1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mang họa khi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hành vi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám chữa bệnh là vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện, người cho mượn thẻ BHYT có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 triệu đồng.

Khi đi khám chữa bệnh BHYT, người dân chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và căn cước công dân để đăng ký mà ít có sự kiểm soát, đối chiếu chứng thực. Do đó, nhiều người không tham gia BHYT có ý định mượn thẻ BHYT của người thân có nhận dạng gần giống mình để sử dụng khi đi khám chữa bệnh.

Mang họa khi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế - 1

Cho người khác mượn thẻ BHYT sử dụng khám chữa bệnh có thể bị phạt và phải khắc phục thiệt hại do người mượn thẻ gây ra (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Khoản 2 Điều 37 Luật BHYT 2008 quy định: "Người tham gia BHYT có nghĩa vụ sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ BHYT".

Như vậy, hành vi cho mượn thẻ BHYT là trái quy định của pháp luật. Nếu bị phát hiện, người cho mượn thẻ BHYT có thể bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại do người mượn thẻ gây ra.

Căn cứ theo Điều 84 Nghị Định 117/2020/NĐ-CP, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền theo 2 mức độ.

Thứ nhất, phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Thứ hai, phạt từ 3 đến 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Theo Khoản 5 Điều 4 Nghị Định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài mức phạt tiền trên, Điều 84 Nghị Định 117/2020/NĐ-CP còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, người vi phạm (hoặc người cho mượn thẻ BHYT) bị buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội 2008 (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014), trong trường hợp phát hiện hành vi mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ tạm giữ thẻ BHYT dùng để thực hiện hành vi này. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.

Bạn đọc có thể theo dõi chi tiết các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế TẠI ĐÂY.