1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Định:

Năm Covid-19 và bão lũ, nhiều trường hợp vẫn quyết xin ra khỏi hộ nghèo

Doãn Công

(Dân trí) - Giữa lúc khó khăn do dịch Covid-19, bão lũ liên tiếp, thế nhưng không ít hộ dân ở Bình Định đã xin ra khỏi hộ nghèo vì không muốn ỷ lại vào sự bảo trợ của Nhà nước.

Điểm sáng giữa đại dịch Covid-19

Chuyện người dân xin ra khỏi hộ nghèo chẳng còn xa lạ, song trải một năm đầy khó khăn bởi đại dịch Covid-19, liên tiếp hứng chịu 3 trận bão lũ liên tiếp, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống.

Song giữa lúc khó khăn ấy, nhiều hộ dân ở thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo vẫn là hành động đáng trân trọng.

Năm Covid-19 và bão lũ, nhiều trường hợp vẫn quyết xin ra khỏi hộ nghèo - 1

Gia đình ông Đặng Thành Công là một trong nhiều hộ dân ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định xin ra khỏi hộ nghèo.

Tại Bình Định, cuối tháng 10 đầu tháng 11/2020, địa phương này liên tiếp hứng chịu những trận bão lũ, gây thiệt hại nặng nề kể cả người và tài sản. Ba trận bão số 9, 10 và 12 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người dân, hàng trăm ngôi nhà cửa bị sập, nhiều công trình giao thông, thủy lợi tàn phá hư hỏng… Thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.

Giữa lúc nhiều gia đình sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân cả nước chung tay giúp đỡ để vượt qua khó khăn. Đó cũng là lúc tinh thần tương thân thương ái, tình đồng bào trỗi dậy.

Những gia đình từng là hộ nghèo nhưng sau vài năm được hưởng những chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo, mỗi gia đình có điều kiện khắc phục khó khăn. Đến khi đời sống tạm ổn, họ muốn rút để không làm "gánh nặng" bảo trợ của Nhà nước. Đồng thời, nhường cho những bà con khác ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Điển hình như gia đình ông Đặng Thành Công (56 tuổi, thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa), đến xin với chính quyền xã Ân Nghĩa để ra khỏi hộ nghèo. Ông Công nói lý do, gia đình ông đã trở thành hộ tạm ổn về kinh tế nên muốn xin rút khỏi hộ nghèo để nhường suất hỗ trợ lại cho những người có hoàn cảnh bi đát hơn mình.

Năm Covid-19 và bão lũ, nhiều trường hợp vẫn quyết xin ra khỏi hộ nghèo - 2
Dù chưa phải nhà cao cửa rộng, nhưng khi có sức khỏe người dân tự làm không ỷ lại vào sự bảo trợ của Nhà nước.

Gia đình ông Công  có đến 7 người con, ông từng là trụ cột của gia đình nhưng bị bệnh nặng nên phải điều trị rất tốn kém. Vì vậy, 6 năm qua để hỗ trợ ông vượt khó, chính quyền đưa gia đình ông vào diện hưởng chính sách hộ nghèo.

"Nhờ Nhà nước đưa vào hộ nghèo nên tôi mới vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Hiện, con cái tôi đã học hành ra trường lớp, có ngành nghề, bản thân tôi cũng bớt bệnh. Vài năm nay, tôi chuyển toàn bộ đất sang trồng dưa leo, dưa gang gối vụ liên tục cho thu nhập ổn định nên đời sống cũng khá giả lên…", ông Công cảm kích.

Truyền thống tương thân tương ái

Tương tự, các gia đình ông, bà Đinh Thị Hằng (42 tuổi), Nguyễn Văn Vinh (42 tuổi), Dương Văn Hàn (56 tuổi), Nguyễn Thị Sử (66 tuổi), Nguyễn Trọng Yêm… cũng vừa xin chính quyền ra khỏi hộ nghèo.

Năm Covid-19 và bão lũ, nhiều trường hợp vẫn quyết xin ra khỏi hộ nghèo - 3
Trước đó, hộ ông Nguyễn Thường (thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) cũng xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho hộ thật sự khó khăn.

Trong đó, hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Vinh là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Bản thân anh và vợ trước kia đều bị bệnh rất nặng, đứa con thì ung thư máu. Trong 10 năm trời, anh được chính quyền đưa vào diện hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, bệnh tình của gia đình anh Vinh đã thuyên giảm, bản thân anh có công việc ổn định thu nhập khá nên anh quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo.

Anh Vinh cũng chia sẻ, ở thôn quê sống dựa vào vài sào ruộng, nếu chẳng may gia đình nào có người bị bệnh hiểm nghèo mà không thuộc diện hộ nghèo thì gánh không nổi.

Trưởng thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa), ông Võ Xuân Quang chia sẻ: "Ở đây, bà con sống vì cộng đồng, có truyền thống tương thân tương ái, không bao giờ ỷ lại bởi sự nghèo khó. Bởi vậy, người dân xin ra khỏi hộ nghèo với tinh thần, trách nhiệm rất cao cả, chiếu theo nguyện vọng và hoàn cảnh thực tế của mỗi hộ".

Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết, trong năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19, kèm theo bão lũ triền miên nhưng tỷ lệ hộ nghèo của địa phương tiếp tục giảm hơn 1 nửa so với năm 2019. Đáng chú ý, trong 2 năm liền, Ân Nghĩa có rất nhiều hộ dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Có nhiều thôn, xóm vốn xưa kia nghèo khó, nay diện mạo nông thôn đã khởi sắc, số người xin ra khỏi hộ nghèo tăng liên tục, tất cả đều đủ điều kiện để thoát nghèo bền vững.