DMagazine

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con

(Dân trí) - Nhận tin dữ về 2 người con trai cùng một ngày, nỗi đau của cụ Lê Thị Chúc (Hà Nội) như nhân lên gấp bội. Dù vậy, cụ vẫn cố gắng sống vui khỏe, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con    

Nhận tin dữ về 2 người con trai cùng một ngày, nỗi đau của cụ Lê Thị Chúc (Hà Nội) như nhân lên gấp bội. Dù vậy, cụ vẫn cố gắng sống vui khỏe, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Nhận 2 giấy báo tử cùng một tối

Gần 47 năm trôi qua, mắt đã mờ đi nhiều và ngay cả trí nhớ cũng không còn được như xưa nhưng cụ Lê Thị Chúc (SN 1927, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội - trước kia là tỉnh Hà Sơn Bình) vẫn không thể nào quên được ký ức về 2 người con trai. Các anh tình nguyện lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1971, vào lúc cao điểm Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", cụ Lê Thị Chúc đã tiễn người con trai cả Trần Văn Tân (SN 1950) lên đường nhập ngũ. Một năm sau, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, anh Trần Công Lập (SN 1953) cũng viết đơn tình nguyện xung phong ra chiến trường dù chưa đủ 18 tuổi.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con - 1

Cụ Lê Thị Chúc có 2 con trai cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ.

"Hai đứa ngoan ngoãn, hiền lành. Khi ở nhà, anh Lập còn được làm thư ký đội sản xuất nông nghiệp của xã, được kết nạp vào Đảng. Ông nhà tôi mất sớm, các con ở nhà thì còn có người đỡ đần. Như bao người mẹ khác tôi chỉ mong khi chiến tranh kết thúc, 2 con trở về lành lặn", cụ tâm sự.

Thời gian này, cụ Lê Thị Chúc vẫn thường xuyên nhận được thư của 2 anh gửi về. Có lần, anh Trần Công Lập còn khoe được bầu làm Tiểu đội phó của Trung đoàn, mang quân hàm Trung úy.

"Nhập ngũ được hơn 3 tháng, Lập về thăm nhà để chuẩn bị hành quân vào Nam. Ngày đó, thấy con gửi quà cho một cô gái trong làng. Tôi cũng giục lấy vợ nhưng con cười trừ, chỉ lo mẹ làm việc quá sức. Lập hứa đi hết trận này sẽ về xây nhà mới cho mẹ", cụ Lê Thị Chúc nhớ lại.

Để rồi ngày đất nước thống nhất, khi nhiều gia đình vui mừng đón các chiến sĩ trở về trong cờ, hoa thì biến cố lớn lại ập đến với cụ Lê Thị Chúc.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con - 2
Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con - 3

Giấy báo tử của liệt sĩ Trần Công Lập và di ảnh của tử sĩ Trần Văn Tân (trái) và liệt sĩ Trần Công Lập.

Trong một buổi tối mùa đông năm 1975, gia đình cùng lúc nhận 2 giấy báo tử: Người con Trần Văn Tân ốm nặng và mất tại tỉnh Quảng Nam, còn người em Trần Công Lập hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở tây nam Bến Cát (Bình Dương).

"Thương các con lắm mà không biết làm thế nào. Tôi khóc nhưng nào dám khóc to, phải nuốt nước mắt vào trong để còn làm nuôi 3 người con còn lại ăn học thành người", cụ nghẹn ngào.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con - 4

Nỗi niềm sau 47 năm chưa nguôi.

Cho đến tận bây giờ, nhiều đêm cụ vẫn không ngủ được vì thương nhớ con trai. Những lúc có miếng ăn ngon cụ vẫn hay nhắc: "Ngày xưa nhà nghèo, cơm không đủ ăn, phải độn sắn, giờ no đủ thì anh Tân, anh Lập không còn nữa rồi".

47 năm chưa tìm được con

Dù còn mang nặng những vết thương do chiến tranh để lại nhưng cụ Lê Thị Chúc luôn tự hào vì sự hy sinh của các con cho bình yên của Tổ quốc. Trở về cuộc sống thường nhật, cụ luôn lạc quan và là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Cụ vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu giữ gìn truyền thống gia đình cách mạng, sống thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con - 5

Cụ Lê Thị Chúc thường răn dạy con cháu sống thật tốt, gìn giữ truyền thống gia đình cách mạng.

Mọi năm, sáng sớm cụ vẫn mang rau ra chợ bán, cảm thấy cơ thể khỏe khoắn chiều tối lại đội nón ra nhổ cỏ, làm vườn, chăm cây. Từ cuối năm ngoái, gia đình người con gái út đã đón cụ Lê Thị Chúc về ở chung để tiện chăm sóc.

"Ngày trước, mẹ vẫn tự lo việc hương khói cho hai anh. Nhưng gần đây, lưng mẹ còng và đau nhiều nên đi lại rất khó khăn, phải vịn tay vào xe đẩy mới có thể đi được", bà Trần Thị Nhàn (SN 1966), con gái út của cụ Lê Thị Chúc cho biết.

Trò chuyện với PV, cụ Lê Thị Chúc không dấu khỏi sự vui mừng khi các con, các cháu đều thành đạt và hiếu thảo. Với cụ, đó là sự động viên tinh thần rất lớn.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ gần nửa thế kỷ vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con - 6

Chỉ có điều duy nhất cụ vẫn đau đáu là việc niềm tìm và đưa hài cốt của tử sĩ Trần Văn Tân và liệt sĩ Trần Công Lập về an táng tại quê nhà.

"Người con cả của tôi bị bệnh rồi mất tại tỉnh Quảng Nam. Nhưng khi giấy báo tử đưa về không ghi rõ mất tại đâu và thuộc đơn vị nào. Trong một lần đi công tác tại đây, em trai tôi cũng đến bệnh viện và các đơn vị quân đội nhưng không tìm thấy phần mộ", cụ nhớ lại.

Vào năm 2012, gia đình cụ Lê Thị Chúc cũng nhờ người quen ở thành phố Hồ Chí Minh trở lại Bến Cát (Bình Dương) tìm hài cốt của liệt sĩ Trần Công Lập. Nhưng khi tìm được chiến trường nơi anh hy sinh thì những phần hài cốt còn lại đã được một đơn vị khác chuyển đi nhưng không rõ là đơn vị nào và chuyển đến quy tập tại nghĩa trang nào.

Theo ông Lê Khương Duy, công chức Văn hóa - Xã hội xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), toàn xã có 264 liệt sĩ, 34 thương binh, 21 bệnh binh, 47 thân nhân liệt sĩ, 199 hộ gia đình thờ cúng liệt sĩ, không có thống kê về số lượng tử sĩ.

Khoảng 80 hài cốt của các liệt sĩ đã được quy tập tại nghĩa trang xã Cố Đô, những trường hợp còn lại đến nay vẫn chưa tìm được mộ, trong đó có phần mộ của liệt sĩ Trần Công Lập là con trai bà Lê Thị Chúc. Với những thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng tìm kiếm, quy tập hài cốt, địa phương sẽ hướng dẫn làm các thủ tục gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, xã cũng sẽ tổ chức lễ truy điệu, đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang.