Nhiều tỉnh thành triển khai việc hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng
(Dân trí) - Báo cáo tại hội nghị, nhiều tỉnh thành trình bày phương án, kế hoạch hỗ trợ các nhóm đối tượng là người lao động, doanh nghiệp... bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Chia nhỏ các nhóm đối tượng
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, sở đã nhận thức được việc đảm bảo an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng là người lao động, bị tác động rất lớn vào đợt dịch này.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 5/2021, Sở đã tham mưu các chính sách hỗ trợ và trình gói an sinh xã hội cho Thường trực UBND TPHCM và được UBND thành phố trình HĐND thành phố. Sau đó được HĐND thành phố thông qua vào ngày 25/6. TPHCM đã thực hiện kế hoạch hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng.
Cụ thể, trong 6 nhóm đối tượng có người bị cách ly tại các khu cách ly tập trung của TPHCM và người tham gia phòng chống dịch. Trong đó, người bị cách ly được hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày/người, còn người tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ 120 nghìn đồng/ ngày/ người (tổng kinh phí 350 tỷ đồng).
Với nhóm người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại các doanh nghiệp gặp khó khăn là có 80.000 công nhân. Kể cả giáo viên công lập, và ngoài công lập… nghỉ việc liên tục từ 30 ngày trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/ người/ lần (tổng kinh phí 160 tỷ đồng).
Lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp (khoảng 54.000 người), hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/lần. Các hộ kinh doanh cá thể (khoảng 9.000 hộ), tổng kinh phí hỗ trợ 20 tỷ đồng. Thương nhân ở các chợ truyền thống (khoảng 60.000 điểm), được hỗ trợ tổng 77 tỷ đồng. Lao động tự do (khoảng 230.000 người), từ ngày 6/7/2021 đến nay sở đã hỗ trợ được cho 106.000 người (đạt 46%), tổng kinh phí là hơn 160 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành nghề và lĩnh vực xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp tạm thời nghỉ dịch. Do đó dẫn tới nhiều lao động phải nghỉ việc và đặc biệt lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhằm đảm bảo tình hình đời sống của người lao động, Sở đã chủ động và tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng trình HĐND thành phố các chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng lao động bị ảnh hưởng.
Cụ thể, chính quyền đã thống nhất hỗ trợ cho khoảng 90.000 đối tượng được hỗ trợ (tổng kinh phí là 92 tỷ đồng), với 3 nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm người có công và các đối tượng xã hội; người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do); nhóm các hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm hướng dẫn địa phương việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025, để địa phương xây dựng nghị quyết để trình HĐND TP.
Cùng với đó là việc giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng đối với những hộ nghèo, chính sách, để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, phát triển việc làm, tránh bị ảnh hưởng do dịch.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua, với sự cố gắng của các đơn vị và dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Hà Nội đã tổ chức được 111 phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm thông qua nhiều hình thức trực tuyến, trực tiếp và online, giải quyết việc làm cho hơn 97.000 lao động (đạt 61,2% kế hoạch đề ra).
Trong đó, hỗ trợ vốn vay việc làm cho hơn 28.000 lao động với số vốn 1.282 tỷ đồng. Hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 33.000 người với số tiền 830 tỷ đồng…
Về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, sở đã khẩn trương thành lập tổ công tác của sở để tham mưu cho UBND TP Hà Nội triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cũng đang xin ý kiến các bộ ngành, phấn đấu trong tháng 7/2021, kịp thời triển khai các chính sách thụ hưởng cho người lao động theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng LĐ-TB&XH.
Khôi phục được việc làm cho hàng trăm nghìn người
Trong đợt dịch này, tỉnh Bắc Giang là một trong số các tỉnh bị chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành và sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân. Từ ngày 13/7 đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số hơn 109.000 lao động đi làm trở lại.
Thời điểm xảy ra dịch bệnh, toàn tỉnh có tổng 199.000 lao động phải nghỉ việc. Sau khi dịch xảy ra, ngày 25/5, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, có kế hoạch hỗ trợ khôi phục lại sản xuất, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Trong thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức công tác hỗ trợ công nhân và người lao động, có trên 60.000 người lao động (chủ yếu lao động ngoại tỉnh), triển khai việc thăm hỏi động viên người lao động, người có công.