Đồng Tháp:
"Mang sổ hộ nghèo hơn một thập kỷ, giờ "mất sổ" tôi mừng lắm"
(Dân trí) - Nhờ dự án giảm nghèo, nhiều hộ nghèo ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) tiếp cận nguồn vốn vay làm ăn, trở nên khấm khá. Họ mừng vui khi bỏ được sổ hộ nghèo đeo bám hơn một thập kỷ qua.
Rũ bỏ "sổ hộ nghèo" sau hơn một thập kỷ
Hộ dân đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1974, xã Tân Dương). Điều làm chúng tôi chú ý là căn nhà khang trang mà vợ chồng anh Tùng vừa hoàn thành cách đây vài tuần.
Hai vợ chồng anh cưới nhau từ năm 1996. Do chưa tích lũy được đất để canh tác, vợ chồng anh đi làm thuê khắp nơi. Đến năm 2000, cha mẹ cho một mảnh vườn khoảng 1.000m2, vợ chồng anh cất nhà sinh sống.
Cũng từ thời gian này, địa phương thấy gia cảnh vợ chồng anh khó khăn nên đưa vào danh sách hộ nghèo.
Dù làm cật lực đủ thứ nghề, vợ chồng anh Tùng vẫn không thể... thoát nghèo, nhất là từ khi 2 đứa con chào đời, tiền ăn, tiền học, khó khăn chất chồng khó khăn. Đến năm 2007, anh Tùng bỏ nghề làm thuê về nhà học nghề trồng hoa kiểng nhưng "nghèo vẫn hoàn nghèo".
Đến năm 2018, vợ chồng anh được địa phương xét cho vay 30 triệu đồng từ dự án giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Có tiền, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư, trồng thêm vài ngàn chậu hoa giấy.
"Đúng thời gian này, hoa kiểng hút hàng, vợ chồng tôi làm không kịp bán. Trúng hoa kiểng và trúng giá, vợ chồng tôi có bạc chục triệu trong nhà. Nhờ đó, sang năm 2020, vợ chồng tôi xây dựng được căn nhà khang trang như hiện nay. Mặc dù căn nhà cũng có mượn thêm tiền bà con để làm cho tươm tất", anh Tùng bộc bạch.
Hiện nay trong vườn kiểng của anh từ con số vài trăm chậu đã nâng lên hàng nghìn chậu. Sau vài tháng ra công chăm sóc, cắt tỉa, tạo hình, vợ chồng anh Tùng có thu nhập từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng/tháng.
"Bỏ được cuốn sổ hộ nghèo là cả một quá trình, vì nó bám gia đình tôi hơn 17 năm trời. Những năm đó, để có tiền mua một chiếc xe rùa đẩy kiểng đi ra lộ bán phải để dành tiền mấy tháng mới có. Còn mỗi khi đến mùa mưa bão, cả nhà không ai ngủ được vì nhà dột và lo sập… Vì thế, bây giờ vợ chồng tôi cất được cân nhà kiên cố thế này mừng lắm. Từ nay chỉ lo làm ăn, không còn lo chạy gạo từng bữa nữa", anh Tùng hồ hởi nói.
Đến nhà ông Phạm Văn Te - xã Tân Dương, đúng lúc ông thuê thợ sửa lại căn nhà tường kiên cố nhưng ngã màu sơn. Theo ông Te dự tính, tiền sửa nhà ăn tết lần này trên 100 triệu đồng nhưng chi phí này nằm trong kế hoạch của vợ chồng.
Vừa cho phân vào các chậu hoa giấy, ông Te cho biết, vợ chồng ông vừa thoát nghèo được 2 năm nay. Trước đó, gia đình ông mang sổ hộ nghèo trên 10 năm, rồi chuyển sang hộ cận nghèo cũng 3-4 năm. Theo ông Te, gia đình "dính" hộ nghèo vì thời gian đó, gia đình ông chỉ có 2 công đất (khoảng 2.000m2) nhưng có đến 5 miệng ăn nên cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.
Mặc dù vậy, vợ chồng ông Te tranh thủ đi làm thuê để kiếm tiền nuôi 3 đứa con khôn lớn. Tuy nhiên, gia đình luôn rơi vào tình cảnh thiếu trước hụt sau. Đến những năm 2016-2017, khi vợ chồng ông Te vay được 30 triệu đồng, ông Te bỏ hẳn nghề trồng lúa, chuyển sang nghề trồng hoa kiểng (chủ yếu là hoa giấy), từ đó cuộc sống khấm khá hơn.
"Xung quanh đây bà con sống bằng nghề trồng hoa kiểng nên thấy tôi chuyển qua nghề này, bà con tận tình chỉ dẫn. Từ vài trăm chậu ban đầu, tui vay tiền chính sách xã hội đầu tư dần lên, đến nay cả chục nghìn chậu hoa kiểng. Mỗi năm thu về tiền lãi trên dưới 150 triệu đồng. Cũng nhờ kinh tế ổn định nên vợ chồng tôi mới dám sửa lại căn nhà cho khang trang, đón Tết", ông Te chia sẻ.
"Chiếc phao cứu sinh" cho hộ nghèo
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung - cho biết, giai đoạn 2016 - 2020 với những chương trình giảm nghèo bền vững từ Chính phủ và từ những chính sách của UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ người nghèo thoát nghèo đã thật sự là điểm tựa của hộ nghèo, cận nghèo những năm qua.
Theo ông Dũng, để giúp người dân thoát nghèo, ngoài những chương trình, dự án từ Trung ương đến tỉnh thì khâu xét chọn đối tượng đưa vào dự án phải đúng; tiếp đó là hướng dẫn, tập huấn cho người dân kỹ thuật canh tác, nuôi trồng.
Khi người dân bắt đầu chăn nuôi hay trồng trọt thì đến khẩu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc sử dụng tiền, giữ tiền thế nào cho hiệu quả… Từ đó, giúp người dân duy trì vốn, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập thì mới thoát nghèo bền vững.
Ông Dũng cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các ưu điểm của các dự án giảm nghèo bền vững, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể chung tay vào công tác giảm nghèo. Một trong những công tác đó là các sở, ngành cần có sự phân luồng học sinh lớp 9 để các em học nghề; đồng thời mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề, nhất là các lớp nghề phù hợp với lao động nông thôn hoặc đào tạo nghề theo địa chỉ.
Ngoài ra, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần được duy trì và phát triển hơn nữa, vì đây là con đường không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn giúp người dân khấm khá, giàu có.
Lãnh đạo huyện Lai Vung cũng thẳng thắn nhìn nhận số hộ giảm nghèo tuy có giảm theo từng năm nhưng kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc. Việc thực hiện hợp phần hỗ trợ còn dàn trải, người dân sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả. Đồng thời, kế hoạch giảm nghèo của một số xã còn chung chung; tính kỷ cương hành chính, trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức còn chưa cao nên phần nào ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình giảm nghèo ở địa phương.
Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo huyện Lai Vung chiếm đến 7.05%. Sang năm 2019 chỉ còn 2,94% và năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,14%. Đạt kết quả như trên là do huyện Lai Vung thực hiện nhiều mô hình dự án giảm nghèo, như: Dự án nhân rộng nuôi bò vỗ béo ở xã Định Hòa có 15 hộ nghèo tham gia, với số vốn 420 triệu đồng.
Kết quả, các hộ tham gia đều thoát nghèo, mức thu nhập tăng lên 0,1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Hay dự án trồng hoa kiểng ở xã Tân Dương với sự tham gia của hàng chục hộ, kết quả có trên 90% các hộ đều thoát nghèo.