắc và độc hại. Chi phí con cái ăn học, tiền trả nợ, chi phí các khoản phát sinh..., bao nhiêu thứ phải co kéo trong khoản tiền lương của hai vợ chồng", Nghệ sĩ Minh Thành tâm sự.
Quy định giãn cách, chị ở nhà, vừa trông nom cậu con trai 7 tuổi, vừa tập luyện và trau dồi kỹ năng biểu diễn với chồng. Chị nhận thu âm các tác phẩm mới hay ngâm thơ... để kiếm thêm thu nhập, cố gắng xoay xở để có thể lo toan cho cuộc sống.
Dù vậy chị cảm thấy mình may mắn hơn các đồng nghiệp trẻ bởi vốn kinh nghiệm nhiều hơn, được một số nhạc sĩ tin tưởng, gửi gắm tác phẩm để thể hiện, giới thiệu ra công chúng. Đồng nghĩa cũng có thêm khoản thu nhập trong thời buổi dịch dã hoành hành. Nhiều đồng nghiệp của chị phải làm nhiều công việc khác để có thêm tiền trang trải cuộc sống, chờ ngày sân khấu mở lại.
"Người nghệ sĩ xa sân khấu lâu, không được luyện tập, trau dồi kỹ năng biểu diễn thường xuyên, khi quay lại dễ bị đơ, cứng cảm xúc. Những thiệt hại đó không phải ai cũng nhìn thấy được ở những người làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống vốn kén khán giả như chúng tôi", giọng chị buồn buồn.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, anh Mai Sơn Thảo - hướng dẫn viên du lịch tại thành phố Vinh (Nghệ An) cũng phải dừng công việc của mình. Khoảng thời gian ngắn ngủi giữa những đợt dịch, anh nhen nhóm ý định sẽ tiếp tục rong ruổi theo các chuyến xe nhưng rồi phải sớm thất vọng.
Không còn tour, không còn thu nhập, chàng trai này xoay đủ nghề để sống, từ đào giếng thuê, ship hàng, bán hàng qua mạng... Mới đây, anh xin được chân tiếp thị cho một hãng tã, bỉm.
"Công việc của tôi là đến các cửa hàng, kiểm tra, xem hàng nào hết, hàng nào còn, nhu cầu của chủ cửa hàng rồi thống kê, gửi về đại lý để vận chuyển tới; hoặc tiếp thị những sản phẩm mới của hãng, từ bỉm đến băng vệ sinh. Lúc đầu mới làm thì hơi ngại nhưng công việc chân chính, kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức của mình nên không lo nghĩ gì nữa. Cái quan trọng là bây giờ mình có một công việc, có nguồn thu nhập tuy không nhiều nhưng ổn định để có thể duy trì cuộc sống cho đến khi hoạt động của ngành du lịch khởi động lại", anh Mai Sơn Thảo chia sẻ.
Là những người phải chịu tác động trực tiếp đầu tiên từ đại dịch Covid-19, các nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên trường tư thục trên địa bàn Nghệ An luôn cố gắng để duy trì cuộc sống dẫu hết sức khó khăn.
Khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai, không có tên trong danh sách, tất cả đều rất buồn. Buồn không phải vì không có khoản tiền vài triệu đồng đó, mà buồn vì nhiều lẽ khác...
Bởi vậy, khi thông tin về Nghị quyết 68 của Chính phủ được lan truyền trên các hội nhóm của anh em làm nghề hướng dẫn viên du lịch, anh Mai Sơn Thảo hết sức vui mừng.
"Thông tin về gói hỗ trợ thật sự là một nguồn động viên rất lớn về mặt vật chất lẫn tinh thần cho những người làm nghề du lịch trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều đó cho thấy được sự quan tâm của các ban, ngành đối với ngành nghề chịu ảnh hưởng đầu tiên và có sự phục hồi sau cùng do đại dịch. Tuy nhiên, điều mong muốn nhất của người lao động, đặc biệt là lao động ngành du lịch là sớm khống chế được dịch bệnh để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Khi đó, không ai phải cần đến gói hỗ trợ này nữa", hướng dẫn viên du lịch này phấn chấn.
Theo thống kê của Công đoàn ngành GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh có khoảng 5.000 lao động thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong năm 2020, công đoàn ngành cũng đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động này. Bởi vậy, khi Nghị quyết 68 ra đời, đã nhen nhóm hi vọng cho đội ngũ giáo viên các trường tư thục.
"Thấy có mình trong danh sách nhóm đối tượng được hỗ trợ, thực sự là rất vui và cảm động. Giáo viên mầm non tư thục như chúng tôi không còn "bị bỏ rơi" trong đại dịch Covid-19 nữa", cô giáo Hồ Thị Mận (thành phố Vinh) chia sẻ.
Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cho rằng Nghị quyết 68 đã đáp ứng được mong mỏi của người lao động nói chung và người lao động trong ngành giáo dục nói riêng.
"Công đoàn ngành đang phối hợp với các cơ sở giáo dục thống kê, rà soát, nắm số lượng người lao động bị ảnh hưởng, đáp ứng các điều kiện phù hợp quy định, lập danh sách trình cấp có thẩm quyền xem xét. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 68 để gói hỗ trợ kịp thời đến tay người lao động", ông Đặng Văn Hải kiến nghị.
Tuy nhiên, ông Đặng Văn Hải cũng cho rằng, việc xét đối tượng thụ hưởng cần phải cẩn trọng, đảm bảo đúng đối tượng, tránh trường hợp khiến người lao động bị hụt hẫng, trông chờ.
Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ sở "bám" theo, hoàn thiện hồ sơ, từ đó người lao động sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
"Khi nghiên cứu Nghị quyết 68, vợ chồng tôi rất vui vì thuộc đối tượng được hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ không phải là lớn nhưng là nguồn động viên quan trọng đối với anh chị em nghệ sĩ trong thời điểm này. Tuy nhiên anh chị em cũng khá phân vân bởi không biết quy trình xét như thế nào? ngoài quy định trong Nghị quyết 68 thì có tiêu chí xét nào khác không? đến bao giờ thì sẽ được nhận?. Rất mong các cơ quan, ban ngành sớm có một văn bản hướng dẫn cụ thể, có căn cứ đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xét cũng như giải ngân gói hỗ trợ", NSƯT Minh Thành tâm sự.
Liên quan đến nội dung này, theo ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần đảm bảo không trục lợi và không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ.